Đối với người Việt bình thường mà nói, các danh xưng Cơ Đốc giáo, Kitô giáo, Công giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành luôn khiến chúng ta bối rối và nhầm lẫn, bởi vì các tôn giáo phương Tây truyền vào Việt Nam ở các thời kỳ khác nhau, qua các con đường khác nhau, và được phiên dịch khác nhau. Thế nên, muốn hiểu rõ những danh xưng các tôn giáo có nguồn gốc phương Tây này thì trước tiên cần tìm hiểu về nguồn gốc của các tôn giáo đó.
Các tôn giáo chính ở phương Tây chủ yếu là các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (Áp-ra-ham), cũng gọi là các tôn giáo độc Thần hay đơn Thần – tin vào sự tồn tại của một Đấng Tối cao duy nhất, chủ yếu bao gồm Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.
Nguồn gốc của Do Thái giáo
Ở một mức độ nào đó, các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham đều có nguồn gốc từ Do Thái giáo – đã có chiều dài lịch sử hơn 3.000 năm, xuất hiện vào thời đồ đồng trước Công nguyên ở vùng Trung Đông và được xem là tôn giáo đơn Thần đầu tiên.
Theo người Do Thái, Do Thái giáo là mối giao ước giữa Đức Chúa Trời Giê-hô-va và ông Abraham – người được chọn làm tổ phụ của người Israel cổ đại, mà sau này là người Do Thái.
Lịch sử Do Thái giáo không thể tách rời lịch sử của chính người Do Thái. Sự ra đời của người Do Thái và sự khởi đầu của Do Thái giáo được kể trong 5 cuốn sách đầu tiên của Hebrew Bible (Kinh Thánh tiếng Do Thái), hay còn được gọi là Kinh Cựu Ước.
Nguồn gốc của Kitô giáo
Đến thời Chúa Giêsu, sau khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, Kitô giáo mới ra đời vào thế kỷ thứ nhất và được tính là khởi đầu của Công nguyên.
Các tín đồ của Kitô giáo được gọi là Kitô hữu. Họ tin rằng Chúa Giêsu là con của Thiên Chúa Giê-hô-va; và những Kitô hữu đầu tiên, như được kể lại trong sách “Công vụ Tông Đồ” (hay “Công vụ Các Sứ Đồ”), đều là người Do Thái đã chuyển đổi đức tin, cho nên Do Thái giáo cũng được coi như tôn giáo mẹ đẻ của Kitô giáo.
Vào thế kỷ I, cùng với việc Jerusalem bị chiếm đóng, trung tâm của giáo hội dần dần chuyển sang Roma (hay Rome), thủ đô của Đế chế La Mã. Từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ IV sau Công nguyên, các hoàng đế của Đế chế La Mã đã nhiều lần đàn áp các Kitô hữu. Cho đến khi Constantine Đại Đế cải đạo sang Kitô giáo vào năm 313, sau nhiều tranh chấp tôn giáo, Hoàng đế La Mã Theodosius I đã ban hành sắc lệnh vào năm 380, tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo. Đến thế kỷ V, sau khi Đế quốc La Mã bị chia cắt làm đôi, Kitô giáo cũng dần bị phân làm hai nhánh (nội dung này sẽ được nói rõ hơn ở phần dưới).
Kinh Cựu Ước và Tân Ước
Kinh Thánh của Kitô giáo bao gồm phần đầu – Cựu Ước (giao ước cũ) – được tuyển chọn phần lớn từ cuốn Hebrew Bible của Do Thái giáo, và phần cuối – Tân Ước (giao ước mới).
Các Kitô hữu khi đó tin rằng Tân Ước là giao ước mới giữa Đức Chúa Trời Giê-hô-va và người Israel cổ sau khi Chúa Giêsu đến thế gian, là sự thay thế cho giao ước cũ. Tuy nhiên, Do Thái giáo không có cùng quan điểm này nên cộng đồng Do Thái nói chung không dùng cụm Kinh Cựu Ước, mà họ gọi Hebrew Bible là Kinh Tanakh – là từ viết tắt của các chữ cái đầu trong 3 phần của Kinh Thánh Hebrew gồm Torah, Nevi’im và Ketuvim.
Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái hoặc đôi khi bằng tiếng Aram vào trước thời điểm Chúa Giêsu ra đời; còn Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp bởi nhiều tác giả trong khoảng từ sau năm 45 Công nguyên tới trước năm 140 Công nguyên.
Kitô giáo và Cơ Đốc giáo là một. Nó bắt nguồn từ tên gọi và danh hiệu của Chúa Giêsu Kitô trong các ngôn ngữ khác nhau.
Tên gọi Giêsu trong tiếng Do Thái nguyên là Yehoshua, sau này rút gọn là Yeshua, nghĩa là “Yahweh is lordly” (“Đức Giê-hô-va là Đấng cao quý” hoặc “Đức Giê-hô-va là Đấng cứu rỗi”).
Kitô không phải là họ của Chúa Giêsu, đó là danh hiệu mà các tín đồ thường gọi Ngài. Chữ Kitô này bắt nguồn từ chữ Χριστός (Khristós) trong tiếng Hy Lạp, được dịch từ chữ Mashiakh trong tiếng Do Thái, nó có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, và thường được chuyển ngữ sang tiếng Anh là Messiah (Đấng Cứu thế). Bởi họ tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Messiah được tiên tri trong Kinh Cựu Ước. Dần dần, danh xưng Kitô cũng được coi như một cái tên và trở thành một phần trong tên của Chúa – “Giêsu Kitô”.
Trong tiếng Anh, tên của Ngài là Jesus Christ. Các môn đồ của Ngài được gọi là Christian, tức là người đi theo Christ, từ này đã được sử dụng từ thế kỷ thứ nhất.
Hai chữ “Giêsu” và “Kitô” được phiên âm từ các chữ “Yeshua” và “Khristós”, còn theo âm Hán Việt thì là Gia-tô Cơ-đốc. Vậy nên hai cách gọi Cơ Đốc giáo và Kitô giáo được dùng song song (bài viết này thống nhất dùng cụm ‘Kitô giáo’). Theo đó, ngoài Kitô hữu, các tín đồ của Kitô giáo còn được gọi là Cơ Đốc nhân.
Trải qua nhiều thế kỷ, Kitô giáo đã tự chia cắt thành nhiều giáo hội và giáo phái khác nhau do bất đồng về Thần học và giáo hội học. Quá trình này thường được biết đến với cụm từ “ly giáo” (ly khai, tách rời giáo hội).
Hiện nay, về cơ bản Kitô giáo (Cơ Đốc giáo) có 3 nhánh chính là Công giáo Roma, Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành.
Sau khi Đế quốc La Mã lấy Cơ Đốc giáo (Kito giáo) làm quốc giáo, thì Cơ Đốc giáo phổ biến hầu hết khắp châu Âu. Thế nên Cơ Đốc giáo cũng được gọi là Công giáo, trong đó Giáo hội Công giáo La Mã là giáo hội đứng đầu Công giáo.
Trong tiếng Anh, Giáo hội Công giáo là Catholic Church, tín đồ Công giáo được gọi là Catholic. Thuật ngữ Catholic bắt nguồn từ chữ καθολικός (katholikos) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “phổ quát”, “chung”. Lần đầu tiên nó được sử dụng để mô tả về Giáo hội là vào những năm đầu Thế kỷ thứ II. Khi dịch sang tiếng Việt là “Công giáo”. Như vậy tên gọi Giáo hội Công giáo có nghĩa là “Giáo hội phổ quát”.
Cuộc ly giáo đầu tiên vào thế kỷ V
Sau khi Đế quốc La Mã (Roma) bị chia cắt thành hai phần là Đế quốc Đông La Mã và Đế quốc Tây La Mã, địa vị của Giám mục thành Rome tiếp tục được củng cố ở Đế quốc Tây La Mã; còn ở Đế quốc Đông La Mã, địa vị của Giám mục thành Constantinople cũng dần tăng lên.
Khi này, cả hai giám mục có địa vị ngang nhau. Cả hai bên vẫn được tính là cùng một giáo hội, nhưng đã tồn tại một số khác biệt về giáo lý và truyền giáo giữa Đông phương Constantinople và Tây phương Roma. Đặc biệt là khi Giáo hoàng Roma thay đổi một điểm trong giáo lý, sửa “Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha” thành “Chúa Thánh Thần cùng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”.
Từ thế kỷ IX trở đi, tranh chấp giữa hai bên ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc Đại ly giáo vào thế kỷ XI.
Cuộc Đại ly giáo vào thế kỷ XI (năm 1054)
Đại Ly giáo hay Ly giáo Đông – Tây là sự kiện chia rẽ Kitô giáo xảy ra vào thời Trung Cổ. Kết quả là hình thành nên hai hệ phái Kitô giáo gồm: Đông phương (theo văn hóa Hy Lạp với trung tâm là Constantinopolis – nay là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) và Tây phương (theo văn hóa Latinh với trung tâm là Roma).
Thuật ngữ “Đông phương” và “Tây phương” này không hàm ý chỉ châu Á hay châu Âu mà là chỉ khu vực lãnh thổ của các giáo hội trong lịch sử và văn hóa, sau này tương ứng là Chính thống giáo Đông phương và Công giáo Roma.
Thượng phụ và Giáo hoàng
Người đứng đầu giáo hội ở Đông phương, với trung tâm đặt tại Constantinopolis, được gọi là Thượng phụ Constantinopolis; tương ứng ở Tây phương – Roma, người đứng đầu được gọi là Giáo hoàng Roma.
Quan hệ Đông – Tây bị chia rẽ bởi các yếu tố Thần học, cách tổ chức, nghi thức và những học thuyết; nổi bật nhất là sự phản đối của Chính thống giáo Đông phương đối với uy quyền tối cao của Giáo hoàng, họ coi giáo hội của mình mới là giáo hội “chính thống” được kế thừa nguyên thủy từ Chúa Giêsu, vậy nên mới xuất hiện danh xưng “Chính thống giáo Đông phương”.
Còn các tín hữu của Công giáo Roma tự nhận rằng, Giáo hội Công giáo Roma mới là giáo hội duy nhất do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập dựa trên các tông đồ của Ngài. Họ tin rằng Thánh Peter – tông đồ trưởng của Chúa Giêsu – đã nhận được sự ủy thác của Chúa để thành lập giáo hội và trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên, và các giám mục của giáo hội là những người kế vị các tông đồ khác.
Thiên Chúa giáo là gì?
Giáo hội Công giáo, còn được gọi là Giáo hội Công giáo Roma, là giáo hội Kitô giáo hiệp thông hoàn toàn với Giáo hoàng, tức là hoàn toàn nằm dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng. Giáo hoàng hiện nay là ông Francis (Phanxicô).
Giáo hoàng là Giám mục của Giáo phận Roma, là người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Ông được các tín hữu coi là đại diện cao nhất của Thiên Chúa ở trần gian, người có quyền uy, ảnh hưởng lớn nhất trong Giáo hội Công giáo trên toàn cầu. Chỉ có duy nhất Giáo hoàng mới có quyền bổ nhiệm các giám mục ở mọi giáo phận trên thế giới.
Từ “Giáo hoàng” có nghĩa đen là “hoàng đế của giáo hội”, từ này trong tiếng Việt không được dịch sát từ chữ gốc trong tiếng Hy Lạp mà là từ chữ Hán.
Ngày nay, ngoài việc có thẩm quyền chính thức trong các vấn đề tôn giáo, Giáo hoàng còn là người lãnh đạo Thành Quốc Vatican – một quốc gia có chủ quyền với tổng diện tích lãnh thổ nhỏ nhất thế giới, nằm trọn trong thủ đô Roma của nước Ý.
Khi các nhà truyền giáo của Giáo hội Công giáo tới Trung Quốc, họ đã phiên dịch “Giáo hội Công giáo” thành “Giáo hội Thiên Chúa”, đây là danh xưng chính thức của Giáo hội Công giáo trong tiếng Trung, sau đó được dịch âm Hán Việt. Từ đó xuất hiện thêm tên gọi Thiên Chúa giáo. Vậy Công giáo và Thiên Chúa giáo cũng là một, chỉ là tên gọi khác nhau trong quá trình dịch từ các ngôn ngữ khác nhau.
Chính thống giáo Đông phương là nhánh Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới, sau Giáo hội Công giáo Roma.
Nếu người đứng đầu bên Công giáo Roma được coi là người kế thừa của Thánh Peter – Tông đồ trưởng của Chúa Giêsu, thì ở bên Chính thống giáo, Thượng phụ Constantinopolis được xem là người thừa kế của tông đồ Thánh Andrew.
Thánh Andrew cũng giống như Thánh Peter, đều là một trong Mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Theo Tân Ước, Thánh Andrew là người anh ruột của Thánh Peter.
Các tín hữu của Chính thống giáo vẫn xem giáo hội của mình là trung thành nhất với các giá trị Thần học bắt nguồn từ thời Kitô giáo sơ khai. Chính thống giáo xem Chúa Giêsu là đầu của Hội thánh và Hội thánh là thân thể của Ngài.
Cấu trúc của Chính thống giáo gồm các giáo phận độc lập nhưng hiệp thông với nhau do có chung một nền Thần học. Mỗi giáo phận lại do một Giám mục cai quản, các Giám mục có thẩm quyền ngang nhau nhưng không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thượng phụ là người đứng đầu các Giám mục, nhưng không được xem là đầu của Hội thánh hoặc giáo chủ.
Cuộc Cải cách Kháng nghị (còn gọi là Kháng Cách) là cuộc cải cách Giáo hội Công giáo Roma được khởi xướng bởi tu sĩ, nhà thần học người Đức Martin Luther hồi thế kỷ XVI.
Theo ông Luther, con người chỉ có thể được cứu rỗi bởi sự ăn năn thật sự và bởi đức tin tiếp nhận Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà không cần vai trò trung gian của giáo hội.
Lần đầu tiên ông công khai thách thức quyền lực của Giáo hoàng là vào năm 1517, về việc bán phép xá tội (indulgence). Câu hỏi được đặt ra là liệu Giáo hoàng, hoặc bất kỳ ai khác ngoài Chúa Giêsu, có quyền lực hoặc thẩm quyền để xá tội cho những người đang ở trong Luyện ngục hay không?
Trong niềm tin của Kitô giáo, Luyện ngục (ngục luyện tội) là một cõi tạm, là nơi thanh tẩy cho những ai chết trong sự ân sủng và tình thân của Thiên Chúa nhưng vẫn chưa đủ hoàn hảo để được lên Thiên đàng.
Luther căm ghét việc bán phép xá tội, ông tin rằng phép xá tội chỉ toàn làm đầy túi cho các chức sắc giáo hội chứ chẳng có ích lợi gì cho việc cứu rỗi linh hồn. Ông cũng tin rằng việc mua bán phép xá tội sẽ khuyến khích phạm tội nhiều hơn vì khiến người ta tin rằng có thể dùng tiền để mua được sự xá tội.
Khi ấy, nhiều người ở châu Âu cũng bất bình về những giáo lý mà họ cho là giả mạo và những thứ bị lạm dụng trong giáo hội, nhất là việc mua bán phép xá tội. Một hiện tượng khác gây bất mãn không kém là việc buôn bán chức thánh, cũng như tình trạng thối nát trong giáo triều Công giáo Roma. Đối với nhiều người, sự băng hoại này mang tính hệ thống, ngay cả ở vị trí Giáo hoàng.
Trong cuộc tranh luận năm 1519, tu sĩ Martin Luther đã bác bỏ quyền lực tối thượng của ngai Giáo hoàng, cho rằng “quyền cầm giữ chìa khóa của nước Trời” là được ban cho toàn thể Hội thánh – tức tất cả tín hữu; ông cũng khẳng định rằng Giáo hội Roma không giữ vai trò ưu việt nào trong sự cứu rỗi.
Trong khi đó tại châu Âu, nhiều người có quan điểm tương tự như của Luther cũng bắt đầu tách khỏi Công giáo và thành lập các giáo phái khác nhau. Họ được gọi dưới tên chung là Kháng Cách, hay Tân giáo (để phân biệt với Cựu giáo là Công giáo Roma).
Còn tên gọi Tin Lành (tiếng Anh: Evangelical) bắt nguồn từ chữ Euangelion trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là tin tốt lành (good news) hay phúc âm (gospel). Từ này trong tiếng Đức là Evangelisch và được sử