06 điều cần biết về công cụ chuyển nhượng (Hình từ Internet)
1. Công cụ chuyển nhượng là gì?
Khoản 1 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về công cụ chuyển nhượng như sau:
Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.
2. Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại lệ
Tại Điều 9 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ như sau:
– Công cụ chuyển nhượng được ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
– Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 được thanh toán bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
– Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ nhưng người thụ hưởng cuối cùng là người không được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối thì số tiền trên công cụ chuyển nhượng được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán hoặc theo tỷ giá kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thực hiện việc thanh toán công bố tại thời điểm thanh toán, trong trường hợp ngân hàng thực hiện việc thanh toán.
3. Ngôn ngữ trên công cụ chuyển nhượng
Tại Điều 10 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về ngôn ngữ trên công cụ chuyển nhượng như sau:
Công cụ chuyển nhượng phải được lập bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài thì công cụ chuyển nhượng có thể được lập bằng tiếng nước ngoài theo thoả thuận của các bên.
4. Mất công cụ chuyển nhượng
Tại Điều 13 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về mất công cụ chuyển nhượng như sau:
– Khi công cụ chuyển nhượng bị mất, người thụ hưởng phải thông báo ngay bằng văn bản cho người bị ký phát, người ký phát hoặc người phát hành.
Người thụ hưởng phải thông báo rõ trường hợp bị mất công cụ chuyển nhượng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của việc thông báo. Người thụ hưởng có thể thông báo về việc mất công cụ chuyển nhượng bằng điện thoại và các hình thức trực tiếp khác nếu các bên có thoả thuận.
Trường hợp người bị mất công cụ chuyển nhượng không phải là người thụ hưởng thì phải thông báo ngay cho người thụ hưởng.
– Trường hợp công cụ chuyển nhượng bị mất chưa đến hạn thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người phát hành, người ký phát phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung với công cụ chuyển nhượng bị mất để thay thế sau khi người thụ hưởng đã thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất và có văn bản cam kết sẽ trả thay cho người bị ký phát hoặc người phát hành nếu công cụ chuyển nhượng đã được thông báo bị mất lại được người thụ hưởng hợp pháp xuất trình để yêu cầu thanh toán.
– Khi đã nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 thì người phát hành và người bị ký phát không được thanh toán công cụ chuyển nhượng đó. Việc kiểm tra, kiểm soát công cụ chuyển nhượng được thông báo bị mất thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Trường hợp công cụ chuyển nhượng mất đã bị lợi dụng thanh toán trước khi người bị ký phát, người phát hành nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất thì người bị ký phát, người phát hành được miễn trách nhiệm nếu đã thực hiện đúng việc kiểm tra, kiểm soát của mình và thanh toán công cụ chuyển nhượng theo các quy định của Luật này.
– Người bị ký phát, người phát hành có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng nếu thanh toán công cụ chuyển nhượng sau khi đã nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất.
5. Hư hỏng công cụ chuyển nhượng
Tại Điều 14 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về việc hư hỏng công cụ chuyển nhượng như sau:
– Khi công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng, người thụ hưởng được quyền yêu cầu người ký phát hoặc người phát hành phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung để thay thế.
– Người ký phát, người phát hành có nghĩa vụ phát hành lại công cụ chuyển nhượng, sau khi nhận được công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng nếu công cụ chuyển nhượng này chưa đến hạn thanh toán và còn đủ thông tin hoặc có bằng chứng xác định người có công cụ bị hư hỏng là người thụ hưởng hợp pháp công cụ chuyển nhượng.
6. Các hành vi bị cấm trong công cụ chuyển nhượng
Tại Điều 15 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định các hành vi bị cấm như sau:
– Làm giả công cụ chuyển nhượng, sửa chữa hoặc tẩy xóa các yếu tố trên công cụ chuyển nhượng.
– Cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc xuất trình để thanh toán công cụ chuyển nhượng bị làm giả, bị sửa chữa, bị tẩy xóa.
– Ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền hoặc giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng.
– Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất.
– Cố ý phát hành công cụ chuyển nhượng khi không đủ khả năng thanh toán.
– Cố ý phát hành séc sau khi bị đình chỉ quyền phát hành séc.
Ngọc Nhi
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY