Bệnh đau mắt đỏ gây đau, nhức, cộm, khó chịu, đặc biệt khi di chuyển mắt hoặc nhìn vào ánh sáng. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiết dịch, dễ lây hơn ở nơi có độ ẩm cao, đông người. Vậy, bị bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Mấy ngày thì hồi phục? Làm sao để bệnh nhanh lành hơn?
Bị bệnh đau mắt đỏ là gì? Có nguy hiểm không?
Bị bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, bệnh xảy ra khi tròng trắng mắt (một lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu) và kết mạc mi mắt bị viêm nhiễm. Bệnh đau mắt đỏ thường không nguy hiểm. Nếu không được điều trị đúng và sớm bệnh có thể gây biến chứng như: giảm thị lực, viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa. Bị đau mắt đỏ mấy ngày thì khỏi còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đau mắt đỏ được chia thành 3 nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
1. Đau mắt đỏ do virus
Các loại virus gây bệnh đau mắt đỏ bao gồm: virus Adeno, Entero, ít phổ biến hơn là do virus Herpes simplex hoặc virus Zoster… Hầu hết, các trường hợp đau mắt đỏ do virus đều nhẹ. Bệnh tự hết sau 7-14 ngày mà không cần điều trị, cũng ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đau mắt đỏ do virus có thể kéo dài từ 2-3 tuần mới khỏi.
Dựa trên thể trạng, sức đề kháng và môi trường sống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Do đó, người bệnh cần gặp bác sĩ để kê đơn thuốc giúp điều trị đau mắt đỏ hiệu quả, phục hồi sớm, ngăn ngừa biến chứng.
2. Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra có các loại bao gồm: liên cầu (Streptococcus Pyogene), vi khuẩn bạch hầu (C. Diphtheria), vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), phế cầu, hiếm gặp do não cầu (Neisseria Meningitidis)… Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể thuyên giảm mà không cần điều trị bằng kháng sinh và ít gây ra biến chứng.
Thông thường, bệnh có thể cải thiện sau 2-5 ngày mà không cần điều trị nhưng có thể mất đến 2 tuần mới khỏi hoàn toàn. Với bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus dễ lây lan cho người khác qua đường hô hấp hoặc tiết dịch. Để điều trị bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thường sẽ dùng kháng sinh tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ đau mắt đỏ hoặc thuốc mỡ.
Thuốc kháng sinh có thể rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm các biến chứng và giảm lây lan sang người khác. Thuốc kháng sinh cần thiết trong các trường hợp sau: có dịch tiết, hệ thống miễn dịch của người bệnh yếu, viêm nhiễm nặng, lâu lành bệnh…
3. Đau mắt đỏ do dị ứng
Đau mắt đỏ do các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, thời tiết… Bệnh gây ngứa mắt nhiều, có thể kèm theo sốt cỏ khô, chàm, ngứa da… Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng thường cải thiện bằng cách loại bỏ hoặc tránh xa các chất gây dị ứng khỏi môi trường sống của người bệnh.
Thuốc chống dị ứng gồm: thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mắt (thuốc kháng histamin và thuốc co mạch tại chỗ). Các thuốc này sẽ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị bằng thuốc chống dị ứng giúp giảm viêm nhiễm tốt hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho kết hợp nhiều loại thuốc để cải thiện triệu chứng như: sưng, viêm, có mủ…
Dù các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ có thể giống nhau như: ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, mắt đỏ, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, mi mắt sưng nề, đau nhức… Nhưng việc tìm ra được nguyên nhân gây bệnh giúp điều trị hiệu quả hơn. Một số dấu hiệu giúp xác định xem bệnh đau mắt đỏ do virus hay vi khuẩn như sau:
- Tuổi tác: đa số virus gây bệnh đau mắt đỏ ở người lớn; tuy nhiên trẻ em cũng có thể bị đau mắt đỏ do cả virus và vi khuẩn.
- Nhiễm trùng tai: trẻ bị đau mắt đỏ thông thường sẽ bị kèm nhiễm trùng tai.
- Lượng dịch tiết ra: dịch tiết nhiều là dấu hiệu đau mắt đỏ do vi khuẩn.
- Màu sắc của tròng trắng mắt: màu hồng nhạt thường là dấu hiệu nhiễm virus, màu đỏ có nhiều khả năng do vi khuẩn.
