Đối với người Việt Nam, Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đó là thời điểm mà mọi người đều đem đến những sản vật ngon nhất, quý nhất trong năm để dâng lên ông bà tổ tiên. Người miền Bắc luôn cầu kỳ và kỹ tính trong việc chọn lựa và chế biến món ăn đặc biệt, đặc biệt là trong mâm cỗ ngày Tết. Bởi mỗi món ăn chứa đựng tâm tình của người nấu và là truyền thống truyền túy trong mỗi gia đình. Hôm nay, hãy cùng Điểm tin phim-review phim chất lượng và tổng hợp tin tức giải trí tìm hiểu về mâm cỗ truyền thống miền Bắc nhé.
Đặc trưng của món ăn Tết miền Bắc
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc luôn chú trọng về mặt hình thức và sự cầu kỳ. Bởi họ cho rằng hình thức mâm cỗ cầu kỳ, tỉ mẩn và trang trí đẹp mắt mới thể hiện được tấm lòng của người làm dâng lên tổ tiên. Qua đó, thể hiện sự mong muốn một năm may mắn, mùa màng tươi tốt bội thu. Mâm cơm miền Bắc cần đầy đủ màu sắc tượng trưng cho mỗi mùa trong năm, kèm theo là hương vị thơm ngon hấp dẫn của mỗi món ăn.
Mâm cỗ miền Bắc luôn được bày biện, trang trí tỉ mỉ, đẹp mắt, tuân thủ quy tắc của mâm cỗ truyền thống. Một mâm cơm tất niên cần có tối thiểu 4 bát, 4 đĩa. Mỗi đĩa sẽ tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Hoặc các gia đình có điều kiện hơn sẽ sử dụng 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa,…
Bốn bát gồm: bát chân giò heo hầm măng lưỡi, bát canh miến nấu măng, bát canh bóng thả nấm và bát gà tần. Nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá, chim hầm nguyên con để mâm cỗ thêm sang trọng.
Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa xôi gấc, đĩa thịt nấu đông. Một số gia đình có điều kiện sẽ bày thêm chả quế, thịt heo luộc, đĩa nem rán và đĩa nộm su hào tai heo.
Món tráng miệng sẽ có: mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng và mứt quất,… Mỗi món sẽ được trang trí, bày trên những đĩa nhỏ hoặc đĩa to chia ô giúp tổng thể mâm cơm thêm hài hòa, đa dạng.
Điểm mặt những món ăn không thể thiếu trong món ăn Tết miền Bắc
Bánh chưng – truyền thống trong mâm cỗ Tết miền Bắc
Được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tục gói bánh chưng thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước bao đời. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên.
Bánh chưng nhân đậu xanh, thịt mỡ được bao bọc bên ngoài là lớp lá dong xanh cùng dây lạt mềm. Bánh xanh vuông vức tượng trưng cho đất. Cũng chính vì đó, dâng bánh chưng thể hiện lòng biết ơn trời đất, biết ơn khi cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người ấm no hạnh phúc. Bởi vậy, trên mỗi mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc, không thể thiếu một đĩa bánh chưng xanh:
‘’Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh’’
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng chính là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn viên. Những chiếc bánh xanh vuông vức, đẹp đẽ được dành riêng để bày ban cúng thần tài, cúng gia tiên; bánh nhỏ xinh gói riêng cho lũ trẻ con như một món quà đầu năm may mắn.
Chính vì ý nghĩa nhân sinh, văn hóa và cả ý nghĩa tinh thần đó, tục gói bánh chưng đã trở thành tục lệ cổ truyền; vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ con người Việt Nam trong ý nghĩa Tết Nguyên Đán.
Thịt gà luộc – món ăn Tết miền Bắc không thể thiếu
Cánh đào nhỏ, nhánh mai vàng, bánh chưng xanh, con gà luộc vàng là những gam màu không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Gà luộc chặt nguyên con cũng là món đặc trưng trong cách cúng tất niên cuối năm của người miền Bắc. Gà được luộc nguyên con, chặt miếng đều tay, vàng óng. Sau đó, được xếp gọn lên đĩa, ăn kèm muối tiêu chanh ớt, đã trở thành hương vị đặc trưng của ngày Tết miền Bắc.
Người Việt ta quan niệm rằng, đêm giao thừa là thời điểm bầu trời tối tăm nhất vì khi đó mặt trời ẩn mình rất sâu. Do đó, nhà nhà kháo nhau cúng một con gà trống thật to khỏe. Với hy vọng, gà sẽ đánh thức được mặt trời, mang lại ánh sáng cho cả năm. Đó cũng chính là cách thể hiện ước mong cho mưa thuận gió hòa của người nông dân.
Bên cạnh đó, gà luộc còn tượng trưng cho một cuộc sống ấm no, an khang thịnh vượng. Bởi đó, gà thường được luộc với nghệ sao cho vàng óng. Với quan niệm gia đình sẽ có một khởi đầu may mắn, cầu được ước thấy. Không chỉ trong ngày Tết, gà còn là món chính trong các mâm cỗ, bữa tiệc, cưới hỏi quanh năm. Gà luộc vàng ươm, thêm chút lá chanh xắt nhỏ là một món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ của người Việt. Thịt gà luộc còn là món ăn đơn giản được bày trên mâm cơm lễ cúng ông Công ông Táo ngày Tết.
Vị Tết miền Bắc trong món thịt nấu đông
Thịt đông là món ăn đặc trưng của mùa đông xuân miền Bắc, luôn được nhắc tới mỗi dịp Tết đến. Là một trong những món ăn đặc sắc của ẩm thực Bắc bộ. Thịt heo nấu đông là món ăn dùng để đãi khách ngày Tết, ăn cùng dưa chua, củ kiệu.
Thịt đông là món thịt nguội gồm nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là thịt chân giò và bì lợn xào cùng mộc nhĩ, nấm hương và tiêu. Nhờ phần collagen được tiết ra từ bì lợn nên phần thịt đã được xào qua sẽ đóng lại như rau câu; khi ăn, thịt mềm, có vị thơm ngon và mát. Và để tránh bị ngấy, giảm độ béo, người ta hay ăn cùng với dưa chua, hành muối. Ăn kèm với đồ chua là để cơ thể dễ tiêu hóa hơn.
Món ngon không chỉ dừng lại ở hương vị mà còn ở nét văn hóa xoay quanh mâm cơm ngày Tết. Được bày trên mâm cỗ với màu sắc bắt mắt, cùng với đó là mùi tiêu bắc cay nồng thơm thơm cùng thớ thịt hồng mềm tan nơi khoang miệng. Tất cả khơi dậy sự thèm thuồng, đơm bát cơm trắng, xắn một miếng thịt đông; ăn kèm đôi ba củ kiệu muối, một vị ngon chẳng thể nào từ chối.
Trải qua bao cái Tết, thịt đông vẫn là món ăn không thể thiếu trong món ăn Tết của người Bắc. Ngày nay, dù có thể ăn thịt đông bốn mùa nhưng người ta vẫn chờ đợi một cái Tết se lạnh. Chỉ để thưởng thức miếng thịt mềm tan với cơm trắng nóng hổi trong cái giá của đất Bắc.
Xôi gấc đỏ – màu sắc món ăn Tết miền Bắc
Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua xôi gấc, một món ăn thơm ngon trong mâm cỗ tất niên.
Một đĩa xôi ngon phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí bắt mắt về màu sắc và đặc biệt chính là hương thơm mùi gạo nếp nóng dẻo, ngọt bùi.
Trong quan niệm của người Việt Nam, màu đỏ là màu may mắn, hạnh phúc. Hơn nữa, màu đỏ của gấc là màu của sự tự nhiên mà trời đất ban tặng. Nhờ đó, mang tới sự dung hòa, thuận lợi cho một khởi đầu trong năm mới. Vào mỗi phiên chợ, dù là vùng quê nghèo hay vùng đô thị sầm uất, người ta vẫn cố tìm mua những quả gấc đỏ tươi để chuẩn bị cho mỗi dịp Tết đến xuân về.
Là món ăn được bày lên mâm cơm ngày Tết, xôi gấc được chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ. Từ việc lựa gấc sao cho phần thịt đỏ đến việc đồ xôi sao cho nóng dẻo, ngọt thơm. Xôi gấc nếu được đồ bằng chỗ sành sẽ ngon nhất, bởi cho xôi dẻo, rền, căng bóng, vị béo ngậy quện trong mùi thơm của gạo nếp bùi. Tuỳ theo từng vùng miền, sẽ rắc thêm dừa nạo hay trộn thêm ít nước cốt dừa; hay khi lại cho thêm ít đỗ xanh cho thêm bắt mắt.
Dưa hành trong món ăn Tết miền Bắc
Nếu như trong mâm cơm ngày Tết miền Nam không thể thiếu món củ kiệu muối chua ngọt, thì với phong tục ngày Tết của người miền Bắc, dưa hành muối chua cũng là món không thể thiếu trên mỗi mâm cơm. Bởi ẩm thực người Bắc luôn coi trọng sự tinh tế, hài hòa và cân bằng trong hương vị. Vì thế mà kết hợp với sự đậm đà, béo ngậy của bánh chưng, thịt mỡ, sẽ không thể thiếu món dưa hành chua ngọt. Đồng thời, men chua trong dưa hành cũng giúp cho lợi khuẩn, tiêu hóa tốt hơn. Vị chua dịu, cay nồng và mùi thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ kích thích vị giác và làm gia tăng hương vị của các món ăn kèm như bánh chưng.
