Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

nguyên nhân tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là một bệnh lý phức tạp và ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Bất kể người lớn hay trẻ nhỏ cũng có thể xảy ra tình trạng khoang phổi có nhiều dịch tiết bất thường, gây ra phản ứng ban đầu như ho, khó thở. Bệnh diễn tiến nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, có thể gây suy hô hấp thậm chí gây tử vong.

Hội chứng tràn dịch màng phổi

Hội chứng tràn dịch màng phổi là một trong những bệnh lý nội khoa thường gặp trong lâm sàng. Các nguyên nhân dẫn đến tràn dịch ở phổi như suy tim sung huyết, viêm phổi, thai nghén, tắc mạch phổi, xơ gan cổ trướng, và nhiều nguyên nhân khác. Trong các nước công nghiệp, có ước tính mỗi năm có 32/100.000 trường hợp mắc bệnh tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau và được phân thành 2 loại chủ yếu: tràn dịch màng phổi do dịch thấm và tràn dịch màng phổi do dịch tiết.

Khoang màng phổi là gì?

Mỗi lá phổi trong lồng ngực được bao quanh bởi hai lớp màng rất mỏng, gọi là màng phổi. Giữa hai lớp màng này tạo thành một khoang ảo – khoang màng phổi, bình thường chỉ chứa một lượng nhỏ chất lỏng vài ml giúp cho bề mặt phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau, làm cho phổi được giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.

Tràn dịch màng phổi là gì?

Tràn dịch màng phổi hay tình trạng “ứ nước trong khoang màng phổi” là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường, lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có khoảng 10 – 20ml. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong màng phổi nhiều hơn mức bình thường. Dấu hiệu chính có thể khiến bạn bị tức ngực, khó thở. Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau gây nên, và được phân thành 2 loại chủ yếu: tràn dịch màng phổi do dịch thấm (thường do suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng…) và tràn dịch màng phổi do dịch tiết (do lao, ung thư, nhiễm khuẩn…).

hình ảnh x-quang của bệnh nhân bị tràn dịch phổi

Đối tượng dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý về phổi, do đó, đối tượng dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi thường có bệnh lý ở phổi. Ngoài ra, những người có bệnh nền như tim, gan, thận cũng có thể gây tràn dịch màng phổi. Đối tượng cụ thể dễ mắc bệnh tràn dịch màng phổi gồm những đối tượng sau:

  • Người có bệnh lý về phổi: Ung thư phổi, xẹp phổi, viêm phổi, thuyên tắc phổi, lao phổi, di căn ung thư từ một cơ quan khác đến màng phổi.

  • Người có bệnh lý về tim, mạch: Suy tim, viêm màng ngoài tim co thắt, phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.

  • Người bị suy giảm chức năng, suy giảm miễn dịch: Thận hư, suy thận, xơ gan cổ trướng, suy giáp, viêm khớp, nhiễm HIV, bệnh lý hệ thống, ký sinh trùng.

xem thêm  U Tuyến Giáp: Bệnh Lành Tính Nhưng Không Nên Chủ Quan

Các triệu chứng thường gặp

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng rất khác nhau. Các triệu chứng phổ biến có thể gặp bao gồm:

  • Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động gắng sức.

Khó thở là tình trạng bình thường khi bạn tham gia các hoạt động thể chất như thể dục thể thao, chạy nhảy, leo núi,… và sẽ hết khi bạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra trong một khoảng thời gian dài, ngay cả trong lúc bạn không vận động mạnh thì rất có thể đây là dấu hiệu các bệnh về phổi nói riêng và bệnh lý hô hấp nói chung.

  • Đau hoặc tức ngực, đau tăng khi hít thở sâu, khi nói to hoặc cảm giác không thể hít thở sâu.
  • Ho khan hoặc ho có đờm.
  • Sốt có hoặc không kèm theo rét run.
  • Mệt mỏi, ăn uống kém.
  • Phù chân đối với người tràn dịch màng phổi do suy tim, suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

Ở Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh phổ biến gồm: lao màng phổi, ung thư phổi, suy tim, viêm phổi, suy thận mạn, xơ gan cổ trướng, ký sinh trùng, và nhiều nguyên nhân khác. Một số bệnh ung thư có nguy cơ gây tràn dịch màng phổi bao gồm ung thư phổi, vú, buồng trứng, cổ tử cung.

Phương pháp chẩn đoán tràn dịch màng phổi và tìm căn nguyên

Khi có dấu hiệu phổi ứ nước, để xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành:

  • Chụp X-quang ngực: sẽ thấy hình mờ đậm một hoặc cả hai bên phổi, dịch thường ở dưới thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp tràn dịch khu trú lượng ít có thể khó phát hiện hiện tượng tràn dịch màng phổi trên phim X-quang.

chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm

  • Chụp cắt lớp vi tính ngực: phương pháp chẩn đoán này cho hình ảnh chi tiết hơn về mức độ, vị trí tràn dịch cũng như có thể tìm ra nguyên nhân khiến phổi bị tràn dịch.

  • Siêu âm màng phổi: phương pháp thăm dò đơn giản dễ thực hiện, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Siêu âm màng phổi có thể giúp phát hiện được tràn dịch màng phổi khi trong khoang này chỉ có khoảng vài chục ml dịch.

xem thêm  Dấu hiệu trẻ bị sốt siêu vi và biện pháp phòng ngừa

Phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi

Để điều trị tràn dịch màng phổi, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ứ nước trong khoang màng phổi, từ đó có chiến lược điều trị phù hợp.

