Tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em khi không được cứu chữa kịp thời, trẻ có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Bố mẹ cần nắm rõ các triệu chứng và cách xử lý phù hợp khi trẻ gặp phải tình trạng này.
Tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em là gì?
Tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em là tình trạng trẻ bị tiêu chảy do sự xâm nhập của các tác nhân như vi khuẩn, vi nấm, virus. Khi các tác nhân gây nhiễm trùng này xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng tấn công và gây tổn thương hệ đường ruột, gây rối loạn chức năng và tạo ra các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và mất nước. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn chặn sự lây lan và giúp trẻ phục hồi khỏe mạnh.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
Nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em được chia làm 2 nhóm chính:
1. Nguyên nhân từ trẻ
Trong 6 tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào việc trẻ được bú sữa mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi cai bú, lượng kháng thể được truyền từ mẹ sang con cũng giảm đi. Lúc này, hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt và chưa hoàn thiện, do đó, trẻ rất dễ tiếp xúc với các nguồn gây bệnh tiêu chảy.
Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu,… khiến hệ miễn dịch tạm thời của trẻ bị suy giảm. Điều này tạo điều kiện cho tình trạng tiêu chảy phát triển.
Ngoài ra, trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất sẽ thiếu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện của hệ miễn dịch, bao gồm kẽm, selen, canxi, sắt, vitamin A, C, D,… Khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy tăng cao và thời gian mắc bệnh kéo dài hơn so với những trẻ khỏe mạnh.
2. Nguyên nhân từ môi trường sống
Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ có thể xảy ra do mất vệ sinh thực phẩm. Việc vệ sinh đầu ti, máy hút sữa, đầu núm vú, bình sữa,… khi cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sử dụng bình sữa ngoài rất quan trọng. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc, tiêu chảy. Trẻ sử dụng bình không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ tiêu chảy cao gấp 10 lần so với trẻ chỉ bú mẹ hoàn toàn hoặc không dùng bình.
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiễm trùng do mẹ lựa chọn thực phẩm và nước uống không đảm bảo an toàn, sạch sẽ cho trẻ. Thói quen không rửa tay với dung dịch khử khuẩn trước khi chế biến thức ăn cho trẻ hoặc sau khi đi vệ sinh có thể khiến vi khuẩn khó bị rửa trôi và tiêu diệt. Điều này dễ làm vi khuẩn lây lan sang đồ ăn và nước uống của trẻ, tăng khả năng gây bệnh.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường có thói quen mút tay, ngậm, cắn đồ chơi hoặc đồ vật mà chúng cầm. Nếu tay hoặc những đồ vật này tiếp xúc với đất cát hoặc bề mặt không sạch, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn và gây tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, bố mẹ xử lý chất thải của trẻ không đúng cách cũng là yếu tố khiến trẻ bị nhiễm khuẩn. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng có thể phá hủy tế bào hoặc bám dính trên niêm mạc ruột, tiết ra độc tố tác động lên hàng rào bảo vệ gây ra tiêu chảy. Trên thực tế, chúng có thể đồng nhiễm với virus, ký sinh, từ đó, làm tăng nặng triệu chứng tiêu chảy ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có thể có những triệu chứng khác nhau.
- Tiêu chảy do tả: Triệu chứng xuất hiện nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Trẻ sẽ đi ngoài dữ dội và liên tục, phân thường chỉ có nước, không sốt và không đau quặn bụng, có thể có nôn mửa.
- Tiêu chảy do lỵ: Trẻ đi tiêu nhiều lần, mót rặn và cảm thấy đau quặn bụng từng cơn. Phân có thể lẫn máu nhầy và kèm theo sốt cao.
- Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: Trẻ có thể buồn nôn, nôn và không sốt. Trẻ đi ngoài nhiều, phân lỏng nhiều nước.
- Tiêu chảy do Salmonella: Trẻ bị đau bụng và tiêu chảy, cùng với triệu chứng nôn mửa và sốt cao.
- Tiêu chảy do E.coli:
- Tiêu chảy do E.coli sinh độc tố ruột (ETEC): Trẻ không có sốt và phân lỏng không có máu. Bệnh thường tự khỏi sau vài ngày.
- Tiêu chảy do E.coli gây bệnh đường ruột (EIEC, EPEC, EHEC): Trẻ đi ngoài phân lỏng có thể có máu, mót rặn và cảm thấy đau quặn bụng. Trẻ có thể bị sốt.
