Tiêu chảy là một trong những vấn đề về đường tiêu hóa phổ biến và thường tự khỏi sau khoảng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bệnh này có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được bù nước và điều trị kịp thời. Khi trẻ bị tiêu chảy, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và kê đơn thuốc tiêu chảy với liều lượng phù hợp.
Dung dịch bù nước và điện giải
Khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nước nghiêm trọng. Do đó, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân sử dụng các dung dịch bù nước và điện giải như Oresol hay Hydrite. Dùng dung dịch bù nước và điện giải là phương pháp hợp lý trong việc điều trị mất nước do tiêu chảy ở trẻ em và người lớn. Dung dịch này thay thế nước và chất điện giải mất đi trong các bệnh tiêu chảy cấp, nôn mửa, sốt cao, mất nước ưu trương hoặc nhược trương ở cả trẻ em và người lớn.
- Liều dùng Oresol đối với người lớn: 200ml đến 400ml dung dịch sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
- Liều dùng Oresol đối với trẻ em:
- Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 tuổi: 1 đến 1,5 thể tích 1 lần bú bình thường.
- Trẻ từ 1 đến 12 tuổi: 200ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
- Trẻ từ 12 đến 18 tuổi: 200ml – 400ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
Lưu ý rằng Oresol và dung dịch muối đường không được pha quá đặc, vì có thể gây ưu trương nước và tăng áp lực thẩm thấu, gây nguy cơ phù não. Nếu sau 24 giờ mà chưa uống hết dung dịch Oresol đã pha, cần phải bỏ và pha dung dịch mới. Oresol không được sử dụng cho các trường hợp giảm niệu hoặc vô niệu do giảm chức năng thận, mất nước nặng kèm triệu chứng sốc, nôn nhiều và kéo dài, tắc ruột, liệt ruột.
Liều dùng Hydrite đối với mỗi người là không giống nhau. Các bác sĩ sẽ trao đổi và thăm khám tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, từ đó đưa ra chỉ định thuốc chính xác nhất. Thông thường, liều dùng Hydrite được chỉ định đối với người lớn là 2 viên Hydrite hòa tan với khoảng 200ml nước. Đối với người bệnh tiêu chảy, nên uống 10ml/kg sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng. Tuy nhiên, liều dùng Hydrite cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Do đó, khi trẻ bị tiêu chảy, cần trao đổi cụ thể với bác sĩ về việc có nên dùng dung dịch bù nước và điện giải này cho trẻ hay không. Hydrite cần uống trước hoặc sau mỗi bữa ăn theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cần đọc kỹ mọi thông tin liên quan đến thuốc trước khi sử dụng. Trong trường hợp không nắm rõ về liều dùng hay cách dùng thuốc để điều trị bệnh, cần trao đổi với bác sĩ.
Thuốc hấp phụ và bao phủ niêm mạc ruột
Smecta là loại thuốc tiêu chảy có tác dụng bao phủ và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Smecta được chỉ định điều trị các triệu chứng đau của bệnh thực quản – dạ dày – tá tràng và đại tràng, tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn.
- Liều dùng Smecta đối với trẻ em:
- Dưới 1 tuổi: 1 gói/ngày.
- Từ 1 đến 2 tuổi: 1 – 2 gói/ngày
- Trên 2 tuổi: 2 – 3 gói/ngày.
- Liều dùng Smecta đối với người lớn: Trung bình 3 gói/ngày, hòa trong nửa ly nước.
Lưu ý, liều lượng của thuốc tiêu chảy Smecta có thể được các bác sĩ chỉ định thay đổi, trong trường hợp người bệnh tiêu chảy cấp tính. Thuốc không được sử dụng với bất kỳ đối tượng nào mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Các tác dụng phụ của thuốc rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như phát ban, táo bón, viêm, ngứa, phù mạch. Do đó, người bệnh không được tự ý uống thuốc tiêu chảy, mà nên uống theo sự chỉ định của các bác sĩ.
Thuốc làm giảm triệu chứng
Thuốc tiêu chảy Loperamid có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy như giảm nhu động ruột, kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, tăng vận chuyển nước và chất điện giải từ lòng ruột vào máu. Loperamid được chỉ định điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp không biến chứng hoặc tiêu chảy mạn ở người lớn. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định trong trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Liều dùng thuốc tiêu chảy Loperamid đối với người lớn như sau:
- Khi có triệu chứng tiêu chảy, uống 4mg, sau mỗi lần đi ngoài uống 2mg cho tới khi ngừng tiêu chảy. Dùng tối đa 16mg/ngày. Không dùng quá 5 ngày trong trường hợp tiêu chảy cấp.
Mặc dù thuốc tiêu chảy Loperamid là loại thuốc thường được sử dụng, nhưng người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, vì có thể dẫn đến những vấn đề tim mạch nguy hiểm. Thuốc Loperamid chống chỉ định với bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người bệnh lỵ cấp tính hay viêm ruột do vi khuẩn, bệnh nhân viêm loét đại tràng cấp tính, viêm đại tràng giả mạc do sử dụng kháng sinh phổ rộng, bệnh nhân bị tổn thương gan, phụ nữ có thai. Không dùng thuốc Loperamid với một số loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, các thuốc chống trầm cảm vì có thể làm tăng độc tính của Loperamid.
Men vi sinh Probiotics
Probiotics là vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh bằng cách kìm hãm sự tăng sinh của các loại vi sinh vật xấu. Hiện nay, trên thị trường có hai loại Probiotics được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp bị tiêu chảy là Saccharomyces boulardii và Lactobacillus acidophilus.
Saccharomyces boulardii có tác dụng tổng hợp vitamin nhóm B, kìm khuẩn, kích thích hệ miễn dịch không đặc hiệu. Saccharomyces boulardii được chỉ định dự phòng và điều trị tiêu chảy do dùng kháng sinh, tiêu chảy cấp. Do nấm men là các tế bào sống, nên không trộn vào nước hay thức ăn nóng, lạnh hoặc có rượu. Không dùng Saccharomyces boulardii với các thuốc chống nấm khác.
Lactobacillus acidophilus có khả năng tổng hợp vitamin nhóm B, cân bằng vi khuẩn cộng sinh trong ruột, kích thích miễn dịch không đặc hiệu của niêm mạc ruột và diệt khuẩn. Lactobacillus acidophilus được chỉ định trong các trường hợp tiêu chảy do loạn khuẩn ở ruột.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bệnh tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, phòng bệnh là quan trọng hơn việc chữa bệnh. Gia đình cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Ăn uống đúng theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn thịt sống, thịt chưa chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn.
- Rửa tay trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn.
- Uống nước chín.
- Vệ sinh kỹ dụng cụ ăn của trẻ. Trong thời gian cho con bú, mẹ phải giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Ngoài những biện pháp trên, Bộ Y tế còn khuyến cáo người dân nên chủ động uống vắc xin để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Rotavirus là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến hàng đầu hiện nay ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Có ba loại vắc xin khuyến cáo sử dụng rộng rãi tại Việt Nam để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, đó là Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ) và Rotavin (Việt Nam).
- Vắc xin Rotarix: Liều đầu tiên bắt đầu lúc 6 tuần tuổi, liều thứ hai sau 4 tuần. Lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc 2 liều trước 24 tuần tuổi. Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì liều thứ hai nên uống Rotarix.
- Vắc xin Rotateq: Liều đầu tiên bắt đầu khi trẻ 7.5 tuần tuổi, liều thứ hai sau liều 1 là 4 tuần, liều thứ 3 sau liều 2 là 4 tuần. Lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc trước 32 tuần tuổi.
- Vắc xin Rotavin: Liều thứ 1 bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ 2 sau liều đầu tiên từ 1-2 tháng. Nên cho trẻ hoàn thành uống vắc xin Rotavin trước 6 tháng tuổi.
Uống vắc xin là phương pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng uy tín để được uống vắc xin đầy đủ theo đúng phác đồ chỉ định. Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC là địa chỉ uy tín có nhiều loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus và các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Tại đây, khách hàng sẽ được tiếp đón nồng hậu với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, các bác sĩ và điều dưỡng tận tâm, có trình độ chuyên môn cao và chứng chỉ an toàn tiêm chủng. Cơ sở vật chất cao cấp, trang thiết bị y tế đạt chuẩn và nhiều tiện ích khác đang sẵn sàng phục vụ quý khách.
Để được tư vấn và đặt lịch uống vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus và nhiều loại vắc xin khác, bạn có thể đăng ký tại fim24h hoặc gọi hotline 028.7102.6595, nhắn tin cho Fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc liên hệ trực tiếp hệ thống các trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước.
FAQs
- Tiêu chảy có tự khỏi không?
- Dung dịch bù nước và điện giải có tác dụng như thế nào?
- Thuốc tiêu chảy Loperamid có tác dụng gì?