Đau bụng bên trái: Tìm hiểu về vị trí, nguyên nhân và triệu chứng

đau bụng dưới bên trái ở nữ

Đau bụng bên trái là một triệu chứng phổ biến và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, đau bụng bên trái có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý nguy hiểm như viêm túi thừa, viêm ruột thừa, sỏi thận, xoắn tinh hoàn… Khi gặp phải các triệu chứng bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, từ đó hạn chế được biến chứng nguy hiểm trong tương lai.

Đau bụng bên trái là gì?

Đau bụng bên trái là một triệu chứng đau mạn tính hoặc cấp tính xuất hiện ở vùng bụng bên trái. Mức độ đau có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương và có thể tiến triển từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Vị trí đau bụng bên trái cần chú ý

Dưới đây là hai vị trí đau bụng bên trái cần chú ý:

  • Đau bụng bên trái ở phía trên: Đau bụng trên bên trái, ở dưới xương sườn, có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến lá lách, tuyến tụy, dạ dày, phổi và đại tràng. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đau tim, đe dọa trực tiếp tính mạng.

  • Đau bụng bên trái phía dưới: Vùng bụng dưới bên trái là nơi chứa phần cuối đại tràng, buồng trứng trái (đối với nữ giới). Cơn đau xuất hiện ở vị trí này có thể liên quan đến viêm túi thừa, thoát vị bẹn, sỏi thận, lạc nội mạc tử cung, đau bụng kinh, u nang buồng trứng…

Đau bụng bên trái là triệu chứng thường gặp

Nguyên nhân đau bụng bên trái

Triệu chứng đau vùng bụng bên trái có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

1. Viêm túi thừa

Viêm túi thừa là tình trạng của túi thừa bị viêm nhiễm, gây phù nề ở các mô xung quanh. Bệnh thường xuất hiện phổ biến ở những người trên 40 tuổi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau và sưng vùng bụng bên trái
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Đầy hơi
  • Co thắt dạ dày
  • Đau khi đi đại tiện
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Ăn mất ngon

Phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm nghỉ ngơi, sử dụng kháng sinh hoặc phẫu thuật đối với các trường hợp nghiêm trọng.

2. Viêm ruột thừa

Nếu cơn đau bụng bên trái xuất hiện cách rốn khoảng 5cm, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh viêm ruột thừa. Tình trạng này có thể tiến triển nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc biệt, người bệnh cần được cấp cứu trong trường hợp cơn đau di chuyển sang vùng bụng bên phải. Các triệu chứng đi kèm gồm:

  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn hoặc nôn ngay sau khi cơn đau bụng bắt đầu
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Sốt (37,7 – 38,8 độ C)
xem thêm  21 loại nước ép tươi ngon để có làn da sáng khỏe

đau bụng bên trái là bị gì

3. Táo bón

Đau bụng bên trái cũng có thể do táo bón. Tình trạng này thường xảy ra do cơ thể mất nước, chế độ ăn ít chất xơ hoặc lười vận động. Một số triệu chứng dễ nhận thấy bao gồm:

  • Phân cứng và khô
  • Đau bụng
  • Rặn nhưng không đại tiện được
  • Chướng bụng
  • Chảy máu nhẹ ở hậu môn

Hầu hết các trường hợp táo bón đều có thể cải thiện hiệu quả bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, uống đủ nước và vận động đều đặn hàng ngày. Nếu triệu chứng đau bụng vẫn không cải thiện, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp hơn.

4. Sỏi thận

Sỏi thận là các tinh thể rắn hình thành từ cặn canxi hoặc axit uric, tích tụ trong thận, gây ra các triệu chứng điển hình sau:

  • Đau vùng bụng bên trái
  • Đau lưng
  • Đau háng
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Nước tiểu lẫn máu
  • Buồn nôn, nôn
  • Sốt từ 38,3 độ C trở lên

5. Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày xảy ra do nhiễm trùng hoặc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Bệnh lý này có thể gây đau vùng bụng trên bên trái kèm theo các triệu chứng như:

  • Khó tiêu
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Ăn không ngon
  • Nóng rát vùng bụng
  • Sụt cân

Các vết loét dạ dày có thể tự lành. Tuy nhiên, chúng thường tái phát nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu, chảy máu trong, thủng thành dạ dày… Do đó, người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị.

6. Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là tình trạng nhiễm trùng dạ dày, ruột hoặc cả hai cơ quan cùng lúc. Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra, rất dễ lây lan. Đau bụng bên trái là triệu chứng thường gặp của bệnh lý này, đi kèm một số dấu hiệu sau:

  • Tiêu chảy, thường có máu
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Ăn không ngon
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ bắp

Nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên ngay sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc triệu chứng kéo dài hơn 48 tiếng, người bệnh nên đi khám để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước để tránh mất nước gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

7. Viêm ruột

Các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn đều có thể gây đau vùng bụng dưới bên trái. Đây là những tình trạng mạn tính, làm sưng, đỏ lớp niêm mạc bên trong đường tiêu hóa. Triệu chứng cụ thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm ruột nhưng hầu hết đều bao gồm:

  • Đau vùng bụng dưới bên trái
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy kèm máu
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Ăn không ngon
  • Cơ thể lờ đờ, mệt mỏi
  • Sụt cân mất kiểm soát
  • Đi đại tiện lẫn máu
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Phương pháp điều trị thường bao gồm: Thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc giảm viêm… Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để kiểm soát tình trạng bệnh lý.