Điều trị tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em
Việc điều trị tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em cần được thực hiện sớm và đúng cách nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em tập trung vào 4 nguyên tắc dưới đây:
- Bù nước và điện giải
Tiêu chảy khiến trẻ mất nước và điện giải, thậm chí có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng do mất nước gây ra. Bù nước và điện giải là nguyên tắc điều trị đầu tiên và quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy. Bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng các dung dịch điện giải cho trẻ.
Lưu ý, việc pha dung dịch bù nước và điện giải Oresol quá đặc sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ. Do đó, bố mẹ cần tuân thủ đúng theo liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ khi pha Oresol cho trẻ.
- Dùng kháng sinh
Tùy thuốc vào tác nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi và cân nặng của trẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc và liều lượng kháng sinh phù hợp. Thuốc kháng sinh tuy có tác dụng hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng nó cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc kết hợp các loại kháng sinh với nhau khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Thuốc hỗ trợ điều trị
Ngoài việc sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, trẻ cần được bổ sung kẽm theo liều lượng thích hợp nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện các triệu chứng như đau bụng, sốt, mệt mỏi, chán ăn,…
Lưu ý, bố mẹ không nên bổ sung cho trẻ quá 10mg kẽm/ngày đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và không quá 20mg kẽm/ngày đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Bổ sung kẽm chỉ nên được thực hiện trong khoảng thời gian 10-14 ngày.
- Dùng men vi sinh
Việc trẻ uống thuốc kháng sinh khi bị tiêu chảy dễ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột của trẻ do trong quá trình tiêu diệt vi khuẩn có hại, thuốc có thể tác động đến cả vi khuẩn có lợi. Do đó, trong giai đoạn này, bố mẹ nên bổ sung thêm men vi sinh cho trẻ nhằm cải thiện hệ vi sinh đường ruột, đẩy nhanh quá trình điều trị tiêu chảy nhiễm trùng.
Biến chứng nguy hiểm của trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Các biến chứng có thể gặp phải khi trẻ không được điều trị kịp thời gồm:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài.
- Chảy máu đường ruột gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
- Nhiễm trùng huyết.
- Viêm tai giữa.
- Tổn thương não bộ.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng
Việc chăm sóc trẻ đúng cách góp phần tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy nhiễm trùng cho trẻ. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy bố mẹ nên biết:
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm: “ăn chín, uống sôi”, lựa chọn nguồn thực phẩm, rau củ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa, có độ ngọt vừa phải.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường.
- Thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ.
- Khử trùng định kỳ cho các vật dụng ăn uống như ly, chén, muỗng,… của trẻ.
- Bổ sung vitamin A và các khoáng chất khác theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ, từ đó, đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bất thường, nghiêm trọng như: đi tiêu ra máu, sốt cao kéo dài, co giật, nôn mửa không ngừng, thở nhanh, mất ý thức, mất nước, tay chân lạnh,…
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em không phải là một bệnh lý hiếm gặp. Việc đảm bảo vệ sinh ăn uống và môi trường sống là cách tốt nhất để ngăn ngừa trẻ gặp phải tình trạng này. Với những thông tin trên, hy vọng phụ huynh sẽ chăm sóc trẻ đúng cách và an toàn hơn.
FAQs
Q: Trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng cần phải đến bác sĩ ngay không?
A: Khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng, việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời là cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp cho trẻ.
Q: Làm sao để ngăn ngừa tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em?
A: Để ngăn ngừa tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em, phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và môi trường sống sạch sẽ. Lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo nhiệt độ và vệ sinh khi chế biến, vệ sinh các vật dụng ăn uống của trẻ, và lưu ý các biểu hiện bất thường ở trẻ để có thể đưa trẻ đến bác sĩ kịp thời.
Q: Trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng có thể uống sữa không?
A: Trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng thường mất nước và điện giải, do đó, việc bù nước cho trẻ rất quan trọng. Nếu trẻ vẫn có thể uống sữa và không có triệu chứng nôn mửa, có thể tiếp tục cho trẻ uống sữa nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể khuyên ngưng cho trẻ uống sữa trong một thời gian để trẻ có thể hấp thụ nước và điện giải tốt hơn.
Q: Cần chú ý điều gì khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng?
A: Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng, phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, đảm bảo trẻ uống đủ nước, vệ sinh môi trường sống của trẻ và đồ dùng ăn uống của trẻ sạch sẽ, theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường và đưa trẻ đến bác sĩ nếu cần thiết.