  • Chọc hút dịch màng phổi: là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, giúp đào thải bớt lượng dịch, làm cho bệnh nhân dễ thở hơn.

  • Dẫn lưu màng phổi: phương pháp này được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị tràn mủ, tràn máu màng phổi, tràn dịch kèm tràn khí màng phổi. Một dụng cụ hình ống đặc biệt (ống dẫn lưu) thông thường bằng silicon được đặt xuyên qua da vào khoang màng phổi và được nối với một hệ thống hút áp lực âm để dẫn lưu mủ, máu ra ngoài.

  • Điều trị nội khoa: tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị nội khoa phù hợp. Nếu do nhiễm khuẩn, sẽ sử dụng kháng sinh. Nếu do lao, sẽ điều trị thuốc kháng lao. Nếu do bệnh ung thư, sẽ điều trị hoá chất. Nếu do suy tim, suy gan, suy thận, sẽ điều trị các thuốc phù hợp.

  • Điều trị hỗ trợ: bao gồm chống suy hô hấp, giảm đau, hạ sốt, nghỉ ngơi tại giường, ăn uống đủ năng lượng và dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng cần tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.

Câu hỏi thường gặp về bệnh tràn dịch màng phổi

1. Tràn dịch màng phổi có thể chữa trị được không?

Có. Dịch màng phổi sẽ thể hết sau một thời gian điều trị tích cực đối với các trường hợp do suy tim, viêm phổi, viêm tụy cấp, ghép tim, phổi hoặc gan, tắc mạch phổi, bệnh ban đỏ hệ thống, do ure máu cao… Tuy nhiên, các trường hợp tràn dịch phổi do phẫu thuật nối mạch vành hoặc chấn thương tim, hay có liên quan đến sarcoidosis (bệnh u hạt lành tính) có thể được giải quyết trong vòng dưới 2 tháng, tuy nhiên có trường hợp tồn tại dai dẳng đến 6 tháng.

Tràn dịch ở phổi do bệnh lao hoặc viêm tụy mạn tính có thể điều trị giải quyết trong vòng từ 2-6 tháng. Trường hợp viêm màng phổi do thấp và bệnh bụi phổi, có thể lành bệnh trong thời gian 2-6 tháng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới hết dịch. Đối với bệnh do ung thư thường tái phát nhanh sau dẫn lưu màng phổi.

2. Dịch tràn màng phổi có nguy hiểm không?

Tùy trường hợp. Mức độ nguy hiểm của bệnh tràn dịch màng phổi sẽ phụ thuộc vào:

  • Nếu nguyên nhân do ung thư, việc điều trị gặp phải nhiều khó khăn vì dịch thường tái phát nhanh dù đã chọc hút tích cực.

  • Khi số lượng dịch trong phổi quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng giãn nở, hô hấp của phổi, đè ép, cản trở đến sự bơm máu tuần hoàn của tim, dẫn đến tình trạng thiếu oxy toàn cơ thể.

xem thêm  Bác Sĩ Chia Sẻ Cách Đối Phó Với Mãn Dục Nam | Fim24h

Bệnh có thể để lại một số di chứng như viêm dày màng phổi, vôi hóa màng phổi, viêm mủ màng phổi. Các di chứng này đều ảnh hưởng tới khả năng hô hấp của người bệnh.

Việc phát hiện sớm giúp điều trị bệnh có hiệu quả cao. Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.

3. Tràn dịch phổi nên ăn uống thế nào?

Bệnh có thể diễn tiến nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì thế sau điều trị bệnh, người bệnh nên có một chế độ ăn hợp lý, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn sống chưa qua chế biến như cá sống, gỏi sống… Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng giúp người bệnh nhanh hồi phục sau điều trị. Cần bổ sung rau củ quả tươi, thịt gia cầm, trái cây, uống đủ nước, tránh rượu, bia, thuốc lá, tránh ăn quá mặn.

4. Tràn dịch phổi nên uống thuốc gì?

Dựa vào các nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ để điều trị giảm nhẹ các triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà phác đồ điều trị có thể khác nhau. Cụ thể là sử dụng kháng sinh khi phát hiện có nguyên nhân nhiễm trùng, thuốc lợi tiểu giúp giảm dần lượng dịch ứ đọng trong màng phổi, thuốc kháng lao nếu tràn dịch phổi do lao, thuốc điều trị suy tim, xơ gan, suy thận,…

5. Hội chứng 3 giảm là gì?

Hội chứng 3 giảm trong tràn dịch màng phổi đây là một thuật ngữ được sử dụng trong y học có thể được hiểu là: giảm âm khi nghe phổi, giảm rung thanh, gõ đục. Hội chứng này thường được phát hiện thông qua việc thăm khám lâm sàng ở những trường hợp nghi ngờ phổi bị tràn dịch.

Để có thể phát hiện được hội chứng này bác sĩ cần phải thăm khám trực tiếp. Cả 3 dấu hiệu này đều có giá trị rất lớn trong việc chẩn đoán bệnh. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định cận lâm sàng phù hợp, giúp chẩn đoán sớm bệnh, can thiệp kịp thời.

Khoa Hô hấp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, cùng trang thiết bị y tế hiện đại sẽ mang đến cho bạn những liệu pháp an toàn, hạn chế xâm lấn, hiệu quả tối đa trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tràn dịch màng phổi.