- Nếu đau mắt đỏ cả hai mắt có thể do virus gây ra.
Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cách bạn điều trị. Hầu hết, các trường hợp bị đau mắt đỏ sẽ hết trong vòng vài ngày đến 2 tuần. Đau mắt đỏ do virus thường khỏi bệnh trong vòng 1-2 tuần, có thể kéo dài tới 3 tuần. Đau mắt đỏ do vi khuẩn ngay cả khi không điều trị, các triệu chứng có thể cải thiện trong vòng 1 tuần. Những trường hợp nặng có thể mất tới 2 tuần.
Bị đau mắt đỏ do dị ứng thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào thời gian người bệnh tiếp xúc với chất gây dị ứng trong bao lâu. Đau mắt đỏ mấy ngày thì khỏi? Sau khi loại bỏ các chất gây dị ứng, các triệu chứng đau mắt đỏ có thể hết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, việc xác định chất gây dị ứng tương đối khó khăn như phấn hoa theo mùa, thời tiết, lông thú cưng…
Hầu hết các trường hợp mắt đỏ sẽ tự khỏi nhưng nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được khám và điều trị sớm:
- Đau nhiều: đau mắt đỏ kèm theo đau nhức là triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, việc mắt đau nhiều có thể do tình trạng bệnh khác gây đỏ mắt.
- Quá nhạy cảm với ánh sáng: nếu ánh sáng làm mắt bạn khó chịu nhiều, bạn chỉ có thể mở mắt trong phòng tối chứng tỏ tình trạng mắt đang xấu đi.
- Chấn thương mắt: trước hay trong khi đau mắt đỏ bị chấn thương gây trầy xước, đau mắt cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.
- Thị lực yếu: khi bị đau mắt đỏ nếu cảm thấy tầm nhìn bị mờ đi, thị lực kém hơn có thể là dấu hiệu tình trạng mắt đang trầm trọng hơn.
- Triệu chứng không cải thiện: đau mắt đỏ có thể tự khỏi, nếu tình trạng mắt mỗi ngày không tốt hơn có thể làm kéo dài thời gian mắc bệnh.
- Với người bị ung thư, hệ thống miễn dịch yếu, mắc bệnh HIV nên đến gặp bác sĩ ngay từ khi bị đau mắt đỏ.
Dấu hiệu tình trạng đau mắt đỏ đang được phục hồi
Bệnh nhân có thể tự cảm nhận dấu hiệu tình trạng đau mắt đỏ đang được phục hồi. Người bệnh sẽ giảm nhạy cảm với ánh sáng, bạn cảm thấy khi nhìn vào ánh sáng không còn khó chịu như trước. Lượng ghèn và dịch tiết ra ít hơn và giảm hẳn đến khi không còn. Mắt bớt đỏ, giảm hoặc không còn cảm giác cộm trong mắt. Các triệu chứng có thể cải thiện từ từ theo từng ngày.
Vì sao tình trạng đau mắt đỏ phục hồi lâu hơn dự kiến?
Tình trạng đau mắt đỏ phục hồi lâu hơn dự kiến có thể do các yếu tố liên quan đến hệ thống miễn dịch, các chất gây kích thích, điều trị và chăm sóc mắt sai cách… Đau mắt đỏ bao nhiêu ngày thì khỏi điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Các yếu tố có thể làm kéo dài tình trạng đau mắt đỏ bao gồm: tái nhiễm với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, hệ thống miễn dịch yếu, tiếp xúc thêm chất gây dị ứng, dị vật rơi vào mắt, vệ sinh kém, mang kính áp tròng, dụi mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt chung với người mắc bệnh, không giặt chăn, vỏ gối, khăn mặt trong thời gian dài…
Tình trạng bệnh kéo dài dễ gây ra biến chứng xấu đến sức khỏe mắt. Do đó, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được khám, điều trị giúp khỏi bệnh sớm.
Đau mắt đỏ có khỏi hẳn không? Có tái phát không?
Đau mắt đỏ nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ khỏi hẳn. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ vẫn có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng. Khi hết đau mắt đỏ, người bệnh cần lưu ý những điều sau để tránh tái nhiễm.
- Giặt khăn trải giường, vỏ gối, khăn tắm, khăn lau mặt bằng nước nóng và phơi dưới ánh nắng mặt trời thường xuyên.
