Ý nghĩa đặc biệt của các món ăn trong ngày Tết

Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có những món ăn đặc trưng trong ngày Tết, mang theo nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Đây không chỉ là những món ăn đặc biệt mà còn gắn kết tình cảm và may mắn cho cả gia đình. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của các món ăn truyền thống trong từng miền đất nước này.

Món ăn ngày Tết đặc trưng miền Bắc

Ở miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết luôn có 4 bát 4 đĩa, không kể xôi, nước chấm và dưa hành, tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, và 4 phương. Các món ăn được sắp xếp trên đĩa sẽ được dùng trước, còn những món nằm trong bát sẽ được dùng sau.

Thịt đông: May mắn cả năm

Thịt đông là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Bắc trong ngày Tết. Sự kết hợp giữa các nguyên liệu trong món này thể hiện tình yêu thương và sự gắn kết của gia đình. Món ăn còn mang ý nghĩa hy vọng có một năm mới may mắn và thuận lợi cho gia đình. Thịt đông được làm từ chân giò lợn, tai heo hoặc thịt gà, khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sự ngon miệng và béo ngậy. Tuy nhiên, vì chứa nhiều chất béo và đạm, nên khi ăn nên kèm với dưa hành hoặc rau xanh để tiêu hóa dễ dàng.

xem thêm  NGƯỜI NHẬT BẢN ĂN GÌ VÀO NGÀY TẾT
Bánh chưng: Biểu tượng lòng biết ơn

Bánh chưng là một món ăn có lịch sử lâu đời trong ẩm thực Việt Nam và tượng trưng cho lòng biết ơn đối với tổ tiên. Cứ đến tháng Chạp, gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng, cùng kể nhau nghe những câu chuyện và dự định tương lai. Bánh chưng được gói khéo léo, tượng trưng cho trời đất và là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở miền Bắc.

Thịt gà: Ấm cúng và an lành

Thịt gà là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Gà luộc thường được để nguyên con và sau khi cúng, thịt gà sẽ được chặt nhỏ và ăn kèm với muối tiêu và lá chanh. Gà luộc tượng trưng cho sự ấm cúng và an lành, và là một nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Thịt gà chứa nhiều chất dinh dưỡng như albumin, chất béo và các loại vitamin và khoáng chất khác.

Giò chả: Phúc lộc đầy nhà

Theo quan niệm dân gian, giò chả là món ăn tượng trưng cho sự phú quý và hiện đại, đem lại phúc lộc cho gia đình. Thường được ăn kèm với dưa hành và nước mắm, giò chả là một món ăn đặc biệt mà nhiều người mong chờ trong những ngày Tết.

Món ăn ngày Tết đặc trưng miền Trung

Khác với miền Bắc, ở miền Trung, mâm cỗ Tết thường đơn giản và thể hiện tinh thần tiết kiệm và sẻ chia. Các món ăn ngày Tết của người miền Trung thường xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau. Ngoài ra, còn có các món kho mặn hoặc món hấp như tôm rim, thịt kho tàu, thịt ngâm nước mắm…

xem thêm  Mách bạn loạt món ăn chống ngán sau Tết
Măng khô kho: Vạn sự tốt lành

Măng khô kho là món ăn đặc trưng của người miền Trung trong ngày Tết. Vị ngọt của măng cùng vị béo của thịt tạo nên một hương vị độc đáo và khó quên. Món ăn này thường được cuốn cùng bánh tráng, rau sống và chấm với nước măng kho.

Tré: Gia đình hòa thuận

Tré là một món ăn truyền thống chỉ dành cho các bậc vua chúa và vương giả. Tuy nhiên, hiện nay, tré đã trở thành món ăn thường xuất hiện trong mâm cơm của người miền Trung trong ngày Tết. Tré được chế biến từ tai, mũi heo và thịt ba chỉ, kết hợp với củ riềng, tỏi, thính và lá ổi. Đây là một món ăn hấp dẫn và độc đáo trong những ngày Tết.

Món ăn ngày Tết đặc trưng miền Nam

Mâm cỗ Tết của người miền Nam được dựa trên nguyên tắc ngũ hành âm dương: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Mỗi món ăn trong mâm cúng đều mang một tính chất thể hiện một trạng thái ngũ hành, giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể.

Thịt kho tàu: Ấm cúng và sum vầy

Thịt kho tàu là món ăn đặc trưng ở các gia đình Nam bộ trong ngày Tết. Món này có vị đậm đà và màu sắc bắt mắt, tượng trưng cho sự ấm cúng và sum vầy. Sự hài hòa của các nguyên liệu trong món thịt kho tàu thể hiện sự yên vui và hòa thuận. Thịt kho tàu còn áp dụng nguyên lý hài hòa âm dương với trứng vịt tròn tượng trưng cho dương và khối thịt vuông tượng trưng cho âm.

xem thêm  4 món ăn vặt từ trái cây vừa ngon vừa giải ngấy cỗ Tết cực hiệu quả
Củ kiệu ngâm: Tiền bạc đầy nhà

Củ kiệu ngâm là món ăn đặc trưng của người miền Nam, tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa và phú quý trong năm mới. Ăn củ kiệu ngâm cùng với thịt kho trứng tạo nên sự hài hòa, không quá mặn, không quá ngấy, và không quá chua, đúng với nguyên tắc ngũ hành âm dương.

Khổ qua nhồi thịt: Muộn phiền tan biến

Canh khổ qua cũng là một món ăn truyền thống trong ngày Tết ở miền Nam. Vị ngọt của thịt hầm cùng với vị đắng đặc trưng của khổ qua tạo nên một hương vị độc đáo. Ăn khổ qua nhồi thịt vào ngày đầu năm mới cũng tượng trưng cho ước mong mọi khó khăn của năm cũ sẽ qua đi để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn.

Từ những ý nghĩa của các món ăn ngày Tết, chúng ta có thêm động lực để cùng gia đình đón một năm mới ấm no, khỏe mạnh và đầy sung túc! Chúc bạn và gia đình có một kỳ nghỉ Tết đoàn viên và hạnh phúc!

Nguồn: hellobacsi