Xông hương trong phụng vụ

bình xông hương công giáo
bình xông hương công giáo

Xông hương là một đề tài được bàn cãi khá nhiều. Liên quan đến việc sử dụng hương lửa trong phụng vụ, nhiều người thường có những thắc mắc sau:

– Tại sao lại xông hương?

– Dâng hương có ý nghĩa gì?

– Có phải chỉ một số thánh lễ mới sử dụng hương?

– Xông hương vào thời điểm nào trong thánh lễ?

– Có xông hương khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh trọng thể không?

– Cách xông hương ra sao cho chuẩn xác?

– Thể thức xông hương có thống nhất trong Hội Thánh Rôma không?

– Có thể vái nhang thay cho xông hương được không và phải vái nhang như thế nào?

Để giải đáp các các câu hỏi trên, bài viết này trước hết sẽ rảo qua vài nét về việc sử dụng hương trầm trong thế giới Kitô giáo và ngoài Kitô giáo qua dòng lịch sử; tiếp đến trình bày ý nghĩa thần học của dâng hương; và cuối cùng chỉ ra những thực hành chuẩn mực cụ thể theo hướng dẫn của Hội Thánh hoàn vũ và của Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay để từ đó có thể tránh được một số những thiếu sót và nhầm lẫn khi thực hành dâng hương trong phụng vụ.

SỬ DỤNG HƯƠNG TRẦM

Hương liệu là một nhu cầu rất lớn của dân chúng thời cổ với các hương liệu chính để chế ra nó là từ gỗ bách, thông hương, liễu bách, nhựa trầm hương…Hương thường được sử dụng trong sinh hoạt trần thế (2V 20,23), nhất là khi đón khách đến trọ (Am 6,6; Lc 7,46) hay khi trang điểm (Et 2,12) .

Phần đông các tôn giáo đều dùng hương nhằm mục đích trước hết là xua trừ ma quỷ. Sử gia người Hy Lạp, ông Herodotus, đã cho biết: hương rất phổ biến nơi người Assyri, Babylon và Ai Cập. Tại Roma, dân ngoại sử dụng hương nhằm 3 mục đích sau: thứ nhất, xua tan những mùi khó chịu khi đem xác người chết ra ngoài thành phố để chôn cất; thứ hai, làm dấu hiệu tôn kính một nghị sĩ khi ông di chuyển trên đường phố; thứ ba, làm hy tế dâng lên một hay nhiều vị thần linh trong đó có cả hoàng đế.[1]

Việc sử dụng hương là một thực hành lan rộng trong phụng thờ tôn giáo của người Do Thái như được tìm thấy trong Kinh Thánh Hipri, đặc biệt là trong các sách Xuất hành, Lê vi và Dân số. Đối với người Do Thái, hương nằm trong số những của lễ tạ ơn như dầu, hoa trái và rượu (x. Ds 1,13-17) để dâng lên Đức Chúa. Chính Đức Chúa đã truyền cho ông Môsê mỗi sáng và chiều phải dâng hương trên hương án trong Lều Hội Ngộ – nơi Hòm Bia Giao Ước được cất giữ: “Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo. Hương án đó sẽ dài nửa thước, rộng nửa thước – nghĩa là hình vuông – và cao một thước; các góc hình sừng làm thành một khối với hương án… Trên đó, Aharon sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc Aharon thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Ðức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30,7-8; x. 1V 6,19-22; Lc 9,1-11). Chính khi hoàn tất nghi lễ này mà ông Dacaria đón tiếp thiên thần Gabrien đến loan báo sự ra đời của Gioan Tẩy giả (x. Lc 1,8-23). Tại đền thờ Giêrusalem, ngay từ đầu, Salomon đã tiến hương trong ba đại lễ hằng năm (1V 9,25). Vào ngày trọng đại của Lễ xá tội (Yom Kippur), vị thượng tế sẽ vén tấm màn ngăn và đi vào nơi cực thánh của đền thờ trong đó có đặt Hòm Bia Giao Ước (x. Lv 16, 12-13), với than nóng và hương trầm, ông dâng hương trên Hòm Bia Giao Ước – trên đó được coi là nơi Đức Chúa cư ngụ. Lúc bấy giờ, khói hương dày đặc và hương thơm tỏa lan khắp nơi cực thánh (x. Lv 16,12-13). Dân Israel coi hương thơm như là một biểu tượng rõ ràng của lời nguyện mà toàn thể dân thánh bày tỏ đang bay lên tận thiên nhan Chúa như tác giả Thánh vịnh diễn tả: “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan” (Tv 140,2). Trong đền thờ thiên quốc, thánh Gioan cũng tả lại cho chúng ta cùng một nghi lễ dâng hương (x. Kh 8,3-5): bình hương thiên thần cầm là một cái chậu dùng để đưa than hồng từ bàn thờ này đến bàn thờ khác. Ở một thị kiến khác, cũng trong sách Khải Huyền, hai mươi bốn vị kỳ mục phủ phục trước mặt Con Chiên, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của Dân Thánh (x. Kh 5,8).[2]

Giữa phụng vụ Israel và phụng vụ thiên quốc, Hội Thánh trên trần gian dâng lên Thiên Chúa hương trầm để bày tỏ lòng tôn kính và kinh nguyện của mình như các đạo sĩ đã mang hương và nhựa trám hương làm lễ vật dâng tiến Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,11). Chúa Kitô, vì yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Chúa Cha tựa hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2). Đối với toàn thể tín hữu, họ được mời gọi toả lan khắp nơi hương thơm của Chúa Kitô (2Cr 2,14-16).[3]

Mặc dầu hương đã được sử dụng nơi các dân ngoại và trong truyền thống Thánh Kinh như vậy, nhưng 3 thế kỷ đầu, hương không thuộc về phụng tự Kitô giáo vì những lý do sau: i] Hội Thánh cho rằng đốt hương là một tập quán mê tín trong nghi thức ngoại giáo thời bấy giờ; ii] Đốt hương là dấu hiệu của bội giáo và liên kết với sự phụng thờ hoàng đế; iii] Đốt hương là dấu chỉ quay mặt khỏi Đức Kitô và lạc xa đức tin chân chính. Bởi quan niệm này mà các giáo phụ như Justinô và Athenagoras đã tỏ rõ lập trường của các ngài khi chống lại việc tiến dâng lễ vật có máu cũng như nghi lễ dâng hương; còn thánh Cyprianô đã mỉa mai những kẻ bỏ đạo là “turificati”: nghĩa là bọn đốt hương. Phải đợi một thời gian khá lâu, Hội Thánh bên Tây phương mới cho phép dùng hương trong phụng vụ.[4]

Trái lại, trong Hội Thánh bên Đông Phương, người ta không bị tư tưởng đó gây trở ngại. Do vậy, như cuốn Nhật Ký Hành Hương của Egeria mô tả, tại Giêrusalem, vào cuối thế kỷ IV, trong khi cử hành nghi thức vọng lễ Chúa nhật tại mộ của Đức Giêsu, thửa tác viên đã đưa nhiều bình đựng hương thơm (lư hương) vào lúc sắp sửa công bố Tin Mừng Phục Sinh;[5] Cũng theo cuốn Nhật Ký Hành Hương này, mỗi khi cộng đoàn ở đây “hát 3 Thánh vịnh thì 3 lần người ta dùng bình hương xông bên trong Mộ Thánh làm cho toàn bộ vương cung thánh đường Mộ Thánh tràn đầy hương thơm.[6] Việc xông hương trọng thể nơi Đức Kitô được an táng và phục sinh tiếp tục được duy trì và về sau được ghi vào sách Nghi lễ Giám mục. Tập tục xông hương nơi Mộ Thánh gợi lại hình ảnh mấy phụ nữ mang dầu thơm đến để ướp xác Chúa nhưng rồi họ lại được thiên thần báo cho hay Chúa đã phục sinh vinh quang (x. Mc 1,6). Tại Syria, vào thế kỷ VI, Pseudo-Denys làm chứng rằng người ta đã xông hương trong phụng tự và hương thơm ngọt ngào tỏa lan khắp phòng. Từ đó việc xông hương này lan rộng sang các nơi khác.[7]

Tại Roma, sau thời kỳ bị bách hại (thế kỷ IV), người ta sử dụng hương nhằm hai mục đích: thứ nhất, lấp đầy không gian bằng hương thơm dễ chịu như bên dân sự vẫn làm; thứ hai, cho cuộc rước lễ tang cũng như trong nghi thức chôn táng theo tập quán cổ truyền được Hội Thánh chấp nhận (năm 311). Sau đó, trong nghi điển phụng vụ của thánh Giacôbê và Maccô, hương đã được sử dụng – như hình thức hiện nay của chúng – khởi nguồn từ thế kỷ V. Người ta cũng đã dùng hương trong các đền thờ bằng những bình hương cố định, như tập tục của Hội Thánh Lyon hiện nay, với hai mục đích: thanh tẩy không khí và tỏ lòng cung kính nơi thờ tự.

Sau này, thánh Tôma Aquinô giải thích hai mục đích ấy của hương thơm được sử dụng trong phụng vụ Thánh Thể như sau:

Chúng ta sử dụng hương cũng như đạo Do Thái, nhưng không phải bởi vì tuân thủ luật Do Thái nhưng để tuân hành luật Hội Thánh. Có hai ý nghĩa chính: thứ nhất, để tỏ lòng tôn kính bí tích này, nghĩa là đánh tan những mùi hôi từ thân xác con người; thứ hai, để tượng trưng cho những hiệu quả của ơn thánh được ví như mùi thơm nhân đức. Tiên vàn mùi thơm lan tỏa từ Đức Kitô, rồi từ đó tràn lan lên các thừa tác viên của Ngài và trên các tín hữu. Vì vậy, trong phụng vụ, chúng ta xông hương bàn thờ tượng trưng cho Đức Kitô, rồi đến các giáo sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.[8]

Có những nơi, người ta treo bình hương trước xương thánh hay ảnh tượng thánh.

Trong một tài liệu Ái Nhĩ Lan hồi thế kỷ VI, kinh Chiều được gọi bằng một số tên khác nữa: i] “hora duodecima” (giờ VI) vì Giờ kinh thường cử hành lúc 6 giờ chiều; ii] “ad cereum benedicendum” vì nhắc chúng ta đến nghi lễ ánh sáng của Giờ kinh này là một biểu tượng và được cử hành rất trọng thể; iii] “hora incense” (giờ xông hương) vì người ta có tập tục đốt hương vào Giờ kinh này đồng thời với việc đốt nến.[9]

xem thêm  Giáo án Công nghệ 8 Chân trời sáng tạo

Khoảng thế kỷ VII – VIII, nghi thức Roma đánh dấu việc sử dụng hương trong đoàn rước đức giám mục tiến đến bàn thờ và vào thứ Sáu Tuần Thánh: các lịch Roma ghi rõ rằng khi đi rước đức giáo hoàng và giám mục, cũng như khi rước Sách Tin Mừng, phải có đoàn tùy tùng mang 7 chân nến, và thầy phụ phó tế cầm bình hương với khói hương nghi ngút đi trước như nghi lễ của triều đình Roma – Byzantine.[10]

Trong cuốn Ordo V, vào giữa thế kỷ X, tại các miền thuộc sông Rhin, “Sách Nghi Thức Gelasian” (Sacramentarium Gelasianum) đã nói tới việc sử dụng bình hương và nghi thức xông hương lúc dâng lễ vật, như trong nghi thức cung hiến thánh đường. Đến thế kỷ XI, nghi thức xông hương đã phát triển đến mức đầy đủ với cả lời nguyện và việc xông hương những gì gần bàn thờ. Xông hương bắt đầu lan từ vùng nói tiếng Đức sang vùng nói tiếng Ý và chỉ tới thế kỷ XII, Roma mới chấp nhận chính thức xông hương trong phụng vụ.[11]

Vào khoảng năm 1350, chữ đỏ về cách thức xông hương đã được minh định. Tuy nhiên, các giao thức chi tiết hơn và sự tiêu chuẩn hóa của việc thực hành lại là sản phẩm của nhiều thời đại sau đó.[12]

Ý NGHĨA

Ý nghĩa của dâng hương có thể tìm thấy trong các Thánh vịnh. Chẳng hạn, Thánh vịnh 141 sánh ví việc sử dụng hương trước của lễ hiến dâng là để tiếp nhận sự chở che và phúc lành của Thiên Chúa. Đến thời Trung cổ, người ta nêu ra 3 ý nghĩa chính của việc dâng hương: Thứ nhất, nhằm tôn vinh đối tượng được dâng hương (nhân vật, nơi chốn và đồ vật); Thứ hai, hương trầm như của lễ hiến dâng để làm nguôi cơn giận hầu cầu xin ơn tha thứ và thống hối; Thứ ba, sử dụng hương được hiểu như một hình thức trừ quỷ.[13]

Ngày nay, chúng ta có thể tóm lược ý nghĩa thần học của việc dâng hương như sau:

1] Trước hết, xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện nồng nàn, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).[14] Mùi thơm êm dịu của trầm hương và làn khói toả lan khi xông hương làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí và sự siêu việt liên kết giữa trời với đất của mầu nhiệm thánh đang cử hành trước nhan Chúa cũng như nhắc nhớ chúng ta là dân thánh của Ngài (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô ma [2002] = QCSL, số 276).[15] Theo ý nghĩa này:

– Xông hương Thánh Thể trong giờ chầu Mình Thánh Chúa với Hào quang Thánh Thể hay xông hương sau khi truyền phép là việc thờ phượng trực tiếp đối với Chúa Giêsu đang hiện diện trong phép Thánh Thể. Còn khi xông hương bàn thờ, thánh giá, nến phục sinh [trước khi hát Exultet], Sách Phúc Âm (tượng trưng cho Chúa Kitô), chúng ta có ý thờ phượng Chúa cách gián tiếp qua các vật biểu thị Chúa. Khi xông hương thi hài người tín hữu quá cố trong nghi lễ an táng, chúng ta kính Chúa Thánh Thần ngự trong họ [vì tín hữu là đền thờ của Ngài từ khi chịu phép Thánh tẩy] (1Cr 6,9) và như một dấu chỉ nói lên kinh nguyện của các tín hữu đang “bay lên” với Chúa để cầu cho người quá cố được trỗi dậy mà về với Chúa;[16]

– Lời nguyện của dân chúng trong cử hành phụng vụ như hương trầm bay lên ngai Thiên Chúa, sẽ làm đẹp lòng Ngài và xin Ngài đoái thương chấp nhận.

2] Thứ hai, xông hương là biểu tượng của lễ tế. Theo ý nghĩa này, hương được đốt trên bàn thờ trong nghi thức cung hiến bàn thờ (Sách Lễ nghi Giám mục = LNGM, số 905) bằng cách đem đặt một hỏa lò trên bàn thờ để đốt hương hoặc chất thơm ám chỉ hy tế của Đức Kitô như trầm hương ngào ngạt bay lên trước nhan Thiên Chúa (Ep 5,2). Việc dâng hương cũng biểu trưng cho tấm lòng sốt mến của chúng ta: nhìn vào than cháy và khói hương bay lên, chúng ta muốn sẵn sàng “thiêu huỷ bản thân” bằng những hy sinh của mình. Vì thế dâng hương trở thành nhưsự dâng hiếncủa lễhy sinh của con người hợp với lễ tế toàn hảo của Chúa Kitômà dâng lên Chúa Cha hầu làm đẹp lòng Ngài.

3] Thứ ba, xông hương vốn là phương thế làm cho tinh sạch bầu không khí thì nay mang ý nghĩa thiêng liêng là xua trừ tà thần ma quỷ cũng như thanh tẩy và thánh hoá tín hữu. Theo ý nghĩa này, xông hương chủ tế, các vị đồng tế và toàn thể cộng đoàn trong phần Chuẩn bị Lễ vật của thánh lễlà có ý thanh tẩy và thánh hoá mọi người để chuẩn bị tâm hồn họ bước vào trong phần long trọng nhất của thánh lễlà Kinh nguyện Thánh Thể; còn trong Phụng vụ Giờ kinh, xông hương vị chủ sự và cộng đoàn đang khi hát Thánh ca Tin Mừng cũng là để chuẩn bị tâm hồn mọi người bước vào phần Lời cầu. Việc xông hương tư tế và cộng đoàn vừa bày tỏ lòng tôn kính phẩm giá của họ vừa như một ước nguyện cho tất cả mọi người được thánh hóa, trở nên của lễ thanh sạch đáng được Chúa chấp nhận, rồi được quyện vào với lễ phẩm mà dâng lên cho Thiên Chúa; Tư tế được xông hương do tác vụ thánh ngài đã lãnh nhận (proter sacrum ministerium) trong khi dân chúng được xông hương do phẩm giá của họ là những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy (ratione baptismalis dignitatis).[17]

Vì bàn thờ là đối tượng quan trọng được xông hương cả trong Phụng vụ Giờ kinh lẫn trong thánh lễ [đến hai lần] và xông hương trong phần Chuẩn bị Lễ vật được coi là lúc xông hương long trọng nhất của thánh lễ,cho nên, chúng ta tiếp tục tìm hiểu chi tiết hơn ý nghĩa của việc xông thương này:

– Xông hương bàn thờ chỉ được xác nhận vào thế kỷ XI và ý nghĩa nguyên thủy của hành động này là: i] Thanh tẩy và bảo vệ. Sách lễ của Amiens ghi lại: “Xin đoái nhận hương trầm đây làm nên mùi thơm dịu ngọt để tha thứ tội con và tội của dân Chúa”; ii] Dấu chỉ làm nên bầu khí cầu nguyện, hướng lòng con người về với Thiên Chúa và biểu tượng cho lời kinh của các tín hữu và lễ tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa như hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2).[18] Xông hương bàn thờ là tôn kính Đức Kitô là đền thờ, thượng tế và hy lễ.[19] Các luật liên quan đến xông hương trở nên hoa mỹ phức tạp hơn trong Sách lễ 1570 theo sau Công đồng Trentô nhưng rồi được giảm nhẹ đi trong thời nay. Khi chuẩn bị cho nghi thức mới vào năm 1965, các cố vấn đã khuyên nên để linh mục không những xông hương bàn thờ mà cả dân chúng trên đường ngài tiến vào cung thánh. Tuy nhiên, thực hành này đã không được triển khai.[20] Chủ tế đi quanh bàn thờ để xông hương sẽ giúp dân thánh của Chúa quy tụ quanh bàn thờ cảm nhận được rằng bàn thờ thuộc về toàn thể Hội Thánh, thuộc về một cộng đoàn được sắp xếp và quy tụ theo phẩm trật đang ở chung quanh Đức Kitô, Ngài là bàn thờ, là Tư Tế và là Hiến Lễ của họ.[21]

– Trong phần Chuẩn bị Lễ vật, chủ tế xông hương các đối tượng: lễ phẩm bánh rượu, thánh giá và bàn thờ; còn một thầy phó tế hay một thừa tác viên khác xông hương tư tế và dân chúng (Nghi thức thánh lễ, số 27; QCSL 276d). Nghi thức này mang nhiều ý nghĩa tượng trưng: i] Nhắc nhớ tình yêu vẫn đang bừng cháy của Thiên Chúa dành cho nhân loại; ii] Là một biểu tượng của kinh nguyện con người được ví như làn hương bay lên trước nhan Thiên Chúa (Tv 141,2; Kh 8,3-4) cho nên nhắc nhớ tín hữu không nên tách biệt với lễ vật của họ nhưng phải dâng chính mình với lễ vật và dâng lời nguyện kèm theo;[22] iii] Tỏ lòng tôn kính lễ phẩm sắp trở thành Mình Máu Chúa Kitô.

CÁC ĐỐI TƯỢNG CỦA XÔNG HƯƠNG

Hiện nay, phụng vụ cho phép dâng hương lên những đối tượng biểu tượng cho Thiên Chúa và những đối tượng đụng chạm hay gần gũi với Thiên Chúa như: thánh giá, bàn thờ, Sách Tin Mừng / Sách Bài Đọc, của lễ, chủ tế, các tư tế và cộng đồng tín hữu, các ảnh tượng thánh… Trong nghi thức an táng, thi hài người tín hữu quá cố được xông hương như dấu chỉ danh dự người ấy là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19). Thánh Thể cũng là đối tượng rất đặc biệt để xông hương hoặc là khi truyền phép trong thánh lễhoặc khi chầu Mình Thánh.[23]

CÁC DỊP XÔNG HƯƠNG

1] Thánh lễ

Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [2002] quy định việc xông hương trong thánh lễnhư sau:

– Thứ nhất, được tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức thánh lễnào (in qualibet forma Missae – QCSL 276). Điều này có nghĩa là có thể sử dụng hương trong các thánh lễnhớ buộc hay lễ nhớ tùy và cả trong các Thánh Lễ thường ngày nữa chứ không phải chỉ vào những dịp long trọng trong năm.[24] Tuy nhiên, nên hiểu rằng, hương sẽ được sử dụng một cách thích hợp hơn cho thánh lễcó âm nhạc và ca hát bởi vì việc xông hương, chẳng hạn bàn thờ và của lễ được tiến hành đẹp nhất đang khi có tiếng hát và âm nhạc kèm theo các cuộc rước và các hành động.[25]

xem thêm  Giải bài tập Giáo dục công dân trên điện thoại bằng ứng dụng nào?

– Thứ hai, các thời điểm cần xông hương là:

a. Khi đi rước tiến vào (x. QCSL 276a);

b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ (x. QCSL 49; 173; 211; 276b);

c. Khi rước và công bố Tin Mừng (x. QCSL 134; 175; 276c);

d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân (x. QCSL 75; 144; 178; 276d);

e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép (x. QCSL 150; 179; 276e).

2] Các dịp khác

Xông hương cũng được sử dụng trong những trường hợp khác như (LNGM, các số 86-89):

– Trong nghi thức cung hiến nhà thờ hay bàn thờ;

– Trong nghi thức làm phép dầu [OC + OI] và thánh hiến dầu thánh (SC) khi dầu đã làm phép và dầu thánh không có sẵn ở đó;

– Khi đặt Hào quang chầu Thánh Thể;

– Khi cử hành nghi thức an táng;

– Trong những cuộc rước kiệu trọng thể [như lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh (lễ nến), Chúa nhật lễ Lá và lễ Mình Thánh Chúa Kitô;

– Khi hát thánh ca Tin Mừng trong Giờ kinh Phụng vụ trọng thể (kinh Sáng và kinh Chiều).

CÁCH THỨC BỎ HƯƠNG – XÔNG HƯƠNG

Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì. Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ(QCSL 277; Lễ nghi Giám mục [=LNGM], số 90)

Sách Lễ nghi Giám mục (số 84-98) ghi chú rằng thừa tác viên bỏ hương vào bình hương ở tư thế đứng nhưng riêng đức giám mục, ngài có thể bỏ hương khi đang ngồi (LNGM 90).

Linh mục Edward McNamara dựa vào số chú thích được lấy từ ấn bản năm 1886 về lễ nghi liên quan đến cách đưa bình hương tới gần đức giám mục, đề nghị đổ ba thìa hương vào bình hương, và mô tả cách thức cầm bình hương như sau [theo chú thích 75]:

Người xông hương cầm lấy đầu dây bình hương bằng tay trái, cầm dây ở vị trí gần sát bình hương bằng tay phải, sao cho bình hương có thể lắc qua lắc lại dễ dàng. Người xông chú ý để thực hiện chức năng này với vẻ mặt nghiêm trang và duyên dáng, chứ không cử động đầu hoặc thân thể trong khi lắc bình hương, giữ bàn tay trái với đầu dây gần ngực mình, và chuyển động cánh tay phải qua lại với một nhịp khoan thai đều đặn.[26]

Còn đức cha Peter Elliott chỉ dẫn rằng:

Thái độ và kỹ năng sử dụng bình hương trước tiên phụ thuộc vào cách thức cầm dây chuỗi của bình hương, khi xông hương cho người hay vật. Mỗi người nên thực hiện những gì là thuận tiện nhất qua thực hành, nhưng xin đề xuất một phương pháp dễ dàng như sau: a) Giữ đĩa và phần trên của dây xích trong tay trái, ngang với ngực của mình. Với bàn tay phải, giữ dây xích giữa ngón trỏ và ngón giữa. Giữ dây bằng ngón cái, sao cho bình hương có thể được điều khiển và kiểm soát cách dễ dàng; b) Với bàn tay phải, nâng bình hương lên ngang ngực. Sau đó, nâng bàn tay phải lên ngang mắt (thấp hơn khi xông hương bàn thờ), và lắc bình hương tới lui về hướng người hoặc vật được xông hương, xoay nó một cách vững chắc và không vội vã bằng cách điều khiển dây; c) Sau khi đã hoàn thành số lần xông hương theo yêu cầu, hạ thấp bình hương xuống một chút. Sau đó đưa bình hương về phía mình, hoặc giao nó cho người giữ bình hương hoặc thầy phó tế.[27]

Không cần thiết để cho bình hương va vào dây xích. Khi xông hương người, hoặc lễ vật trên bàn thờ, bàn tay giữ dây xích nên xa bình hương khoảng 20 cm (8 inch); khi xông hương bàn thờ hoặc thánh giá, bàn tay giữ dây xích nên xa bình hương khoảng 30 cm (12 inches). Trước và sau khi xông hương xong, cần cúi mình sâu trước người được xông hương. Trong khi cúi mình sâu trước và sau khi xông hương một người, người xông hương cầm bình hương bằng tay phải, vốn được đặt trên ngực.[28]

