Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ: Khi nào và hết bao nhiêu tiền?

xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ

Thống kê cho thấy, một phụ nữ mang thai trên bảy sẽ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Bệnh lý này đang gia tăng nhanh chóng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là biện pháp hiệu quả nhất giúp tầm soát tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ kinh nghiệm đi xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ, chi phí hết bao nhiêu và mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Gia đình chị Lê Thanh Thúy (25 tuổi) lo lắng vì cả bố và mẹ đều bị bệnh đái tháo đường. Suốt thai kỳ, chị thăm khám thường xuyên và làm đủ các xét nghiệm cần thiết. Ban đầu, kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng đường ở mức bình thường. Tuy nhiên, khi làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose ở tuần thứ 24 để tầm soát, kết quả cho thấy chị mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Thai phụ không nên chủ quan với đái tháo đường thai kỳ, vì cứ 7 phụ nữ mang thai sẽ có 1 người mắc căn bệnh này. Người mẹ trẻ lắng nghe lời khuyên của bác sĩ về việc điều trị tiết chế dinh dưỡng và vận động để ổn định đường huyết. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, chị Thúy không thể đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra bệnh tình đầy đủ, không thể kiểm soát chế độ ăn uống và không thể tập thể dục theo lời khuyên của bác sĩ. Hơn nữa, việc ở nhà không thể làm gì khiến chị cảm thấy căng thẳng, stress và mệt mỏi.

Hơn 10 tuần sau, chị Thúy phát hiện bụng to hơn các mẹ bầu khác cùng tuổi thai. Chị cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, khát nước và đi tiểu liên tục. Khi đi tái khám, bác sĩ phát hiện em bé rất to, đa ối và lượng đường huyết đói trong máu cao gần 200mg%. Tình trạng đái tháo đường thai kỳ đã nặng. May mắn, chị được nhập viện cấp cứu ngay và được chỉ định tiêm Insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu người mẹ và theo dõi sát tình trạng sức khỏe mẹ và thai. Nhờ đó, tính mạng hai mẹ con được an toàn.

Sau hơn một tuần điều trị nội trú bằng Insulin, đường huyết của chị dần dần ổn định. Tuy nhiên, đến tuần thứ 37, chị Thúy được chỉ định mổ bắt con vì thai to, đa ối và suy thai cấp. Gia đình chị Thúy rất hạnh phúc khi chào đón em bé nặng 4,4 kg. Mặc dù không bị tím tái, nhưng em bé thở không tốt và có nguy cơ hạ đường huyết và nhiễm trùng, nên bé được gửi lên khoa sơ sinh để tiếp tục theo dõi và điều trị.

xem thêm  Tin tức

Đó là một trong những trường hợp may mắn mẹ và con sau khi được điều trị. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khác mất con hoặc mất cả mẹ lẫn con chỉ vì đái tháo đường trong thời gian mang thai không được phát hiện và kiểm soát.

ThS.BSNT Lâm Hoàng Duy, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đái tháo đường rất nguy hiểm đối với cả thai phụ lẫn thai nhi. Đái tháo đường trong thời gian mang thai có thể khiến người mẹ bị tăng cân quá mức, gây béo phì và khó lấy lại vóc dáng sau sinh. Ngoài ra, thai phụ còn có nguy cơ thai to quá mức và đa ối, gây mệt mỏi, khó thở và gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ. Ngoài ra, bệnh còn khiến tăng nguy cơ sinh non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Với thai nhi, căn bệnh này dễ gây dị tật thai nếu mẹ bị đái tháo đường từ trước khi có thai mà không được điều trị đúng cách. Thai nhi cũng có nguy cơ bị rối loạn tăng trưởng và có thể gặp các biến chứng khác sau khi sinh. Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi và có nguy cơ béo phì, cao huyết áp và đái tháo đường khi lớn lên.

