Whiplash: Cuộc hành trình đẫm máu của đam mê

Anh định nghĩa thế nào về sự thành công? Nghiện ngập và chết ở tuổi 34 (Charlie Parker) nhưng rất nhiều năm sau vẫn được mọi người nhắc đến trên bàn ăn, theo cháu vẫn đáng tự hào hơn những người sống và giàu có đến 90 tuổi nhưng không được ai biết đến. Đó là quan điểm của Andrew (Miles Teller) – chàng trai chơi trống 19 tuổi, về sự vĩ đại trong nghệ thuật. Cậu vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường, nhưng mang khát vọng phi thường, trở thành một Buddy Rich huyền thoại khác trong âm nhạc. Tại Học viện Shaffer, Andrew may mắn lọt vào mắt xanh của thầy dạy nhạc khét tiếng Terrence Fletcher (J.K. Simmons) và được thầy đưa vào ban nhạc danh tiếng của trường.

Đẫm máu nhưng không trải hoa hồng

Đây tưởng như là cơ hội vàng đưa Andrew tới sự nghiệp đỉnh cao. Nhưng bất ngờ thay, đó cũng chính là con đường đến vinh quang không trải hoa hồng mà đầy cay đắng…

Với cốt truyện cùng lối kể chuyện đơn giản, mạch lạc, Whiplash không phải là bộ phim thách thức người xem bởi những tình tiết gay cấn, éo le. Ngược lại, đạo diễn trẻ Damien Chazelle chọn cách “thôi miên” khán giả bằng cuộc chơi của âm nhạc và nhịp điệu. Bộ phim không chỉ có hai nhân vật chính là Andrew và Fletcher như mọi người vẫn nghĩ mà còn một nhân vật rất quan trọng khác, đóng vai trò như sợi chỉ đỏ là dàn trống đã đưa hai thầy trò đến với nhau.

Bắt đầu bằng nhịp trống dồn, trong một góc căn phòng lẩn khuất, tối tăm và kết thúc ngoạn mục với màn solo trống dài tới 9 phút, dưới ánh sáng đèn sân khấu rực rỡ, chói lòa, Whiplash khiến người xem muốn nín thở để rồi vỡ tung trong những giai điệu, tiết tấu đầy bi hùng mà đạo diễn dùng để định nghĩa cho sự vĩ đại.

xem thêm  Reflection Of You (Netflix) - Cuộc sống đầy tâm lý éo le và những bí mật chưa lời

Hành trình đi tìm cái tuyệt đích trong nghệ thuật này có thể sẽ làm người xem liên tưởng đến một Black Swan không chớp mắt ngay cả khi ngã xuống, để một lần chạm tới sự hoàn hảo; cũng có thể sẽ khiến người yêu văn học nhớ đến thời kỳ hoàng kim của nhạc Jazz trong tiểu thuyết của Jack Kerouac những năm 1960.

Những nghệ sĩ da màu đốt cháy mình trong các hầm rượu mịt mù khói thuốc, những nghệ sĩ nhạc Jazz hát đến cạn hơi thở cuối cùng, như thể ngày mai sẽ chết… Họ có thể sống không trọn vẹn một cuộc đời, nhưng cách họ hy sinh cả tình yêu và tuổi trẻ để theo đuổi đam mê khiến nhiều năm sau, họ vẫn sẽ còn được nhắc đến.

Andrew và những nỗ lực đáng ngưỡng mộ

Andrew vốn xuất phát điểm không phải là một tài năng xuất chúng, theo đánh giá của thầy Fletcher. Tuy nhiên, anh mang trong mình một tinh thần thép và một ngọn lửa đam mê hừng hực cháy. Để có thể giành được vị trí người chơi trống chính của ban nhạc, Andrew không ngần ngại đánh đổi cả tình yêu, thời gian, sức lực của mình. Có thể đôi lúc, ánh mắt sôi sục quyết tâm của anh khiến người xem băn khoăn giữa một con ngựa non hiếu thắng và một nghệ sĩ đam mê thực sự.

Thậm chí, những hành động mù quáng, bất chấp tất cả để đạt được mục đích khó lòng khiến người khác đồng cảm, sẻ chia. Nhưng bất cứ khi nào máu và mồ hôi đổ xuống trên mặt trống để những thanh âm, nhịp điệu ngân lên, chàng trai trẻ với tinh thần quật cường và những nỗ lực đáng ngưỡng mộ lại tỏa sáng. Khi ấy, chỉ còn lại anh với âm nhạc, giữa không gian và thời gian, cùng sự vĩ đại ở đâu đó rất gần.

xem thêm  "The Glory" - Mối Thù 18 Năm - Khi Báo Thù Trở Thành Nghệ Thuật

Màn trình diễn đỉnh cao của Miles Teller và J.K. Simmons

Thuộc thế hệ diễn viên 9x đang trên đà dấn thân vào Hollywood, Miles Teller đã có một màn thể hiện ngoài mong đợi trong dự án phim độc lập này. Mặc dù đã có kinh nghiệm chơi trống từ năm 15 tuổi, nam diễn viên vẫn phải bỏ 4 tiếng một ngày, 3 ngày một tuần để chuẩn bị cho những pha “lên đồng” trong phim. Kết quả là hầu hết cảnh quay Andrew “điên cuồng” với nhịp và phách như khán giả thấy đều là những cảnh quay dài, đạo diễn không đóng máy cho đến khi Teller gục xuống vì kiệt sức.

Không thể phủ nhận Miles Teller đã ghi điểm ngoạn mục với khả năng chơi trống xuất thần trong sự trở lại lần này. Tuy nhiên, vai diễn gây được sự chú ý hơn cả của giới phê bình, chuyên môn lại thuộc về J.K. Simmons. So với Andrew, thầy giáo Terrence Fletcher rõ ràng có một tính cách phức tạp, khó đoán hơn. Ở ông luôn có nhiều con người trong một con người: một người thầy tài giỏi, thương yêu học trò; một vị huấn luyện viên hung hãn, khắc nghiệt; một kẻ tham vọng, nham hiểm, xảo quyệt và một người nghệ sĩ tôn thờ sự tuyệt đích trong âm nhạc.

Trong tạo hình với tông màu đen xuyên suốt, nhất quán, J.K. Simmons đại diện cho một nửa phản diện, cho những toan tính, âm mưu – cái sẽ giết chết sự sáng tạo nghệ thuật. Khuôn mặt vô hồn cùng giọng nói đanh thép thêm vào đó, tiếp tục trở thành những vũ khí lợi hại để nam diễn viên bộc lộ hết quyền lực áp đảo tới phe áo trắng (Andrew) trong phim. Luôn dữ dội và quyết liệt trong từng ánh nhìn, từng cái nắm tay bắt nhịp, từng câu mắng như tát nước vào mặt đối phương… J.K. Simmons thực sự để lại một dấu ấn khó quên trong sự nghiệp. Đây cũng rất có thể là vai diễn sẽ mang về tượng vàng Oscar đầu tiên cho J.K. Simmons ở tuổi 60.

xem thêm  Phim kinh dị 'Lưỡi cưa' hé lộ nội dung phần thứ 10

Nhạc Jazz là tình yêu, Whiplash là món quà

Điểm đáng tiếc cho Whiplash là sự thiếu vắng về âm nhạc. Mặc dù phần hòa âm, phối khí được đánh giá cao nhưng nền nhạc chính của bộ phim vẫn chỉ xoay quanh hai nhạc khúc Whiplash và Caravan quen thuộc. Mượn chất liệu là kho tàng nhạc Jazz phong phú, Damien Chazeller hoàn toàn có thể làm hơn thế với những nhạc công xuất sắc của mình. Whiplash là một bộ phim khiến khán giả không thể ngồi yên mỗi khi trống dồn, nhạc hiệu ngân lên, nhưng dường như vẫn thiếu một chút rượu mạnh, khói thuốc và sự ngẫu hứng để chuốc khán giả “say lịm”.

Từ một phim ngắn vô danh, được chú ý ở LHP Sundance và đang trên đường đến với Oscar, Whiplash hứa hẹn trở thành cú bứt phá đầu đời của chàng đạo diễn trẻ 8x – Damien Chazeller. “Good job!” (Làm tốt lắm!) có lẽ là lời khen gây hại nhất trong mọi trường hợp, theo cách nói của một nhân vật trong phim. Nhưng thực sự Damien và êkíp của mình đã làm được điều đó, trong khuôn khổ kinh phí hạn hẹp của một bộ phim độc lập.

Điểm tin phim-review phim chất lượng và tổng hợp tin tức giải trí.