- Tránh trang điểm mắt cho đến khi mắt hết nhiễm trùng. Bạn hãy vứt bỏ đồ trang điểm cũ hay đã sử dụng trước khi bị đau mắt đỏ.
- Đeo kính thay vì kính áp tròng, lau kính thường xuyên.
- Bỏ kính áp tròng dùng một lần, làm sạch kính áp tròng và hộp đựng. Rửa tay sạch trước khi tháo hoặc đeo kính áp tròng.
- Không sử dụng lại thuốc nhỏ mắt đã sử dụng trong thời gian điều trị đau mắt đỏ.
- Hạn chế tới nơi đông người trong mùa dịch đau mắt đỏ.
- Không tiếp xúc, cầm nắm các đồ dùng cá nhân của người đang mắc bệnh.
- Không dụi mắt và phải vệ sinh tay sạch sẽ thường xuyên.
Một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần trong đời, bệnh không giới hạn thời gian tái nhiễm. Một trường có thể bị tái nhiễm đau mắt đỏ trong vòng 1 tháng sau khỏi bệnh nếu tiếp tục tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng.
Những cách giúp đau mắt đỏ nhanh khỏi
Dù đau mắt đỏ rất dễ lây nhưng bệnh không phải là bệnh nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ đến trung bình đều tự khỏi mà không cần điều trị. Điều trị bệnh trong trường hợp đau mắt đỏ nghiêm trọng hoặc điều trị để rút ngắn khoảng thời gian mắc bệnh, giảm nguy cơ lây cho người khác.
Do đó, cách giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi là khám và điều trị theo toa thuốc của bác sĩ. Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh để rút ngắn thời gian mắc bệnh. Tương tự với tình trạng đau mắt đỏ do virus và dị ứng, việc điều trị bằng thuốc là cần thiết để nhanh khỏi bệnh.
Ngoài sử dụng thuốc, để giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi, người bệnh cần chăm sóc tại nhà đúng cách, giúp giảm nhanh các triệu chứng và tránh tái nhiễm: ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi mắt hết viêm nhiễm, chườm mát hoặc chườm ấm lên mắt để thấy dễ chịu hơn, không dùng chung khăn mặt hoặc khăn tắm với người khác. Rửa mặt và mí mắt bằng xà phòng dịu nhẹ sau đó rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ các chất gây kích ứng.
Với trường hợp đau mắt đỏ mức độ nhẹ có thể sử nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo không cần kê đơn để giảm ngứa và rát do các chất kích thích.
Lưu ý: các loại thuốc nhỏ mắt khác có thể gây kích ứng mắt nên không tự ý mua về sử dụng. Không dùng thuốc nhỏ mắt chung với mắt không bị viêm nhiễm.
Chuyên khoa Mắt, Hệ thống BVĐK Tâm Anh được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, được nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu Mỹ, cùng đội ngũ bác sĩ, y tá có chuyên môn cao sẽ giúp bảo vệ đôi mắt của bạn.
Bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cách chăm sóc và điều trị bệnh. Người dân không nên chủ quan, việc điều trị bệnh là cách tốt nhất giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác. Nếu nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ đau mắt đỏ hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời.
FAQs
1. Bệnh đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Bệnh đau mắt đỏ thường không nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị đúng và sớm có thể gây biến chứng.
2. Đau mắt đỏ do virus kéo dài bao lâu?
Thường thì đau mắt đỏ do virus tự hết sau 7-14 ngày, nhưng có thể kéo dài tới 3 tuần trong một số trường hợp.
3. Đau mắt đỏ do vi khuẩn cần điều trị bằng gì?
Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc nhỏ kháng sinh để giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh.
4. Đau mắt đỏ có thể tái phát không?
Đau mắt đỏ có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng.
5. Cách giúp đau mắt đỏ nhanh khỏi?
Để giúp đau mắt đỏ nhanh khỏi, đầu tiên cần khám và điều trị theo toa thuốc của bác sĩ. Ngoài ra, chăm sóc tại nhà cũng rất quan trọng, như ngừng đeo kính áp tròng, chườm mát hoặc chườm ấm lên mắt, không dùng chung khăn mặt hoặc khăn tắm với người khác.