Dừng lại nghỉ ngơi, uống từng ngụm nước nhỏ, vui chơi ở nơi râm mát giúp giảm chóng mặt khi du xuân trong thời tiết nắng nóng.
Chóng mặt thường xảy ra trong lúc đi chơi, ở ngoài trời, ngồi trong ô tô, trong phòng kín không có điều hòa; có thể gặp ở người lớn, trẻ em.
Biểu hiện chóng mặt do nắng nóng
BS.CKI Nguyễn Phương Trang, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết biểu hiện chóng mặt do nắng nóng có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, kèm theo cảm giác choáng váng, hoa mắt, buồn nôn. Trường hợp nặng có thể tụt huyết áp, ngất xỉu hoặc có cảm giác sắp ngất. Một số triệu chứng thường gặp khác như đổ mồ hôi nhiều, da ẩm, lạnh, nổi da gà ngay cả khi trời nóng, nhịp tim yếu và nhanh, đau đầu.
Chóng mặt dễ xảy ra nếu chơi dưới trời nắng nóng trong khoảng thời gian dài mà không bù đủ nước, không nghỉ ngơi hợp lý.
Cách giảm chóng mặt khi đi chơi Tết ngày nắng
Trong quá trình hoạt động thể chất, cơ thể mất chất lỏng và chất điện giải qua mồ hôi. Chất điện giải là các khoáng chất (như natri, kali) giúp cơ thể hoạt động bình thường. Nếu cơ thể mất quá nhiều chất lỏng và điện giải gây buồn nôn, chóng mặt.
Bác sĩ Trang gợi ý cách giảm chóng mặt khi đi chơi Tết ngày nắng dưới đây.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí, dành thời gian nghỉ ngơi giải lao trong bóng râm hoặc một nơi mát mẻ. Khi di chuyển ở ngoài trời vào ngày nắng, nên đội mũ có vành để tránh ánh nắng mặt trời.
- Sắp xếp thời gian cho các hoạt động khi ra ngoài trời phù hợp. Ưu tiên ra ngoài vào những ngày hay giờ ít nắng, buổi sáng trước 9h hoặc chiều muộn hơn 16h.
- Uống đủ nước, từng ngụm thường xuyên sau mỗi 30 phút, tránh để quá khát mới uống. Ưu tiên nước lọc hoặc đồ uống thể thao. Uống đủ nước, cân bằng lượng chất lỏng góp phần giảm nguy cơ kiệt sức, chóng mặt do nắng nóng.
Người đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc khác dễ mất nước hơn, nên nói chuyện với bác sĩ điều trị để có biện pháp phòng ngừa khi trời nắng nóng. Người từng bị chóng mặt hoặc say nắng, khả năng tái phát cao hơn, cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi đi chơi xa.
Nếu di chuyển bằng xe ô tô nên mở cửa sổ hoặc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa để tránh chênh lệch giữa trong và ngoài xe.
Người có biểu hiện bất thường như , bủn rủn chân tay khi đang hoạt động ngày nắng nóng nên nhanh chóng dừng lại, tìm nơi mát mẻ nghỉ ngơi. Nên nằm ngửa, đặt hai chân giơ cao hơn ngực. Nới lỏng quần áo, cởi bỏ trang phục bên ngoài, dùng khăn mát (nhúng nước, vắt ráo) đặt lên trán hoặc sau gáy, lau cơ thể. Uống từng ngụm nước suối, nước điện giải, nước dừa, nước rau má, nước mía cũng có thể làm mát cơ thể. Lúc này, không nên uống quá nhiều và quá nhanh, tránh rượu và đồ uống chứa caffein.
Bác sĩ Trang lưu ý sau khoảng 30 phút nếu áp dụng các biện pháp nói trên, không bớt nên đến cơ sở y tế, tránh tự ý dùng thuốc hay cạo gió vì có thể ảnh hưởng sức khỏe.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh để bác sĩ giải đáp