Đái tháo đường thai kỳ, hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ, là hiện tượng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, có thể khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong giai đoạn thai kỳ. Tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện, tuy nhiên thường biến mất sau 6 tuần tính từ thời điểm sinh. (Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO)

Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ là khi ăn, tuyến tụy sẽ giải phóng ra insulin – một loại hormone nằm phía sau dạ dày giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng, đồng thời có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, lượng insulin tiết ra tương đối ổn định nên ít ảnh hưởng đường huyết. Tuy nhiên, từ nửa sau thai kỳ, các hormone của nhau thai tăng cao làm đề kháng tác dụng kiểm soát đường huyết của insulin, sự mất cân bằng này khiến cho thai phụ dễ bị đái tháo đường thai kỳ.

xem thêm  Khối U Xơ Tử Cung - Nỗi Khổ Đau Và Giải Pháp Tại Fim24h

Bác sĩ Lâm Hoàng Duy cho biết, có nhiều loại xét nghiệm để tầm soát và chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ mà thai phụ nên thực hiện trong quá trình mang thai. Hiện nay, tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75gram glucose uống – 1 bước để chẩn đoán và tầm soát bệnh. Xét nghiệm này thường được thực hiện vào tuần 24 – 28 của thai kỳ.

Nghiệm pháp dung nạp 75gram glucose uống – 1 bước đòi hỏi sản phụ phải được lấy máu tĩnh mạch 3 lần, lúc đói, sau uống nước đường 1 giờ, và 2 giờ. Nếu mẫu máu cho kết quả dương tính, thai phụ sẽ bị đái tháo đường thai kỳ và được bác sĩ hướng dẫn phác đồ điều trị hiệu quả.

Các chuyên gia sản khoa cho biết, đái tháo đường thai kỳ đang là trở ngại đáng lo nhất đối với sức khỏe sản phụ. Nhiều sản phụ chưa nhận thức được tầm quan trọng của xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ trong khi căn bệnh này gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả sản phụ lẫn thai nhi.

“Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của em bé. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng như đã nói trên”, bác sĩ Lâm Hoàng Duy khuyến cáo.

gây nhiều biến chứng cho sản phụ và thai nhi

Nhiều thai phụ thắc mắc nên xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ ở tuần bao nhiêu? Tất cả phụ nữ mang thai nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75gram glucose uống – 1 bước (glucose tolerance test – GTT) vào tuần 24 – 28 để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

Tuy nhiên, trong các trường hợp người mẹ có tiền sử đái tháo đường trong thai kỳ trước, sinh con nặng ký (trên 4kg), hoặc có tiền sử thai kỳ trước bị chết lưu lớn; hoặc người mẹ thừa cân béo phì, bị hội chứng buồng trứng đa nang; hoặc có chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, tăng cân quá mức (trên 3kg/ tháng), mang đa thai, thai to, đa ối,… có các biểu hiện như thường xuyên khát nước, miệng thấy vị ngọt, mệt mỏi quá mức…, đặc biệt là nếu gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường được xem là có các yếu tố nguy cơ cao, cần được xét nghiệm sớm hơn từ 3 tháng đầu thai kỳ để xác định đái tháo đường tiềm ẩn từ trước khi mang thai.

xem thêm  3 Dấu Hiệu Cảnh Báo Bệnh Tay Chân Miệng Giai Đoạn Nặng Ở Trẻ Nhỏ

Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ gồm: tuổi mẹ khi mang thai trên 40 tuổi, bị béo phì (BMI > 25), đã bị đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước, tiền sử sinh con nặng ký (≥4000g), tiền sử thai lưu 3 tháng cuối không rõ lý do, tiền sử sinh con có dị tật bẩm sinh không tìm được nguyên nhân, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, rối loạn phóng noãn kiểu buồng trứng đa nang, sử dụng thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus, hoặc nhiễm virus…

Bác sĩ Lâm Hoàng Duy cũng lưu ý thai phụ trong suốt thai kỳ không nên ăn quá nhiều “ăn cho hai người”, nên ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi…, nên chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần, hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột và chất béo, đặc biệt là không nên ăn uống quá nhiều đồ ngọt như trà sữa, nước ngọt, nước mía hoặc các loại trái cây ngọt như mít, sầu riêng… để tránh tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ mà không thay đổi lượng vitamin và dinh dưỡng cần thiết trao đổi qua thai nhi.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ?

Các chuyên gia khuyến cáo, để có một kết quả đường huyết chính xác, trước khi làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ, thai phụ phải nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu. Nếu tiến hành lấy máu ngay sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose, làm tăng lượng đường hoặc mỡ trong máu, khiến kết quả xét nghiệm không chính xác.