Những “cú nổ” chuyển nhượng
Mới đây, thủ môn Trần Thị Kim Thanh, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy và hậu vệ Trần Thị Thu xác nhận đã có giấy thanh lý hợp đồng, qua đó chính thức nói lời chia tay với Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Họ sẽ gia nhập đội bóng mới với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng cùng khoản tiền “lót tay” trị giá 400 triệu đồng mỗi mùa. Đặc biệt, nhiều khả năng, Bích Thùy sẽ trở thành ngôi sao nữ đầu tiên nhận được bản hợp đồng trị giá hơn một tỷ đồng.
Nếu so số tiền chuyển nhượng của những đồng nghiệp nam, con số trên vốn chẳng phải số tiền quá lớn. Mùa giải V-League 2023-2024 chứng kiến trung vệ Quế Ngọc Hải, tiền đạo Văn Toàn nhận khoản tiền “lót tay” cao gấp năm đến bảy lần. Song, với bóng đá nữ, đây chẳng khác nào “cú nổ” lớn.
Tính đến hết tháng 12/2023, bộ ba Kim Thanh, Bích Thùy và Trần Thị Thu chỉ nhận được mức lương khoảng 17 triệu đồng, gồm năm triệu đồng lương cơ bản và 12 triệu đồng thuộc khoản hỗ trợ tài năng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các cầu thủ nữ Thành phố Hồ Chí Minh từ chối những lời đề nghị mới cao hơn gấp nhiều lần.
Kỳ vọng phát triển
Câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh chưa vận hành theo mô hình công ty cổ phần. Các cầu thủ phải ký hợp đồng với Trung tâm Thể dục-Thể thao Thống Nhất, đồng nghĩa chế độ đãi ngộ chiếu theo quy định thu, chi của Nhà nước. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi mô hình là phương án giúp đội bóng nâng cao đãi ngộ nhằm giữ chân nhân tài, thậm chí thu hút tài năng từ các địa phương khác.
Theo chia sẻ của Huấn luyện viên Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T Đoàn Việt Triều, dù đội bóng đã dành ngân sách nhất định song rất khó để hoàn thành công tác chuyển nhượng vì chuyện này chưa có tiền lệ. Đội bóng không thể chiêu mộ nhân tài vì không biết mức giải phóng hợp đồng là bao nhiêu hay việc định giá như thế nào là xứng đáng. Thậm chí, các cầu thủ nữ cũng không sẵn sàng chuyển đến tập thể mới.
Năm 2022, Mỹ Anh và Hoài Lương là hai cầu thủ nữ đầu tiên quyết định chia tay đội bóng Thành phố Hồ Chí Minh để đầu quân cho Thái Nguyên T&T. Động thái này đã tạo nên cú huých thúc đẩy thị trường chuyển nhượng cầu thủ nữ phải thay đổi trước guồng quay của thời đại. Đây cũng là bước ngoặt mang tính lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên nghiệp hóa nền bóng đá nữ Việt Nam.
Câu lạc bộ nữ Thành phố Hồ Chí Minh giờ đau đầu khi hàng loạt trụ cột nhu Kim Thanh, Bích Thùy, Trần Thị Thu hay Chương Thị Kiều… đã đáo hạn hợp đồng từ năm 2023. Bên cạnh đó, hậu vệ Hồ Thị Quỳnh, Nguyễn Vân Anh và đặc biệt là tiền đạo Phạm Hải Yến cũng đã chia tay Câu lạc bộ Hà Nội. Thị trường chuyển nhượng bóng đá nữ chắc chắn sẽ còn sôi động hơn nữa trong quãng thời gian tới.
Chân trời mới với các nữ cầu thủ
Bóng đá nữ từng chứng kiến nhiều trường hợp các cầu thủ bỏ đi làm công nhân, thợ may vì thu nhập thấp, không thể nuôi nổi bản thân, chứ chưa nói tới phụ giúp gia đình. Do đó, việc các ngôi sao nữ nhận được mức lương tương xứng cùng khoản phí chuyển nhượng lớn là động lực để các cầu thủ trẻ phấn đấu nhiều hơn.
Khi đời sống của các cầu thủ được cải thiện, công tác đào tạo và tuyển chọn cầu thủ nữ sẽ giảm bớt khó khăn. Các gia đình cũng sẵn sàng ủng hộ con em theo đuổi đam mê “quần đùi, áo số”. Đây cũng là nền móng để bộ môn này phát triển bền vững, lâu dài.
“Tôi rất vui vì bây giờ không chỉ các cầu thủ nam mà những cô gái của chúng ta cũng được ký hợp đồng với mức “lót tay” cao như vậy. Hy vọng các câu lạc bộ nữ sẽ ngày càng phát triển để cuộc sống của cầu thủ được bảo đảm hơn”-Huấn luyện viên Mai Đức Chung nhận định.
Xu hướng cầu thủ tìm kiếm mức thu nhập cao là hoàn toàn hợp lý. Điều này xảy ra ở tất cả các ngành nghề chứ không riêng bóng đá. Muốn tiến lên chuyên nghiệp, muốn Đội tuyển quốc gia có lần tiếp theo tham dự World Cup, mô hình quản lý của các đội bóng cũng cần thay đổi và thích nghi với thực tế mới. Thậm chí, nguy cơ “chảy máu” tài năng ở những trung tâm đào tạo bóng đá lớn cũng có thể xem như cơ hội để các địa phương tháo gỡ “bài toán cơ chế”.
Những cú nổ trên thị trường chuyển nhượng bước đầu sẽ giúp bóng đá nữ Việt Nam có sự cạnh tranh lớn hơn, chất lượng Giải vô địch quốc gia nữ cũng sẽ được cải thiện. Khi các đội bóng sẵn sàng chi số tiền lớn cho cầu thủ, mỗi cá nhân phải chiến đấu để cống hiến nhiều hơn cho tập thể, qua đó, chất lượng của Đội tuyển quốc gia cũng ngày càng được nâng cao.