Nguyên nhân đau bụng bên trái thường gặp ở nữ giới

1. Đau bụng kinh

Cơn đau bụng kinh thường xuất hiện ở vùng hạ sườn trái, trước và trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân chủ yếu do các cơn co thắt trong tử cung, mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng thường thấy bao gồm:

  • Đau vùng bụng dưới bên trái
  • Đau lưng
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
xem thêm  Tin tức: TD là gì?

Nếu mức độ đau bụng kinh nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nữ giới nên đi khám bác sĩ để được chỉ định thực hiện các biện pháp kiểm soát triệu chứng.

2. Lạc nội mạc tử cung

Đau bụng bên trái ở nữ giới có thể do lạc nội mạc tử cung. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào từ niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, gây đau dữ dội. Một số triệu chứng đi kèm bao gồm:

  • Đau vùng lưng dưới bên trái
  • Chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đau khi đi tiểu
  • Khô hạn

Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc tránh thai kết hợp nội tiết tố, thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật để cắt bỏ mô nội mạc tử cung.

3. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy dịch trong buồng trứng, gây đau và khó chịu cho vùng bụng bên trái. U nang bị vỡ hoặc có kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Một số dấu hiệu nhận biết gồm:

  • Đau vùng bụng bên trái
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đầy bụng
  • Đau vùng chậu
  • Khó tiểu
  • Thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt (Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ, chu kỳ kéo dài…)
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau khi đi đại tiện

Bệnh u nang buồng trứng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Phương pháp thường được chỉ định bao gồm: Dùng thuốc, phẫu thuật…

Nguyên nhân đau bụng bên trái thường gặp ở nam giới

1. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong bụng, có thể là mạc nối, ruột… đã chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng tại vùng bẹn, không còn nằm ở vị trí thông thường. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như: Thiếu máu nuôi, hoại tử, nhiễm trùng… Triệu chứng điển hình là đau vùng bụng bên trái, đặc biệt khó chịu khi hoạt động thể chất hoặc ho. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường sau:

  • Xuất hiện khối u hoặc hiện tượng phình ra ở vùng bẹn
  • Khó đi tiểu, xì hơi hoặc đại tiện
  • Đau khi ho
  • Buồn nôn, ói mửa

2. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh bị xoắn, ngăn chặn đường vận chuyển máu đến bìu. Bệnh cần tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để ngăn tổn thương vĩnh viễn. Ngoài triệu chứng đau bụng bên trái, xoắn tinh hoàn có thể đi kèm các dấu hiệu bất thường sau đây:

  • Sưng bìu
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Đau bụng bên trái có nguy hiểm không?

Dấu hiệu đau bụng bên trái không nguy hiểm trong trường hợp bị táo bón, đầy hơi, đau trong kỳ kinh nguyệt… Bạn có thể nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc giảm đau để cải thiện cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng như viêm ruột thừa, xoắn tinh hoàn (ở nam giới), lạc nội mạc tử cung (ở nữ giới)… Những tình trạng này cần điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

xem thêm  Các giai đoạn của bệnh gout phổ biến và dấu hiệu dễ nhận biết

Cách điều trị đau bụng bên trái

Đau bụng bên trái có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị riêng, chẳng hạn như: Chăm sóc tại nhà, dùng thuốc, phẫu thuật nếu bệnh lý nghiêm trọng… Do đó, khi nhận thấy triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Khi nào cần khám bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp đau bụng bên trái đều cải thiện triệu chứng trong vòng 2 – 3 ngày, đặc biệt là cơn đau do đầy hơi, táo bón… Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng sau đây:

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột, đau dữ dội
  • Sốt cao
  • Phân có lẫn máu
  • Nôn mửa
  • Vàng da
  • Các triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày
  • Sụt cân không rõ lý do

Điểm khác biệt giữa đau bụng bên trái ở nam giới và nữ giới

Tình trạng đau bụng bên trái ở nữ thường xảy ra trong kỳ hành kinh hoặc có thể do một số bệnh lý thường gặp như: U nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung… Trong khi đó, triệu chứng này xuất hiện ở nam giới thường là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng như: Xoắn tinh hoàn, thoát vị bẹn…

phân biệt đau bụng bên trái giữa nam và nữ

Cách phòng ngừa bị đau bụng bên trái

Không phải tất cả các trường hợp đau bụng bên trái đều có thể ngăn ngừa được. Dưới đây là một số biện pháp hữu ích có thể áp dụng để giảm thiểu nguy cơ:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều chất xơ để thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh
  • Uống đủ nước để tăng cường sức khỏe đường tiết niệu
  • Tránh vận động quá sức
  • Tránh căng thẳng
  • Tập thể dục đều đặn
  • Sàng lọc ung thư đại tràng, sỏi thận… theo khuyến nghị

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ.

Trên đây là tóm tắt về triệu chứng đau bụng bên trái, các nguyên nhân thường gặp cùng biện pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để chuẩn đoán và điều trị sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.