Không chỉ xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết, dưa hành muối cũng là món phổ biến ở miền Bắc từ bao đời nay. Người ta thường sẽ muối dưa vào ngày mùa đông, khi củ hành đầu vụ được thu hoạch. Sao cho từ vụ hoa màu, đến dịp Tết chín vừa tới, khi muối sẽ cho độ chua vừa và không có vị hăng khi ăn.
Củ hành để muối được ngon phải đủ độ chín mà không bị ủng nước. Thân ngoài màu trắng ngà, giòn mà không hăng, chua nhưng không gắt. Chọn hành cũng phải chọn tỉ mẩn, chọn những củ hành nhỏ to hơn ngón tay cái của người lớn; không nên chọn củ hành to vì sẽ khó muối. Để món dưa hành ngon đúng độ, mỗi gia đình thường chuẩn bị từ rất sớm, cách Tết chừng 20 ngày. Bởi tiết trời miền Bắc khá lạnh, hành khi bỏ muối sẽ rất lâu mới chín.
Dưa hành là món đơn giản từ công đoạn sơ chế, chế biến đến cách thưởng thức. Cũng chính vì thế mà món ăn dân giã này được xem là món ăn gắn liền với ẩm thực miền Bắc. Đặc biệt là trong mâm cỗ Tết của người Việt. Vị chua thơm giòn cùng miếng thịt mỡ béo ngậy cũng đủ để đánh thức vị giác, đánh thức cái không khí ngày Tết tưởng như đang về trên mọi miền cả nước.
Giò lụa – món ăn Tết miền Bắc mộc mạc, truyền thống
Giò lụa là món ăn dân dã đã quá phổ biến trong những mâm hằng ngày. Đặc biệt là trong mâm cỗ Tết của người Việt nói chung và miền Bắc nói riêng. Xuất hiện từ giữa thế kỉ 18, được xem là thực phẩm quý chỉ được dâng cho vua chúa. Nhưng cũng nhờ có tinh hoa ẩm thực người Việt mà ngày nay, giò trở thành món ăn vừa dân dã, vừa sang trọng dùng để tiếp khách.
Nguyên liệu làm giò cũng khá đơn giản với thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp với chút gia vị. Được gói bên ngoài là lá chuối xanh sau đem luộc chín. Giò luộc chín vừa đủ, không quá lửa cũng không quá non. Giò được đánh giá là ngon khi đạt được tiêu chí: khoanh giò tròn đều, màu hơi ngả hồng nhạt, mặt giò mịn màng; miếng giò mềm ngon có mùi thơm đặc trưng của thịt và lá chuối tươi.
Canh măng trong món ăn Tết miền Bắc
Món ăn đơn giản mà chứa đựng hồn ẩm thực Việt lâu đời. Một món ăn gợi sự ấm áp trong những ngày đầu xuân sum họp. Bởi vậy, trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu bát canh măng miến.
Các nguyên liệu cũng vô cùng đơn giản và quen thuộc trong đời sống thường nhật. Cách chế biến cũng không quá cầu kì nhưng lại tồn tại suốt bao mùa Tết đến. Món ăn mang hơi thở dân tộc, chứa đựng hồn ẩm thực bao đời. Bát canh măng nóng hổi thoang thoảng khói trên bàn cúng gia tiên. Chỉ vậy thôi cũng khiến người ta thấy sự linh thiêng tự ngàn đời vẫn còn hiện hữu. Mỗi năm một cái Tết, vì vậy mà người ta cũng cầu kỳ hơn trong món ăn Tết. Bởi mâm cơm thịnh soạn ấy thay thế cho bữa cơm thanh đạm thường ngày. Sự xuất hiện của bát canh măng miến như sự cân bằng cho bữa cơm ngày Tết.
Kết luận
Món ăn Tết miền Bắc luôn cầu kỳ và chỉn chu trong mỗi món ăn, đủ đầy ý nghĩa đặc trưng. Người chuẩn bị mâm cỗ thường tỉ mỉ và cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu chế biến đến nấu nướng, để món ăn vừa đẹp, vừa ngon lại vừa đảm bảo sức khỏe. Như vậy, mâm cỗ Tết mới hài hòa và mang được tấm lòng, ý nghĩa truyền thống của người Việt. Ngày Tết, trang tin Điểm tin phim-review phim chất lượng và tổng hợp tin tức giải trí xin kính chúc bạn đọc gần xa một cái Tết ấm no, hạnh phúc và an lành bên mâm cơm nóng hổi.