Sức hút của ngành học Công nghệ giáo dục

công nghệ giáo dục

Phóng viên Báo Đại biểu nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội – đơn vị tiên phong đào tạo Cử nhân Công nghệ giáo dục tại Việt Nam để có cái nhìn toàn diện về triển vọng của ngành học này.

Tiềm năng lớn của ngành Công nghệ giáo dục

  • Thưa PGS.TS Lê Hiếu Học. Ông có thể chia sẻ về ngành Công nghệ giáo dục: Sản phẩm của ngành này là gì và được sử dụng với những mục đích nào?

PGS.TS Lê Hiếu Học: Hoạt động cốt lõi trong giáo dục là dạy và học, được hình thành bởi 2 yếu tố: nội dung và phương pháp. Từ xưa đến nay, khi nói đến phương pháp trong giáo dục, chúng ta biết đến các công cụ, các trang thiết bị sử dụng trong dạy và học. Chúng ta thường thấy thầy cô giáo sử dụng bảng và phấn hay các trang thiết bị thí nghiệm,…

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, việc sử dụng, ứng dụng công nghệ trong đổi mới phương pháp dạy học bắt đầu được hình thành, với mong muốn làm sao truyền tải kiến thức, nội dung dạy học được hiệu quả hơn, gần gũi hơn, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học. Đó chính là lý do tại sao lĩnh vực Công nghệ giáo dục ra đời.

Trên thế giới, Công nghệ giáo dục đã được hình thành, phát triển từ rất lâu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công nghệ giáo dục cũng bắt đầu được đề cập và trao đổi nhiều hơn.

Nói ngắn gọn, Công nghệ giáo dục là việc chúng ta ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong giáo dục với mục tiêu nâng cao hiệu quả và tạo ra những điều kiện thuận lợi đối với người dạy và người học.

Bên cạnh đó, Công nghệ giáo dục còn góp phần hỗ trợ công việc, hoạt động quản lý của các cơ sở giáo dục cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Ngay cả đối với các doanh nghiệp, tổ chức, khi có các hoạt động đào tạo nội bộ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng ứng dụng Công nghệ giáo dục rất nhiều.

Một số sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ giáo dục như ứng dụng ELSA hoặc Duolingo để học ngoại ngữ, các nền tảng về quản lý hệ thống học tập như Canvas mà các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới sử dụng phổ biến, những nền tảng như Coursera hoặc là edX – nơi các khóa học của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới được đăng tải,…

Tại Việt Nam cũng có những sản phẩm Công nghệ giáo dục nổi tiếng. Ví dụ, phụ huynh hay học sinh có thể đã quen thuộc với những khóa học trực tuyến trên nền tảng của Học mãi, các sản phẩm để học sinh có thể luyện thi hoặc tham gia các kỳ thi như Violympic. Chúng ta cũng biết đến các nền tảng phục vụ cho các khóa học dành cho đối tượng là người lớn đi làm, ví dụ như nền tảng Edumall,…

  • Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục hiện ra sao, thưa ông?
xem thêm  Chút Tình Tri Âm: Xây dựng Văn hóa Công Giáo trong lòng Văn hóa Dân tộc

PGS.TS Lê Hiếu Học: Có rất nhiều vị trí việc mà sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục có thể hướng đến.

Ví dụ như làm BA (Business Analyst), tức chuyên viên phân tích nghiệp vụ, hay nói cách khác là làm vị trí cầu nối giữa khách hàng và những chuyên gia về công nghệ (người thiết kế và phát triển sản phẩm). Người BA sẽ truyền đạt thông tin, nhu cầu, mong muốn của khách hàng đến người thiết kế để làm sao hai bên hiểu rõ nhu cầu của nhau và làm ra sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng.

Vị trí thứ hai là xây dựng các hệ thống, học liệu số trên tất cả nền tảng từ video, thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường, các game sử dụng trong giáo dục, các hoạt động mô phỏng, các bài toán mô phỏng (mô phỏng trong kinh doanh hoặc trong các phòng thí nghiệm),…

Đơn cử, khi điều kiện đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho thí nghiệm có những khó khăn hoặc hạn chế nguồn lực mà không phải lúc nào cũng đầu tư được, chúng ta sẽ mô phỏng các bài thí nghiệm để giúp học sinh vẫn có được những trải nghiệm về mặt thực tế.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục cũng có thể đảm nhiệm những vị trí sản xuất các nội dung về giáo dục ở nhiều cơ quan (ví dụ như các đài phát thanh, truyền hình,…), trở thành chuyên gia đào tạo ở trong các bộ phận đào tạo của doanh nghiệp,…

Chương trình cử nhân Công nghệ giáo dục có tính liên ngành rất cao

  • Với nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ giáo dục ngày càng lớn, Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Viện Sư phạm Kỹ thuật nói riêng đã xây dựng hướng đào tạo như thế nào cho sinh viên đang theo học tại trường?

PGS.TS Lê Hiếu Học: Nhận thấy được nhu cầu về nguồn nhân lực đối với ngành Công nghệ giáo dục, bắt đầu từ năm 2019, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng và phát triển chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ giáo dục. Và năm 2023 cũng là năm lứa sinh viên đầu tiên của ngành này tốt nghiệp ra trường.

Chương trình cử nhân Công nghệ giáo dục là chương trình đào tạo có tính liên ngành rất cao, bao gồm các khối kiến thức về khoa học giáo dục, tâm lý học, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học quản lý.

