Đau lưng dưới gần mông là một tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây đau có thể là do lao động quá sức, vận động sai tư thế. Ngoài ra, đau lưng dưới gần mông cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, cần được chữa trị ngay. Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa những biến chứng nặng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Đau lưng dưới gần mông là gì?
Đau lưng dưới gần mông là tình trạng các cơn đau lưng xuất hiện ở vùng lưng dưới kéo dài xuống hông và mông, từ đốt sống L1 – L5. Cảm giác đau có thể xuất hiện đột ngột, chỉ gây khó chịu rồi biến mất. Một số trường hợp cơn đau có thể bắt đầu từ từ và phát triển theo thời gian. Tùy vào nguyên nhân, những triệu chứng bị đau lưng gần mông của mỗi người bệnh sẽ có sự khác nhau, cụ thể:
- Đau âm ỉ, nhức nhối tại vùng thắt lưng kèm theo các cơn co thắt cơ, căng tức ở hông và xương chậu.
- Đau nhói, bỏng rát, tê hay ngứa râm ran từ thắt lưng tới mặt sau đùi, cẳng chân, bàn chân.
- Yếu chân hoặc bàn chân, dọc theo vị trí dây thần kinh tọa.
- Đau nhói ở bàn chân hay các ngón chân.
- Cơn đau lưng dưới trở nên nghiêm trọng khi người bệnh ngồi hoặc đứng lâu.
- Cơn đau lưng trở nặng vào buổi sáng, giảm dần sau khi đứng dậy hoặc di chuyển.
Bị đau lưng dưới gần mông là bệnh gì?
Một số căn bệnh sau đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị đau ở lưng dưới gần mông:
1. Căng cơ
Căng cơ và bong gân là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới đau lưng. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau đớn, sưng tấy, bầm tím, tầm vận động bị hạn chế. Để cải thiện tình trạng đau lưng gần mông, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, chườm đá hay băng nén thắt lưng.
2. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi do các đốt sống bị bào mòn, cọ xát với dây thần kinh khiến vùng thắt lưng trở nên đau nhức. Cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối, càng về đêm cơn đau càng dữ dội.
3. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng thường xuất hiện ở nam giới, trong độ tuổi 35 – 50 tuổi. Đĩa đệm cột sống lưng của người bệnh không thể đảm đương vai trò giảm xóc, nâng đỡ phần trên, cho phép cơ thể di chuyển theo mọi hướng. Nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép lên các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.
4. Hẹp ống sống
Chứng hẹp ống sống thường có diễn tiến chậm, gây chèn ép lên các dây thần kinh đi xuống dưới hai chân. Triệu chứng thường gặp là đau vùng thắt lưng, vẹo cột sống nhẹ, đau khi cúi người ra phía trước, ngồi hay nằm, kèm theo cảm giác yếu hoặc tê ở chân, mông và bắp chân.
5. Rối loạn chức năng khớp xương cùng
Người bệnh rối loạn chức năng xương cùng thường có biểu hiện như đau, cứng vùng lưng dưới mông, đặc biệt là đau ở vùng lưng bên phải. Cơn đau thường trở nặng khi người bệnh đứng, leo cầu thang, chạy, đi bước lớn, nâng vác vật nặng.
6. Đau thần kinh tọa
Các cơn đau thần kinh tọa thường xuất hiện đột ngột và nhanh chóng biến mất. Người bệnh có thể bị đau tập trung ở bên trái hay bên phải, bắt đầu từ vùng lưng lan xuống đùi, mông và một bên chân.
7. Gai đôi cột sống
Bệnh gai đôi cột sống có triệu chứng đặc trưng là đau vùng thắt lưng dưới mông, đùi hay bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh thường là do người bệnh ngồi sai tư thế, thói quen sinh hoạt không khoa học gây ra.
8. Chèn ép dây thần kinh
Đau lưng dưới lan xuống mông và hai chân là biểu hiện đặc trưng của tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Nguyên nhân là do dây thần kinh chịu quá nhiều áp lực từ các mô xung quanh như xương, sụn, cơ hay dây chằng. Áp lực này phá vỡ chức năng của dây thần kinh, gây đau, ngứa râm ran, tê yếu. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, khi không có biện pháp y tế can thiệp kịp thời rất dễ dẫn tới nguy cơ bại liệt.
