Cúm B chiếm 25% số ca nhiễm cúm mùa mỗi năm với triệu chứng không quá nghiêm trọng nhưng nếu không phát hiện kịp thời, cúm B cũng có thể gây hại đến sức khoẻ.
Cúm B là gì?
Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus Influenza gây ra, bệnh cúm tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi ngay cả khi không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…
Bệnh cúm thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa, lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc, bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác và thành dịch trong cộng đồng. Trong lịch sử, thế giới đã từng ghi nhận nhiều đại dịch cúm nguy hiểm cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người.
Cúm B là một dạng của virus cúm, cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.
Đặc điểm virus cúm B
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của bệnh cúm A. Hai loại cúm này cũng đồng thời kết hợp và gây nên bệnh cúm mùa hàng năm.
Chủng cúm tuýp B chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Tuy không phổ biến như cúm A và ít có khả năng gây dịch, nhưng bệnh cúm gây ra bởi virus cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính:
- Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào nếu mắc cúm cũng có thể sinh non hoặc sảy thai.
- Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính về chuyển hoá, tim, phổi, thận…
- Người bị suy giảm miễn dịch: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp..
Các chủng cúm B
Cúm B chỉ có một chủng virus gây bệnh duy nhất, không chia thành các phân loại như cúm A và chỉ được chia làm 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria. So với các chủng cúm A, cả 2 dòng cúm B đều ít có sự biến đổi hơn, hầu như không thay đổi về bản chất kháng nguyên.
Nếu như trước những năm 1990 hầu như chỉ có một dòng cúm B/Victoria thì đến đầu những năm 1990 bắt đầu xuất hiện dòng cúm B/Yamagata. Từ những năm đầu thế kỷ 20, cả dòng cúm này cùng tồn tại và gây nhiễm bệnh số lượng lớn cho nhân loại. Hai chủng cúm B/Yamagata và B/Victoria thay phiên nhau nổi trội theo năm và theo từng khu vực.
Cúm B có nguy hiểm không?
Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng cũng làm tăng khả năng nhiễm cúm.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ khẳng định, cả hai loại cúm A và B đều có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng như nhau, phản bác quan niệm sai lầm trước đây cho rằng cúm loại B nhẹ hơn. Do đó, chúng ta không vì thế mà chủ quan với bệnh cúm B.
Thời gian ủ bệnh cúm B
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm virus cúm B khá ngắn, chỉ khoảng 1-3 ngày và không xuất hiện các dấu hiệu bệnh rõ ràng. Tiếp đó, bệnh sẽ diễn tiến trong khoảng 3-5 ngày với những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 41oC kèm theo đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho. Tuy nhiên, do bệnh lây nhiễm qua dịch tiết mũi, nước bọt và tiếp xúc nên trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang người khoẻ mạnh.
Khi bị nhiễm cúm, người có sức đề kháng tốt cần nghỉ ngơi tốt trong vài ngày là khỏi bệnh, không ảnh hưởng quá lớn đến hệ hô hấp, sức khỏe cơ thể. Tuy nhiên, ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Dấu hiệu, triệu chứng cúm B
Một số triệu chứng cúm B điển hình được ghi nhận như sau:
Các triệu chứng về hô hấp không có các dấu hiệu điển hình của cúm mà thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thuộc đường hô hấp trên, có thể bao gồm:
- Ho, đau hoặc ngứa rát cổ họng
- Viêm họng
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi liên tục
Các triệu chứng toàn thân khi nhiễm cúm B thường khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, sốt cao có thể lên tới 41oC mà không hạ sốt được thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Các biểu hiện có thể xuất hiện khi nhiễm cúm B bao gồm:
- Sốt vừa đến sốt cao (trên 39oC)
- Ớn lạnh toàn thân
- Mệt mỏi, chân tay không có lực
- Hoa mắt, đau đầu
- Đau nhức cơ, đau khi vận động
Các triệu chứng về đường tiêu hoá khi nhiễm cúm B có thể gặp phải là tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Ngoài ra người mắc cúm B còn gặp những biểu hiện sau đây:
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng, tiêu chảy
- Chán ăn, khô miệng
Trẻ dưới 5 tuổi, khi trẻ bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao, có thể gây co giật rất nguy hiểm, tiêu chảy, nôn mửa nhiều gây mất nước, mệt lả. Với những người bị hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… thì các biểu hiện cúm B sẽ có khả năng nặng hơn, thậm chí gây ra một đợt cấp nghiêm trọng.