Cụ thể, trong chương trình học dài 4 năm, bên cạnh khối kiến thức đại cương, sinh viên sẽ học các khối kiến thức liên quan đến cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Khối kiến thức cơ sở ngành gắn liền với kiến thức về khoa học giáo dục, tâm lý học và một phần về công nghệ thông tin. Khi bắt đầu vào chuyên ngành, sinh viên sẽ được lựa chọn một trong ba định hướng, gắn với vị trí việc làm sau này.

xem thêm  Công Giáo và Công Giáo ở Việt Nam: Một Tổ Chức Tôn Giáo Quan Trọng

Thứ nhất, nếu định hướng liên quan đến môi trường học tập giàu công nghệ, các bạn sẽ được hướng đến các vị trí việc làm như BA (phân tích nghiệp vụ), thiết kế hoặc quản trị các hệ thống quản lý học tập, phát triển thành những chuyên gia tư vấn, thực hiện hỗ trợ các giáo viên, giảng viên trong việc ứng dụng phương pháp dạy học theo STEAM hoặc STEM,…

Định hướng thứ hai là ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong giáo dục. Khi lựa chọn chỗ này, sinh viên sẽ học khối lượng kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông nhiều hơn. Các bạn sẽ hướng đến các vị trí như người thiết kế và phát triển các sản phẩm về công nghệ giáo dục (ví dụ như video số, thiết kế game hoặc các sản phẩm sử dụng trong thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường,…).

Nhóm định hướng thứ ba là định hướng công nghệ giáo dục. Nhóm này hướng đến đảm nhiệm các vị trí chuyên gia về đào tạo trong các doanh nghiệp, tức là người xây dựng các chương trình đào tạo hoặc xây dựng học liệu số cho khóa đào tạo nội bộ của doanh nghiệp, tổ chức.

Đồng thời, họ cũng có thể đảm nhiệm vị trí hỗ trợ, tư vấn cho các nhà quản lý trong các cơ sở giáo dục để sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin một cách tốt nhất, hiệu quả nhất khi vận hành hệ thống quản lý của nhà trường.

25% thời lượng học tập là tham gia các dự án gắn với doanh nghiệp

  • Học ngành Công nghệ giáo dục ở Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên sẽ có những kỹ năng, trải nghiệm nào? Những trải nghiệm đó giúp ích gì cho sinh viên bước chân vào môi trường lao động cạnh tranh ngoài thị trường?

PGS.TS Lê Hiếu Học: Định hướng chung tại Đại học Bách khoa Hà Nội là các chương trình đào tạo rất chú trọng hoạt động trải nghiệm thực tế.

Đối với chương trình Công nghệ giáo dục, bên cạnh các giờ học kiến thức, sinh viên sẽ có khoảng 30% thời lượng thực hành (làm các bài thí nghiệm, thực hành trong các phòng lab) và 25% thời lượng học tập là tham gia các dự án gắn với doanh nghiệp. Trong tất cả các học phần, các đồ án môn học hoặc đồ án tốt nghiệp, chúng tôi đều hướng các bạn phải thực hiện các đề án, dự án.

Thông thường, các dự án này là những vấn đề rất cụ thể của doanh nghiệp mà chúng tôi có liên hệ hợp tác, hoặc dự án gắn với các cơ sở giáo dục ở địa phương. Chúng tôi xây dựng đề bài cùng các địa phương hoặc doanh nghiệp, sau đó giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên thực hiện dự án của mình, ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tế.

Như vậy, sinh viên vừa được trải nghiệm, vừa được ứng dụng lý thuyết vào một vấn đề thực tế. Bên cạnh đó, các bạn có được cơ hội rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, báo cáo,…

xem thêm  15+ mẫu thiệp cưới Công giáo đẹp và sang trọng

Trong thời gian vừa qua, khi chúng tôi làm việc với doanh nghiệp, có những sản phẩm của sinh viên mặc dù chỉ là một đồ án, một dự án nhưng đã có thể “đóng gói” để các doanh nghiệp sử dụng được luôn.

Như vậy, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, các bạn có thể hòa nhập, hội nhập ngay được vào môi trường làm việc của doanh nghiệp. Đây là điều chúng tôi rất chú trọng, đặc biệt đối với sinh viên ngành Công nghệ giáo dục.

  • Được biết, Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Công nghệ giáo dục tại Việt Nam. PGS.TS Lê Hiếu Học có thể cho biết thêm những điểm khác biệt dành cho người học ngành này tại Đại học Bách khoa Hà Nội?

PGS.TS Lê Hiếu Học: Với việc ứng dụng công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, ngay từ năm 2012, Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu những dự án đầu tiên khi chúng tôi tham gia dự án Đại học ảo châu Á.

Từ đó đến nay, chúng tôi cũng xây dựng rất nhiều khóa học liệu, triển khai các khóa học kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp. Chúng tôi đã có gần 100 khóa học như vậy với lượng lớp học lên đến gần 1.000 lớp.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang chủ trì xây dựng các khóa học liệu số cho khối trường đại học kỹ thuật. Điều này sẽ tạo cơ hội cho chính sinh viên ngành Công nghệ giáo dục.

Bên cạnh việc tham gia các dự án trải nghiệm tại doanh nghiệp, các bạn cũng được tham gia chính các dự án về đổi mới phương pháp dạy học hoặc xây dựng học liệu số của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là điểm khác biệt và là cơ hội rất lớn đối với sinh viên Công nghệ giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, rất mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và truyền thông. Trong chương trình đào tạo của chúng tôi, khối lượng kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông hiện do các giảng viên ở các Viện, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Điện – Điện tử cùng đảm nhận.

-Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Hiếu Học!