Tầm soát ung thư vòm họng: Các phương pháp và quy trình khám

Thực hiện tầm soát ung thư vòm họng là điều cần thiết, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả, kéo dài sự sống cho người bệnh.

Tầm soát ung thư vòm họng là gì?

Ung thư vòm họng (hay còn gọi là ung thư mũi họng – nasopharyngeal cancer) là loại ung thư phát triển từ các tế bào bất thường trong vùng mũi họng, thường xuất phát từ tế bào vảy lót vùng mũi họng. Về mặt giải phẫu, vòm họng là phần phía trên của họng, bao gồm vòm họng, miệng họng và hạ họng (1).

Dịch tễ học là một trong những yếu tố được cân nhắc để đưa ra khuyến cáo tầm soát ung thư vòm họng tại từng quốc gia. Các khu vực có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng bao gồm Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Epstein-Barr virus cũng đã được chứng minh có liên quan đến sinh bệnh của ung thư vòm họng. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như chủng tộc, giới tính (nam > nữ), tiền sử gia đình,… cũng được xem xét (2).

Hình ảnh mô phỏng ung thư vòm họng

Tầm soát ung thư vòm họng là quy trình kết hợp giữa khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi tai-mũi-họng, sinh thiết tổn thương,… nhằm phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn sớm và chưa gây ra triệu chứng rõ ràng. Việc phát hiện sớm bệnh giúp can thiệp điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng

ThS.BS Lưu Thảo Ngọc, từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng phổ biến hiện nay bao gồm:

1. Khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm máu:
Khám lâm sàng giúp phát hiện các bất thường tại khoang miệng, lưỡi, hạch cổ bất thường,… Các xét nghiệm máu phục vụ cho điều trị như EBV IgA, EBV DNA, tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan thận,…

1. Nội soi tai mũi họng

Khu vực vòm họng thường khó quan sát bằng mắt thường. Nội soi tai mũi họng giúp bác sĩ quan sát bên trong của vòm họng để tìm các bất thường.

Phương pháp nội soi tai-mũi-họng sử dụng ống nội soi có gắn camera và kính chuyên dụng để kiểm tra lớp niêm mạc bên trong vùng tai-mũi-họng, quan sát rõ các tổn thương bất thường ở khu vực này (2).

xem thêm  Uống tinh dầu thông đỏ có tốt không?

Nội soi tầm soát ung thư vòm họng

Điểm hạn chế của nội soi tai mũi họng là chỉ đánh giá được hình ảnh bề mặt bên trong, không đánh giá được sự xâm lấn cũng như sẽ bỏ sót các tổn thương nằm dưới niêm mạc. Trường hợp nghi ngờ tổn thương dưới niêm, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác sẽ được chỉ định như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ MRI.

2. Sinh thiết qua nội soi

Nếu phát hiện khối u trong vòm họng, bác sĩ có thể lấy một mảnh mô nhỏ để gửi xét nghiệm mô bệnh học. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ phân tích mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xem đó là ung thư hay không.

Trong trường hợp thăm khám không thấy điều gì bất thường, song bác sĩ vẫn nghi ngờ nhiều dựa trên biểu hiện lâm sàng của người bệnh, sinh thiết ngẫu nhiên có thể được tiến hành để tránh bỏ sót tổn thương.

3. Chọc hút kim nhỏ FNA

Phương pháp này thường được sử dụng trong đánh giá tình trạng di căn hạch cổ.

4. Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân giúp đánh giá đặc điểm khối u (vị trí, kích thước, tính chất xâm lấn), di căn hạch, di căn xa. Từ đó, bác sĩ điều trị sẽ định hướng được phương pháp điều trị tối ưu (hoá-xạ trị triệt căn, xạ trị đơn thuần, hay chỉ hóa chất giảm nhẹ).

Một số phương tiện hình ảnh học thường được sử dụng bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): giúp đo lường vị trí, kích thước u, di căn hạch, khả năng xâm lấn mô xung quanh cũng như di căn xa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): đặc biệt nhạy trong phát hiện u ác của vòm họng so với cắt lớp vi tính thông thường. Các kết quả có thể cung cấp thông tin về vị trí u, kích thước khối u, sự xâm lấn xung quanh, tình trạng di căn hạch.
  • Xạ hình xương: đánh giá di căn xương.
  • PET/CT: đánh giá tổn thương cũng như tình trạng di căn xa dựa trên bất thường trong hấp thu chuyển hóa FDG dùng chẩn đoán giai đoạn bệnh khi đã có bằng chứng sinh thiết của bệnh.

Vì sao nên khám tầm soát ung thư vòm họng sớm?

Theo thống kê, khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vòm họng thuộc nhóm trung bình-cao, đạt 25/100.000 người. Số ca ung thư vòm họng ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư vòm họng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 12%. Tuổi mắc bệnh thường nằm trong khoảng 30-55 và có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố (3).

Trong giai đoạn sớm của bệnh, các triệu chứng thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Chỉ khi bước vào giai đoạn II-III, các dấu hiệu ung thư vòm họng mới xuất hiện rõ ràng hơn. Mỗi giai đoạn bệnh yêu cầu các phương pháp điều trị khác nhau, tỷ lệ chữa khỏi cũng như thời gian sống cũng khác nhau. Với bệnh ở giai đoạn I-II, tỷ lệ sống còn 10 năm đạt trên 90%, trong khi nếu bệnh ở giai đoạn III-IV, tỷ lệ sống còn 2 năm chỉ còn 20-30%. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng.

xem thêm  7 Dấu hiệu Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu dễ nhận biết

Ai nên tầm soát ung thư vòm họng?