Mắc cúm B mấy ngày thì khỏi?
Sau thời gian ủ bệnh và khởi phát bệnh, người mắc cúm B sẽ cần 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền mạn tính…) dễ gặp các biến chứng khi bị cúm thì không nên chủ quan điều trị tại nhà, nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Phác đồ điều trị cúm B
Với bệnh do virus cúm B hay do virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể kết hợp với việc bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như:
- Uống thuốc hạ sốt giảm đau, hạ sốt không cần kê đơn: Ibuprofen (Advil) hoặc Acetaminophen (Tylenol), để làm giảm triệu chứng.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát.
- Uống nhiều nước, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.
- Tiêm vắc xin phòng cúm để bảo vệ cơ thể.
Bị cúm B nên uống thuốc gì?
Có thể điều trị cúm B với các thuốc hạ sốt giảm đau không cần kê đơn hoặc trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus để rút ngắn quá trình điều trị, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn và ngăn ngừa biến chứng bệnh.
Tuy nhiên các thuốc kháng virus không có khả năng tiêu diệt virus cúm và chỉ sử dụng trong vòng 48h kể từ khi xuất hiện triệu chứng thì mới phát huy tối đa hiệu quả. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt một số loại thuốc kháng virus phổ biến, được dùng trong điều trị cúm B, bao gồm Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab), Baloxavir Marbocyl (Xofluza).
Nếu điều trị cúm B bằng thuốc kháng virus có thể xuất hiện một số tác dụng phụ không mong muốn như: hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… những điều này sẽ được bác sĩ điều trị thông báo cho người bệnh trước khi tiến hành dùng thuốc.
Vắc xin phòng cúm B
Tiêm vắc xin phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm đạt tới 97%. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Vắc xin cúm có thể kết hợp từ 3 đến 4 chủng virus cúm, phòng các loại virus khác nhau (cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và 2 loại virus cúm B) rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa cùng lúc các chủng cúm.
- Vắc xin thế hệ mới cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra, tiêm phòng 1 liều duy nhất với hàm lượng 0.5ml có thể phòng ngừa cúm mùa do 4 chủng cúm phổ biến: hai chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và hai chủng cúm B (B/Yamagata, B/Victoria) cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
- Vắc xin tam liên Ivacflu-S, Influvac, GC Flu chứa 3 chủng, gồm 2 chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và 1 chủng cúm B (B/Yamagata hoặc B/Victoria). Liều dùng 1 – 2 mũi hàm lượng 0,25 – 0.5ml tuỳ theo độ tuổi và khoảng cách giữa các lần tiêm.
Hiện nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy loại vắc xin phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, đặc biệt là vắc xin cúm thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với hiệu quả phòng 4 chủng virus cúm được chứng minh tại hơn 100 quốc gia trên Thế Giới.
Cúm B là bệnh có thể phòng ngừa và chặn đứng hiệu quả bằng cách tiêm vắc xin. Hiện nay, các chuyên gia và nhiều tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên tiêm phòng vắc xin cúm phòng cúm hàng năm để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
FAQs
Q: Virus cúm B có nguy hiểm không?
A: Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng cũng làm tăng khả năng nhiễm cúm. Nên không được chủ quan với bệnh cúm B và cần lưu ý điều trị kịp thời.
Q: Mắc cúm B mấy ngày thì khỏi?
A: Sau thời gian ủ bệnh và khởi phát bệnh, người mắc cúm B sẽ cần 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao dễ gặp các biến chứng khi bị cúm nên không nên chủ quan và nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.