Khi đặt hương vào bình hương, số lượng hương sử dụng cần phải được nhắm chừng tuỳ theo các yếu tố, chẳng hạn như kích thước của nhà thờ. Tuy nhiên, dấu hiệu hương cháy lên chỉ hoàn tất khi hạt hương hoặc bột hương được bố trí đều trên than đốt. Việc khơi than hoặc làm vỡ than bằng thìa nếu chỉ làm xáo trộn các hạt hương và làm đu đưa bình hương thôi mà không tạo ra khói gì cả thì thật là nực cười.[29]

Xông hương Thánh Thể thì phải từ vị trí quỳ, dù thừa tác viên là ai (LNGM 94). Còn những người nhận xông hương phải ở tư thế đứng, kể cả đức giám mục (LNGM 96).

Các vị đồng tế được xông hương, xét như là một nhóm đối tượng. Các đức giám mục và các kinh sĩ tham dự thánh lễnhưng không đồng tế sẽ được xông hương cùng với dân chúng (LNGM 96). Nếu chỉ có một vị giám mục tham dự thánh lễvà không đồng tế, ngài sẽ được xông hương sau chủ tế hoặc sau các vị đồng tế (LNGM 97).

Như vậy, trong thánh lễđồng tế do đức giám mục làm chủ tế, đến phần Chuẩn bị Lễ vật, thầy phó tế sẽ xông hương ngài, tiếp đến xông hương các vị đồng tế, rồi sau đó đến dân chúng (x. LNGM 96; 149). Nếu chủ tế là một linh mục thì cũng làm như vậy, tức là xông hương linh mục chủ tế trước, tiếp đó là các vị đồng tế và sau cùng là dân chúng. Tuy nhiên, nếu có một phó tế mà cấu trúc cung thánh không dễ dàng cho thầy nhanh chóng trở lại bàn thờ sau khi xông hương dân chúng và vì thế cản trở thầy hỗ trợ cho chủ tế, thì nên để một thầy giúp lễ (hay lễ sinh) thay thế xông hương chủ tế, các vị đồng tế và dân chúng. Nên sắp xếp chỗ ngồi các vị đồng tế thế nào để thuận tiện cho việc xông hương các vị. Dù số lượng các vị đồng tế là bao nhiêu, khi xông hương cũng chỉ nên coi là một khối duy nhất (một đối tượng duy nhất). Nghĩa là, thời điểm xông hương các vị đồng tế khác biệt với xông hương chủ tế và xông hương dân chúng. Nếu các vị đồng tế ngồi thành từng khu vực thì có thể xông hương cho từng khu vực này.

Chủ tế không nên khởi sự bất kỳ lời nguyện hay lời hướng dẫn nào cho đến khi việc xông hương đã hoàn tất. Trong Giờ kinh Phụng vụ, điệp ca của Thánh ca Tin Mừng “Chúc tụng” (Benedictus) hoặc “Linh hồn tôi” (Magnificat) không được lặp lại, cho đến khi việc xông hương hoàn tất (LNGM 98).[30]

Trước và sau khi xông hương, người xông hương phải cúi mình trừ ra khi xông hương bàn thờ và lễ phẩm (QCSL 277). Mọi người cũng thường cúi đầu đáp lại thừa tác viên xông hương như một cử chỉ tiếp nhận sự kính trọng của thừa tác viên, tuy hành vi này không nằm trong quy định của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma.

Xông hương ảnh tượng hay di tích thánh được trưng bày để tôn kính sau khi đã xông hương bàn thờ; trong thánh lễ, ảnh tượng hay di tích thánh được xông hương chỉ khi bắt đầu cử hành (LNGM 95).

Việc xông hương tư tế và giáo dân là vai trò của phó tế nếu thầy hiện diện. Khi không có phó tế, nhiệm vụ này được giao cho thầy có tác vụ giúp lễ hay người giúp lễ. Không bao giờ coi đây là nhiệm vụ của linh mục chủ tế, vì lúc này ngài đang rửa tay và chuẩn bị mời gọi cộng đồng cầu nguyện ngay sau khi xông hương dân chúng kết thúc.

SỐ LẦN VÀ SỐ CÚ KHI ​XÔNG HƯƠNG

Từ rất lâu, xông hương đã được phân biệt làm hai loại: xông đơn (single swing) và xông kép (double swing). Số lần xông hương kép được quy định ít hay nhiều tuỳ theo đối tượng được xông hương. Chẳng hạn, căn cứ theo chức phẩm của giáo sĩ: xông hương 3 lần dành cho vị chủ tế và các giáo sĩ cấp cao; 2 lần dành cho kinh sĩ; còn 1 lần dành cho các giáo sĩ khác. Đương nhiên, mỗi lần như vậy thì xông hương 2 cú.[31]

Ngay trước thời điểm diễn ra Công đồng Vatican II, với Sách lễ của đức Gioan XXIII (1962), Giáo Hội vẫn xác định và thực hành 2 cách xông hương như trên mà tiếp tục được thực hành trong hình thức cử hành phụng vụ ngoại thường hiện nay theo Tự Sắc Nghi lễ Phụng tự Summorum Pontificum được ban hành bởi đức giáo hoàng Biển Đức XVI (07-07-2007). Hai cách xông hương đó là: xông đơn (ductus simplex = SIMPLE swing) và xông kép (ductus duplex = DOUBLE swing).

Bấy giờ, xông đơn được thực hiện bằng cách tay trái nắm lấy đầu dây của bình hương và để áp lên ngực; còn tay phải giữ lấy dây xích của bình hương ở vị trí sát phía trên nắp của bình hương, rồi nâng cao bình hương lên tầm ngang ngực đồng thời đẩy bình hương về phía người hay vật được xông hương một cú và để bình hương tự động lắc trở lại hướng về chính mình.

Xông kép cũng thế, nhưng nâng bình hương lên cao hơn, tới tầm ngang mặt, đẩy bình hương về phía đối tượng được xông hương hai cú rồi mới hạ bình hương xuống. Tuỳ theo đối tượng được xông, xông kép bao gồm 3 kiểu: 1] 1 lần mỗi lần 2 cú (one double swing); 2] 2 lần mỗi lần 2 cú (two double swings); 3] 3 lần mỗi lần 2 cú (three double swings). Xông hương với mỗi lần 3 cú (A triple swing) không hề thấy ghi trong chữ đỏ.[32] Tuy nhiên, trong trường hợp xông hương Thánh Thể [khi ban phép lành Mình Thánh Chúa bằng hào quang và sau khi truyền phép] thì có thể xông hương 3 lần mỗi lần 3 cú (3X3 = three triple swings) nếu như Hội đồng Giám mục của nước sở tại xin và nhận được sự cho phép của Tòa Thánh để tiếp tục thực hành này vì có thể nó đã quá quen thuộc ở đấy và người ta cứ muốn gắn bó với cách thức cũ.[33] Như vậy, nếu áp dụng vào Việt Nam, khi xông hương Mình Thánh Chúa, chúng ta vẫn chỉ xông 3 lần mỗi lần 2 cú (3X2).

xem thêm  Nguyên tắc dinh dưỡng ngày Tết cho người bệnh thận

Sau Công đồng Vatican II, vào năm 1978, trong phúc đáp về vấn đề xông hương, Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự Thánh[34] đã yêu cầu không lặp lại những cử điệu xông hương vừa nhiều vừa phức tạp như được quy định trong các Sách lễ trước kia nữa (Xc. Missale Romanum, T. P. Vaticanis, 1962:Ritus servandusVII etOrdo Incensandi, pp. LXXX-LXXXIII). Thay vào đó, cơ quan Toà Thánh này tiếp tục xác định cách thức xông hương đơn giản hơn theo ý hướng của Hiến chế Phụng vụ Thánh (số 34) và trình bày một cách cụ thể phải xông hương thế nào khi Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [1970] tại các số 51 và 105 (nằm trong Sách lễ của Đức Phaolô VI – ấn bản 1970) chỉ nói trống là “xông hương lễ vật và bàn thờ” , “người giúp lễ xông hương cho linh mục và dân chúng” mà không nói là xông hương bao nhiêu lần và bao nhiêu cú. Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự Thánh trả lời rằng: 1] Liên quan đến lễ vật: xông hương lễ vật 3 lần mỗi lần 2 cú (3X2) giống như thầy phó tế xông hương Sách Tin Mừng; 2] Liên quan đến thánh giá: xông hương thánh giá bằng cách vị chủ tế đến trước thánh giá mà xông 3 lần mỗi lần 2 cú (3X2); 2] Liên quan đến bàn thờ: vị chủ tế xông hương bàn thờ bằng cách đi chung quanh bàn thờ, ngài vừa đi vừa xông tất cả các cạnh / các bên của bàn thờ mà không có sự phân biệt nào giữa bàn thờ với các cạnh / các bên của bàn thờ.[35]

Hiện nay, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] chỉ nói đến cách xông thẳng (ductus) và xông từng cái (ictus) như sau:

* Xông từng cái áp dụng cho đối tượng là bàn thờ: Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây: a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông; b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái; Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua. Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm (QCSL 277).

* Xông thẳng được áp dụng như QCSL 277 và LNGM 92-93 chỉ ra:

– Phải xông hương ba lần (tribus ductibus) – tức ba lần đưa bình hương lên xông – đối với các đối tượng: Thánh Thể, di tích thánh giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ, thánh giá bàn thờ, Sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

– Xông hương hai lần (duobus ductibus) – tức hai lần đưa bình hương lên xông – đối với các đối tượng: các thánh tích và ảnh các thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

Mặc dù Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] không còn đề cập một cách minh nhiên cách xông kép (double) hay xông đơn (simple) nữa mà chỉ nói đến cách xông thẳng (ductus) và xông từng cái (ictus). Tuy nhiên, theo chuyên gia phụng vụ Peter Elliott: i] Xông kép vẫn là một tập tục được thực hành phổ biến trên toàn thế giới kể cả trong thánh lễđại triều của giám mục Rôma; ii] Một tập tục xác thực như thế vẫn được coi là một nguồn của luật; iii] Không có lý do gì để kết luận rằng thực hành này đã bị huỷ bỏ. Theo đó, trong xông kép, mỗi “ductus” sẽ gồm 2 “ictus”, tức mỗi lần nâng bình hương lên xông trong xông kép thì xông 2 cú. [36]

Cụ thể hơn, cha Edward McNamara (giáo sư phung vụ tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum – Roma) trích dẫn cuốn Ceremonies of the Modern Roman Rite của Peter Elliott từ số 217-220 để minh định số lần và số cú xông hương chính xác.[37] Dựa vào đó, chúng ta có thể diễn giải như sau:

* Xông đơn: dành cho đối tượng chúng ta có thể đi chung quanh như bàn thờ hay quan tài [nếu như tập tục xông hương đi xung quanh quan tài là phổ biến rộng rãi].[38] Xông hương bằng cách vừa đi chung quanh vừa “tạt” bình hương vào đối tượng từng nhát / cú một, trừ ra hai trường hợp: Một là, nến phục sinh thì vẫn xông 3 lần mỗi lần hai cú (three double swings) dù đi chung quanh nến hay đứng đối diện với nến; Hai là, khi xông hương thi hài người quá cố, nhất là tại những nơi chật hẹp không thể đi chung quanh quan tài, thừa tác viên có thể đứng tại chỗ phía trước quan tài mà xông hương 3 lần mỗi lần 2 cú (3X2) theo quy định ngay sau đây.[39]

* Xông kép (…X 2) được chia làm hai loại:

– Kép hai (two double swings): 2X2 = 2 lần mỗi lần 2 cú, tức hai lần đưa bình hương lên xông và mỗi lần xông hai cú. Cách xông này dành cho các di tích thánh và ảnh tượng Đức Mẹ và các thánh.

– Kép ba (three double swings): 3X2 = 3 lần mỗi lần 2 cú, tức ba lần đưa bình hương lên xông và mỗi lần xông hai cú. Cách xông này dành cho những đối tượng còn lại như: Thánh Thể, di tích thánh giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ, thánh giá bàn thờ, Sách Tin Mừng, nến phục sinh, chủ tế (giám mục hoặc linh mục), đồng tế, cộng đoàn, đại diện của chính quyền chính thức có mặt tại buổi lễ, ca đoàn, và thi hài ngưởi chết.

– Kép ba thẳng: dành cho đối tượng là số ít (Thánh Thể, ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, thánh giá bàn thờ, nến phục sinh, vị tư tế). Nếu nơi nào đặt để vị trí của nến phục sinh mà có thể đi chung quanh để xông thì thừa tác viên có thể dừng lại 3 lần mỗi lần xông 2 cú.

– Kép ba quạt (giữa [một cú] – trái [một cú] – phải [một cú]): dành cho đối tượng là số nhiều (như lễ phẩm dùng cho hy tế thánh lễ, Sách Tin Mừng / Sách Bài Đọc, các vị đồng tế và giáo dân).

BỘT HƯƠNG – HẠT HƯƠNG

Khói hương là một yếu tố tác động đến giác quan. Bột hương trầm thường tỏa hương thơm ngay lập tức và đốt cháy trong một thời gian rất ngắn. Bởi thế, bột hương chỉ thích hợp cho những lần xông hương ngắn như cuộc rước Sách Tin Mừng, xông hương Mình Máu Thánh sau truyền phép. Còn khi cần khói hương tỏa ra lâu dài hơn như trong cuộc rước nhập lễ và khi xông hương cho mọi tín hữu lúc Chuẩn bị Lễ vật cũng như khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh trọng thể, thì nên sử dụng hạt hương hơn là bột hương. [40]

Khi xông hương, khói hương tác động đến thị giác, còn mùi hương là một yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến giác quan, tức khứu giác con người. Thông thường, người ta dùng một mùi hương cho các thánh lễkhác nhau. Tuy nhiên, nếu được Hội Thánh cho phép, sử dụng các loại mùi hương tương ứng với những thời gian phụng vụ khác nhau thì tốt hơn. Chẳng hạn một mùi hương cho mùa Vọng, mùi hương khác cho mùa Giáng sinh, mùi khác nữa cho mùa chay, đối với mùa Phục sinh hay mùa Thường niên cũng vậy. Bên Chính Thống Giáo, người ta dùng mùi hương cây sơn chi cho lễ Đêm Vọng Phục Sinh và các Chúa nhật suốt năm. Theo truyền thống, họ vẫn sử dụng mùi hoa hồng cho mùa Phục sinh và vào dịp lễ Chúa Thánh Thần.[41]

VÁI NHANG – ĐỔ HƯƠNG VÀO LƯ HƯƠNG

“Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xin trân trọng thông báo: Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong phiên họp ngày 12-06-1974, tại Tu viện Phước Sơn, Thủ Đức, đã đồng ý cho các nơi thí nghiệm những điểm sau đây:[42]

  1. Có thể bái gối hoặc cúi mình.
  2. Có thể sử dụng tiếng tôi, chúng tôi, hoặc chúng con.
  3. Có thể xông hương như xưa nay, hoặc bỏ hương vào lư, hoặc đốt hương nén (nhang), và cắm vào bát hương.