Việc thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trong quá trình tầm soát ung thư vòm họng chỉ định đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:

  • Người nhiễm virus EBV (Epstein – Barr);
  • Người trong độ tuổi 30-55;
  • Người có thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc lá kéo dài;
  • Người lao động trong các môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khí thải độc hại như sợi amiang, sulfur dioxide,…
  • Người có chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều muối trong chế biến thực phẩm;
  • Người ăn nhiều đồ ăn lên men chứa nitrosamines như cá muối, thịt muối, dưa muối;
  • Tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vòm họng (4).

ThS.BS Lưu Thảo Ngọc khuyến nghị, ngay cả khi không có triệu chứng ung thư vòm họng, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tiến hành tầm soát ung thư 6 tháng/lần nếu có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh. Trong trường hợp chẩn đoán mắc ung thư, người bệnh cần tham vấn và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng?

ThS.BS Lưu Thảo Ngọc cho biết, những triệu chứng ung thư vòm họng dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan tai – mũi – họng. Nhiều người bệnh tự mua thuốc và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng vùng đầu-cổ xảy ra một bên, tái phát nhiều lần và không thuyên giảm sau 2 tuần dùng thuốc, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để thực hiện tầm soát ung thư vòm họng sớm.

Nên thực hiện tầm soát ung thư vòm họng khi có một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau đầu, đau nửa đầu, đau mặt, đau sâu phần hốc mắt, các cơn đau kéo dài âm ỉ hoặc ngắt quãng từng cơn;
  • Đau rát phần cổ họng, khó nhai nuốt, đau khi ăn uống;
  • Giảm thính lực, ù tai, viêm tai giữa thanh dịch… thường xuyên diễn ra;
  • Ngạt mũi, khó thở, thường xuyên ngạt một bên mũi kéo dài, thậm chí ngạt hai bên mũi;
  • Mũi chảy dịch nhầy, có mủ hoặc máu lẫn trong dịch;
  • Chảy máu mũi thường xuyên;
  • Cơ thể suy nhược, giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân.

Đây là những dấu hiệu ung thư vòm họng điển hình cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn II, III, ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình điều trị và đáp ứng thuốc của người bệnh.

Lưu ý trước khi tầm soát ung thư vòm họng

Trước và trong quá trình thực hiện tầm soát ung thư vòm họng, ThS.BS Lưu Thảo Ngọc đưa ra một số lưu ý:

  • Nhịn ăn sáng để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc;
  • Chọn trang phục thuận tiện để quá trình thăm khám dễ dàng hơn;
  • Không sử dụng các loại đồ uống chứa chất kích thích, nước trái cây như trà, cà phê, sữa, nước ngọt, nước ép trái cây. Chỉ nên uống nước lọc trước khi thăm khám tại bệnh viện trong vòng 24 giờ trước khám;
  • Không được uống rượu bia, hút thuốc lá.
xem thêm  10 dấu hiệu tai biến ai cần biết để xử lý kịp thời

Lưu ý: Dựa vào khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ chỉnh định hạng mục tầm soát ung thư vòm họng phù hợp.

Tầm soát ung thư vòm họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thực hiện tầm soát ung thư vòm họng sớm giúp kiểm soát nguy cơ và phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm, trước khi có những triệu chứng điển hình. Đây được xem là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả, giúp ngăn ngừa tử vong do phát hiện bệnh chậm trễ, khi các khối u đã xâm lấn và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Theo thống kê, tất cả các bệnh lý liên quan ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thường được phát hiện thông qua quy trình tầm soát sàng lọc. Nhờ đó, bác sĩ sớm can thiệp và chỉ định điều trị kịp thời.

tầm soát ung thư vòm họng tại bvdk tam anh

Quy trình tầm soát ung thư vòm họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm:

Bước 1: Thăm khám lâm sàng

Người khám sẽ được bác sĩ thăm hỏi các thông tin sơ lược về tiền sử bản thân và gia đình, khai thác các dấu hiệu bệnh. Bác sĩ sẽ quan sát các bộ phận vùng đầu, cổ để tìm kiếm các vị trí bất thường. Dùng tay sờ có hạch cổ bệnh lý không.

Bước 2: Nội soi tai-mũi-họng

Tiến hành nội soi tai-mũi-họng để quan sát phần niêm mạc phía bên trong của vòm họng và miệng. Nếu thấy bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết mẫu nhỏ bệnh phẩm tổn thương và gửi tới khoa giải phẫu bệnh đánh giá.

Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và/hoặc chụp cộng hưởng từ vùng đầu-cổ được chỉ định nhằm đánh giá kích thước, mức độ ảnh hưởng, khả năng xâm lấn và di căn của u, hạch. Chụp cắt lớp vi tính hoặc PET-CT các vùng khác của cơ thể cũng có thể được chỉ định để đánh giá mức độ di căn và ảnh hưởng của ung thư vòm họng đến các bộ phận khác.

Bước 4: Tư vấn điều trị, theo dõi định kỳ

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện đã đưa vào hệ thống gói dịch vụ tầm soát ung thư vòm họng nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người khám. Gói khám tầm soát được các bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như máy nội soi, máy chụp cắt lớp vi tính, hệ thống chụp cộng hưởng từ,… để đưa ra kết quả nhanh chóng và chuẩn xác.

Để đặt lịch khám bệnh, tầm soát và điều trị ung thư vòm họng, cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan, bạn có thể liên hệ theo thông tin: