Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ lại bị tiêu chảy. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Mẹ cần làm gì khi trẻ gặp phải tình trạng này?
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy
Trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy không phải là hiện tượng hiếm gặp, do đó, khi trẻ gặp phải tình trạng này, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần phải bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể gây ra tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy:
1. Bé chưa được cho bú đúng cách
Bú sai cách là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh bú mẹ, đặc biệt khi mẹ mới tập cho con bú. Khi mẹ điều chỉnh lại cách cho trẻ bú, tình trạng tiêu chảy ở trẻ sẽ tự khỏi.
Khi trẻ bú mẹ, sữa đầu dòng sẽ trong và loãng, nhưng càng về sau, khi gần hết sữa, sữa sẽ đặc lại. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ bú hết một bên vú trước khi chuyển sang bên còn lại khi bé chưa no. Điều này giúp đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước và dưỡng chất cần thiết. Hơn nữa, việc bú cạn sữa trong bầu vú của mẹ sẽ tạo điều kiện để cơ thể mẹ sản sinh thêm sữa để nuôi dưỡng sớm, tránh tình trạng mẹ hết sữa sớm.
Trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy do bú chưa đúng cách.
2. Trẻ bị nhiễm khuẩn
Trẻ sơ sinh được chăm sóc cẩn thận, được đặt trong nhà, không tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nhưng tại sao lại bị nhiễm khuẩn? Thực tế, có rất nhiều nguồn bệnh có thể lây lan, khiến trẻ bị nhiễm trùng, điển hình như: Mẹ không vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, đúng cách hoặc bố mẹ không rửa với xà phòng khử khuẩn trước khi chăm sóc bé.
Vệ sinh đầu vú kém là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển ở khu vực này. Khi trẻ bú mẹ, vi khuẩn sẽ xâm nhập và gây tổn thương hệ tiêu hóa, khiến trẻ bị tiêu chảy. Hơn nữa, với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ sơ sinh, tình trạng này có thể trở nặng nhanh chóng khi không được phát hiện kịp thời.
3. Chế độ ăn uống của mẹ
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường, uống nước ngọt,… không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể đi vào sữa mẹ, gây kích thích hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, khiến trẻ bị tiêu chảy. Vì vậy, mẹ cần chú ý đến chế độ ăn hàng ngày của mình, ăn uống đầy đủ, cân bằng dưỡng chất và lựa chọn thực phẩm an toàn, lành mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
4. Tác dụng phụ khi mẹ dùng thuốc
Mẹ cho con bú khi dùng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, dược tính của thuốc có thể thấm qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, khiến trẻ bị tiêu chảy. Điều này cũng có thể xảy ra khi mẹ dùng các thực phẩm bổ sung. Vì vậy, khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn loại thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong giai đoạn cho con bú, mẹ dùng một số loại thuốc hay thực phẩm chức năng không phù hợp cũng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.
Trong giai đoạn cho con bú, mẹ dùng một số loại thuốc hay thực phẩm chức năng không phù hợp cũng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.
Cách nhận biết trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bị tiêu chảy?
Thông thường phân của trẻ sơ sinh bú mẹ có dạng sệt và khá lỏng, nên nhiều bố mẹ có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ có thể nhanh chóng nhận ra trẻ bị tiêu chảy qua các biểu hiện phổ biến sau:
- Phân lỏng, nhiều nước bất thường, lượng phân tăng lên.
- Phân có nhầy máu hoặc có mùi hôi tanh bất thường.
- Tần suất đi tiêu của trẻ tăng đột ngột hơn so với thường ngày.
- Trẻ sốt hoặc quấy khóc nhiều.
- Trẻ bú kém, bỏ bú, nôn ói.
- Xuất hiện dấu hiệu mất nước: mắt trũng, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít,…
Điều trị trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy
Phương pháp điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh bú mẹ sẽ được lựa chọn dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nếu trẻ bị tiêu chảy do bú sai cách, mẹ có thể khắc phục bằng cách vắt một phần sữa đầu ra ngoài trước khi cho trẻ bú nhằm giúp trẻ bú được nhiều sữa đặc hơn. Sau một vài lần thực hiện, tình trạng tiêu chảy của trẻ sơ sinh có thể sẽ được cải thiện, mẹ có thể cho trẻ bú lại đúng cách: bú hết một bên rồi mới đổi sang bên còn lại.
Nếu mẹ đang ăn uống không lành mạnh, uống thuốc hoặc sử dụng một số loại thực phẩm chức năng nào đó, hãy tạm ngừng việc đó cho đến khi trẻ đã qua giai đoạn cai sữa. Trong trường hợp bắt buộc phải uống thuốc, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ và uống thuốc theo đúng chỉ định.
Đối với các trường hợp trẻ tiêu chảy do nhiễm khuẩn, do bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, dựa vào loại bệnh, tác nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và thể trạng sức khỏe của trẻ.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nên được đưa đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.
Mẹ cần lưu ý gì khi chữa bé bú mẹ bị tiêu chảy?
Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là tình trạng mất nước. Vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường, có thể chia thành nhiều cữ bú nhỏ nhằm bù lại lượng nước đã mất qua phân và bổ sung dinh dưỡng, năng lượng để trẻ nhanh chóng khỏe lại. Lưu ý, trẻ bị tiêu chảy nặng, bị mất nước và không thể tự bú mẹ, bác sĩ có thể chỉ định cho bé nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước cho trẻ.
Tiêu chảy khiến mông của trẻ thường xuyên ẩm ướt, nguy cơ hăm tã cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Vì vậy, mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng mông và hậu môn cho trẻ với nước sạch, giữ mông trẻ khô khoáng. Mẹ cũng có thể bôi kem ngừa hăm tã cho trẻ.
Tất cả các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, đều có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm. Vì thế, mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Việc tự ý áp dụng các mẹo điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh tại nhà có thể khiến bệnh trở nên nặng nề hơn.
Tiêu chảy là một bệnh lý rất dễ lây lan, vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn tay sau khi thay tã cho trẻ. Mềm, gối, nệm của trẻ cần được vệ sinh riêng, thường xuyên để phòng trừ trường hợp vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của trẻ.
FAQs
Q: Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
A: Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, tốt nhất mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị đúng cách. Một số trường hợp mẹ cần đưa trẻ sơ sinh đến bệnh viện ngay lập tức:
- Trẻ đi ngoài phân có nhầy, máu.
- Tình trạng tiêu chảy ngày càng trở nặng.
- Trẻ bú kém hoặc nôn ói nhiều.
- Sốt.
- Trẻ bứt rứt, hoặc li bì khó đánh thức.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh.