Nhịp tim là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể của mỗi người. Đối với người già, nhịp tim bình thường dao động từ 60-100 nhịp/phút. Vậy, làm thế nào để biết được nhịp tim bình thường của người già? Khi nào mới đáng lo ngại? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Bạn cần biết gì về nhịp tim?
Tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe, mỗi người có mức nhịp tim bình thường khác nhau. Đồng thời, lối sống và thói quen vận động cũng ảnh hưởng đến nhịp tim. (1)
1. Nhịp tim nghỉ ngơi
Nhịp tim lúc nghỉ ngơi là số lần tim đập mỗi phút khi không hoạt động. Nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao hơn 100 nhịp/phút thì được coi là nhịp tim nhanh; dưới 60 nhịp/phút được gọi là nhịp tim chậm. Các chuyên gia khuyến nghị, nhịp tim lúc nghỉ ngơi lý tưởng là từ 60 – 70 nhịp/phút.
Nhịp tim nghỉ ngơi có thể thay đổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, từ tâm trạng đến môi trường xung quanh. Theo đó, nhịp tim có thể tăng lên khi phấn khích, lo lắng hoặc khi tiêu thụ cà phê và thuốc lá.
Mọi người có thể biết nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi bằng cách đếm số lần tim đập trong 1 phút. Ngồi yên 5-10 phút trước khi đếm để đảm bảo tim đang ở trạng thái nghỉ ngơi. Có thể kiểm tra nhiều lần trong ngày hoặc trong một tuần để lấy số trung bình và xem xét nhịp tim có bất thường hay không.
2. Nhịp tim mục tiêu
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhịp tim mục tiêu trong các hoạt động cường độ vừa phải là khoảng 50-70% của nhịp tim tối đa. Hoạt động thể chất cường độ cao sẽ dẫn đến 70-85% của mức tối đa. Để tính toán nhịp tim tối đa, sử dụng công thức 220 – tuổi (ví dụ, với tuổi là 60, nhịp tim tối đa là 160).
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp xác định thói quen và vùng nhịp tim mục tiêu phù hợp với nhu cầu, mục tiêu và sức khỏe tổng thể của người tập. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất khi tập thể dục trong “vùng nhịp tim mục tiêu”. Thông thường, nhịp tim sẽ dao động trong khoảng 60-80% mức tối đa; trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể giảm vùng nhịp tim mục tiêu xuống khoảng 50%. (2)
Khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, người tập cần tăng dần cường độ để nhịp tim tăng dần đến vùng nhịp tim mục tiêu, đặc biệt nếu trước đó chưa tập thể dục thường xuyên.
Lưu ý trong quá trình tập thể dục, cần có thời gian nghỉ ngơi và kiểm tra nhịp tim thường xuyên để xác định liệu nhịp tim có nằm trong vùng mục tiêu hay không. Nếu nhịp tim thấp hơn vùng mục tiêu, cần tăng cường cường độ tập luyện.