9. Bệnh phụ khoa
Nữ giới khi đau bụng, đau lưng dưới kèm với các triệu chứng như khí hư nhiều, có mùi lạ vùng kín có thể dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bệnh phụ khoa. Vì thế, nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh nên nhanh chóng đi khám, điều trị dứt điểm bệnh phụ khoa, ngăn ngừa biến chứng nặng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
10. Khối u
Khối u là biến chứng vô cùng nguy hiểm trong các bệnh về xương khớp. Đối với các khối u lành, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, nếu là u ác tính, tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm. Vì thế, để nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm, người bệnh khi bị đau lưng dưới gần mông nên đi thăm khám càng sớm càng tốt.
11. Một số nguyên nhân khác gây đau thắt lưng dưới gần mông ở nam và nữ giới
Thừa cân, béo phì
Người bệnh thừa cân, béo phì rất dễ mắc phải các bệnh về xương khớp, bao gồm cả các cơn đau lưng ở vị trí gần mông. Khi trọng lượng cơ thể vượt quá mức chịu đựng của hệ xương khớp, khiến cột sống phải chịu quá nhiều áp lực, lâu dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi cử động, hạn chế việc đi lại của người bệnh.
Thuốc lá
Người hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp rất cao. Nhóm người này có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 3 lần so với người khỏe mạnh. Vì thành phần nicotine trong thuốc lá khi thâm nhập vào cơ thể sẽ ngăn chặn quá trình hấp thụ canxi ở đĩa đệm. Người bệnh sẽ bị thiếu dinh dưỡng, mất đi sự linh hoạt của hệ xương khớp, dẫn tới nguy cơ thoái hóa rất cao.
Tính chất công việc
Vì đặc thù của một số ngành nghề yêu cầu người lao động phải ngồi lâu, ít thay đổi tư thế, ít vận động thể dục thể thao như thợ may, văn phòng, lễ tân, thu ngân… Các dạng công việc này sẽ khiến cho máu trong hệ thống tuần hoàn lưu thông kém, gây ra tắc nghẽn một vùng nào đó, dẫn tới tình trạng đau lưng dưới gần mông.
Chấn thương cột sống
Các chấn thương trong sinh hoạt, lao động, giao thông, thể dục thể thao nếu không điều trị đúng cách rất dễ làm tổn thương xương khớp nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng đau vùng lưng dưới gần mông trở thành bệnh phổ biến hiện nay.
Đau lưng bên phải và trái gần mông có nguy hiểm không?
Đối với các trường hợp đau lưng dưới gần mông khởi phát cấp tính trong thời gian ngắn (dưới 3 tháng), bạn chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian là cơn đau sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan. Nếu cơn đau kéo dài từ 3 tháng trở lên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo chấn thương cột sống lưng, khớp bị dính, tổn thương mô mềm, đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống… hay những bệnh ở nội tạng như thận, tụy, ruột…
Với cơn đau lưng dưới ở bên phải, bạn nên nhanh chóng đi khám càng sớm càng tốt. Vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan tới sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa… Cơn đau xuất hiện âm ỉ ở vùng thắt lưng bên phải với cường độ tăng dần, lan rộng đến háng và chân. Các trường hợp nặng có thể gây cản trở tới khả năng vận động của người bệnh.
Ngoài ra, khi đau lưng kèm với các triệu chứng dưới đây, bạn nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời:
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột, dẫn tới tình trạng rối loạn tiểu tiện, đại tiện.
- Sụt cân, tê yếu chân.
- Sốt, ớn lạnh hay đau khi ho, tiểu tiện.
- Bị đau bụng dữ dội.
Phương pháp chẩn đoán
- Chụp X-quang: Kết quả chụp X-quang sẽ cho phép bác sĩ xác định chính xác vị trí xương gãy, tổn thương gây đau hay những vấn đề khác của cột sống.
- Chụp MRI và chụp CT: Các phương pháp này giúp bác sĩ xác định tổn thương ở các mô mềm như đĩa đệm giữa các đốt sống, những khối u tiềm ẩn.
- Đo điện cơ (EMG): Phương pháp điện cơ giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn các tổn thương gây đau lưng liên quan tới thần kinh hay cơ bắp.
Cách khắc phục cơn đau lưng dưới gần mông
Sử dụng thuốc
Đối với trường hợp đau lưng gần mông, các loại thuốc thường được áp dụng gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC): Aspirin (Bayer), Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Advil), Acetaminophen (Tylenol). Thuốc có thể giảm nhanh những biểu hiện đau thắt lưng do sưng dây thần kinh hoặc cơ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giảm đau tạm thời. Người bệnh không nên lạm dụng hoặc tự ý gia tăng liều lượng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc Cyclobenzaprine giúp giảm bớt độ cứng và đau do chuột rút. Tuy nhiên, thuốc chỉ được kê đơn trong thời gian ngắn (2-3 tuần). Vì loại thuốc này có tác dụng phụ là gây mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ và khô miệng.
- Thuốc giảm đau Opioid: Hydrocodone, Tramadol, Oxycodone thường được kê đơn cho các cơn đau cấp tính nghiêm trọng sau phẫu thuật hoặc đau lưng mạn tính. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây táo bón, khô miệng, khó chịu ở bụng, chứng ngưng thở khi ngủ và những vấn đề về phổi và tim.
Chườm lạnh
Sau khi chấn thương, trong khoảng 48 giờ đầu, liệu pháp chườm lạnh nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Hơi lạnh sẽ làm chậm tiến trình viêm sưng, đồng thời làm gián đoạn phản ứng co thắt gây đau giữa những dây thần kinh. Người bệnh lưu ý tránh chườm đá trực tiếp lên da, nên dùng khăn bọc đá lại hoặc sử dụng túi chườm. Thời gian mỗi lần chườm không quá 15 – 20 phút.
Nẹp lưng
Mang nẹp giúp người bệnh kiểm soát những tư thế xấu khi sinh hoạt, qua đó tránh được các tình huống làm gia tăng cơn đau. Tuy nhiên, việc sử dụng nẹp trong thời gian dài có thể làm suy yếu các cơ cột sống, dễ chuyển biến thành đau thắt lưng mạn tính.
Châm cứu
Châm cứu giúp điều chỉnh “khí” thích hợp trong cơ thể của người bệnh, qua đó hỗ trợ giảm đau, giúp vùng cơ bị bó nghẽn được giãn ra, máu và khí huyết lưu thông tốt hơn, kích thích bài tiết thải độc tố ra ngoài, tăng lượng oxy trong máu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả với các cơn đau lưng ngắn hạn, không có khả năng ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp giảm áp lực nội đĩa đệm cột sống, giúp giảm đau lưng dưới. Những liệu pháp thường được sử dụng là kéo giãn cột sống, sóng ngắn, siêu âm… Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện những bài tập gập người, đạp xe, cúi người.
Biện pháp phòng ngừa
Chế độ ăn uống khoa học
Người bệnh nên đảm bảo cơ thể đã được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Trong đó, canxi là dưỡng chất vô cùng quan trọng, giúp tăng cường sự chắc khỏe cho xương khớp. Những thực phẩm giàu canxi nên có trong thực đơn mỗi ngày là sữa, phô mai, sữa chua, cải xoăn, đậu phụ, đậu bắp, cá… Ngoài ra, những loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, chứa nhiều chất béo cần được hạn chế để ngăn ngừa tình trạng béo phì, thừa cân.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao
Tập luyện thể thao là cách giúp duy trì vóc dáng, sức khỏe, độ dẻo dai của xương khớp rất hiệu quả. Tùy theo thể trạng, bạn có thể lựa chọn loại hình tập luyện phù hợp như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội… Bạn nên duy trì các bài tập thường xuyên, điều độ với lịch trình rõ ràng.
Tránh ngồi một chỗ quá lâu
Ngồi hay đứng quá lâu có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh đau lưng dưới gần mông. Vì thế, nếu phải ngồi một chỗ làm việc quá lâu, bạn có thể thỉnh thoảng đứng dậy vươn vai, đi lấy nước uống, thư giãn… Nếu phải thường xuyên nâng vác vật nặng, bạn nên nhờ sự trợ giúp từ máy móc, thiết bị, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân.
Không hút thuốc lá
Nếu có thói quen hút thuốc lá, bạn nên tập cai thuốc lá càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tới những nơi có nhiều khói thuốc lá. Vì thành phần nicotine trong thuốc lá khi thâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu, tạo cơ hội cho cơn đau nhức khởi phát.
Sử dụng nệm ngủ phù hợp
Nệm ngủ ảnh hưởng rất lớn tới khả nâng đỡ cột sống trong lúc ngủ. Vì thế, để có một giấc ngủ ngon và bảo vệ cột sống, bạn nên lựa chọn nệm ngủ có chất lượng tốt. Gối kê đầu có độ cao vừa phải và đàn hồi tốt.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới.