Tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 là ưu tiên hàng đầu của phụ nữ mang thai. Nhưng nếu không may bạn nhiễm phải loại virus này, hãy ghi nhớ những việc cần làm để giảm tối đa nguy cơ biến chứng sức khỏe cho bản thân và thai nhi.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa: “So với người bình thường, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus đường hô hấp. Nếu phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… thậm chí có thể đe dọa tính mạng; thai nhi có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm…, rất tốn kém chi phí điều trị…”.
Điều đó có nghĩa là các bà mẹ tương lai cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình trước SARS-CoV-2. Bên cạnh việc chích vắc xin ngừa Covid-19, mẹ bầu cần thực hiện quy tắc 5K, duy trì lối sống khoa học và có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng.
Tuy nhiên, nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 dù đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, thai phụ không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị Covid-19 theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định.
Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu mắc Covid-19
Thời gian ủ bệnh Covid-19 là từ 2 – 14 ngày, trung bình 5 – 7 ngày. Các dấu hiệu khởi phát bệnh bao gồm:
- Sốt và lạnh người
- Viêm họng, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở, hơi thở ngắn, thở gấp
- Mệt mỏi, đau cơ, nhức mỏi toàn thân
- Đau đầu, mất vị giác hay khứu giác
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Nôn, cảm giác buồn nôn
- Tiêu chảy
Khi nhiễm SARS-CoV-2 thể nhẹ, người nhiễm thường tự hồi phục sau khoảng 7-10 ngày. Khoảng 80% người nhiễm Covid không có triệu chứng. Gần 20% người nhiễm Covid diễn biến nặng, trong đó 5% cần điều trị hồi sức tích cực do thở nhanh, khó thở, tím tái, hội chứng suy hô hấp cấp ,suy chức năng thận, cơ tim…
Thai phụ cần làm gì khi triệu chứng trở nên nặng hơn?
Nếu có một trong những yếu tố dưới đây, mẹ bầu có nguy cơ diễn tiến nặng triệu chứng khi nhiễm Covid-19:
- Mang thai khi trên 35 tuổi
- Chỉ số cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 25
- Có kèm bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ…
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt 38 độ C trở lên, ho, mất khứu giác, khó thở, tức ngực… thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương hoặc liên lạc với bác sĩ khám thai cho mình hoặc gọi điện thoại Đường dây nóng 115 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Điều quan trọng là các thai phụ cần giữ tâm lý bình tĩnh, không hoảng loạn bởi nhiều bệnh cũng gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm…
Bà bầu mắc covid có nguy hiểm không?
Đối với thai phụ bình thường
Phụ nữ mang thai khỏe mạnh khi mắc Covid-19 tăng nguy cơ sinh non (sinh con trước khi đủ 37 tuần), thai chậm phát triển, thai lưu…Thường xảy ra ở giai đoạn sớm trong những tuần đầu hoặc ba tháng đầu thai kỳ.
Trong quá trình điều trị, tùy thuộc vào tuổi thai và tình trạng sức khỏe của thai phụ, các bác sĩ sản khoa sẽ hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa nội, hồi sức để có hướng điều trị thích hợp.
Đối với thai phụ có bệnh lý
Những phụ nữ mang thai có các bệnh lý: đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp …mới xuất hiện trong thai kỳ hoặc có sẵn trước đó, nếu nhiễm Covid-19 thì tăng nguy cơ nhập viện, tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng. Vì vậy, sẽ tăng nguy cơ sanh non, thai chết lưu… Tuỳ thuộc vào tình trạng hô hấp và các chức năng sống của mẹ và tuổi thai, bác sĩ sẽ cân nhắc chấm dứt thai kỳ trước ngày dự sinh hay không.
Thai phụ nhiễm Covid-19 cần điều trị ra sao?
Tùy thuộc vào tình trạng nặng – nhẹ của triệu chứng, thai phụ nhiễm Covid-19 sẽ cần có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
Những trường hợp cách ly tại nhà
Thai phụ là F0 (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì), sau 7 ngày được điều trị tại các cơ sở y tế đã có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính sẽ được cho về tự cách ly và điều trị tại nhà.
Những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà theo dõi điều trị bởi khả năng lây nhiễm với những người xung quanh rất thấp, đặc biệt là người đã tiêm vắc xin trước đó.
Thai phụ F0 sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Khi được cách ly điều trị tại nhà, mẹ bầu cần lưu ý:
-
Mang khẩu trang thường xuyên, trừ những lúc ăn uống, vệ sinh cá nhân.
-
Thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
-
Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…
-
Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, nhất là khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Nhiệt độ bình thường từ 36 – 37,5 độ C, sốt nhẹ từ 37 – 38 độ, sốt vừa 38 – 39 độ, sốt cao 39 – 40 độ, sốt quá cao trên 40 độ. Uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Một số loại thuốc mẹ bầu có thể dùng:
- Paracetamol: có tác dụng sau khoảng 30 phút, không nôn nóng uống quá liều. Mỗi lần uống cách nhau 4 giờ đồng hồ, tối đa 2 – 4 viên/ngày. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp có bệnh lý về gan trước đó.
- Ibuprofen: Nếu không có hoặc dị ứng với Paracetamol, thai phụ có thể dùng Ibuprofen. Lưu ý là Ibuprofen không dùng cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ và phụ nữ cho con bú.
- Khi sốt trên 38,5 độ C nhưng bị dị ứng với Ibuprofen và Paracetamol, bạn nên cân nhắc dùng thêm thuốc khác như Aspirin, Celecoxib, Diclofenac.
-
Uống đủ nước: 40ml/kg cân nặng/ngày. Bù nước bằng nước điện giải Oresol.
-
Khai báo y tế ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”.
-
Có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày (hít sâu thở từ từ).
-
Lưu số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ.
Trường hợp nhập viện điều trị
Khi thai phụ có những biểu hiện dưới đây, người thân cần chuyển ngay thai phụ đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời:
- Dấu hiệu nặng: sốt trên 38,5 độ C, thở nhanh hơn 20 lần/phút, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu) dưới 95%, đau tức ngực.
- Dấu hiệu cấp cứu: tím môi hoặc đầu chi, thở nhanh hơn 30 lần/phút, SpO2 dưới 93%, lừ đừ, li bì khó đánh thức.
Khi nhập viện điều trị, mẹ bầu cần mang theo các vật dụng dưới đây:
- 1 hộp khẩu trang y tế
- 1 kính chắn giọt bắn
- 1 chai nước rửa tay, 15 – 30 cặp găng tay dùng 1 lần
- 1 chai xà phòng rửa tay, chai khử trùng nhỏ
- 1 chai xà phòng tắm, gội đầu chai nhỏ
- 2 khăn lau mặt, 2 khăn tắm
- Áo quần gọn nhẹ đủ dùng 14 ngày
- Bàn chải đánh răng
- Đồ sạc pin điện thoại
- Giấy tờ tùy thân, tiền mặt đủ dùng
- 1 cặp nhiệt độ
- Thuốc và viên sắt được bác sĩ kê toa…
FAQs
1. Mẹ bầu bị Covid có ảnh hưởng đến con không?
Chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, cũng chưa có bằng chứng về mẹ nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai. Nguy cơ lây truyền theo chiều dọc trước khi sinh dường như không có hoặc thấp, có thể là gần 1%.
2. Điều trị Covid-19 cho thai phụ có gì đặc biệt?
Thai phụ mắc Covid-19 cũng giống như các trường hợp bình thường khác, chủ yếu điều trị triệu chứng. Quan trọng là phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp kiểm soát, không để người bệnh thiếu oxy kéo dài.
3. Khi mẹ mắc Covid-19, em bé có được bú sữa mẹ?
Nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 trong sữa mẹ thấp hoặc không có. Nếu mẹ mắc Covid-19 nhưng vẫn muốn cho con bú sữa mẹ, nên vắt sữa rồi nhờ người nhà cho trẻ ăn. Sản phụ cần rửa tay sạch sẽ trước khi vắt sữa cũng như trước khi chạm tay vào các bộ phận của máy hút sữa và bình sữa. Nếu mẹ mắc Covid-19 chọn cho con bú trực tiếp, phải đeo khẩu trang và rửa tay trước mỗi lần cho bé ăn.
4. Số điện thoại để thai phụ liên hệ phòng, chống Covid-19?
Ngoài các đầu số khẩn cấp 113, 114, 115 là nơi tiếp nhận thông tin về phản ảnh, thông tin tình hình dịch bệnh, mẹ bầu khi nhiễm Covid-19 có thể liên hệ:
- Đường dây nóng Bộ Y tế: 1900 9095
- Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế: 1800 1119
- Sở Y tế TP.HCM: 028 3930 9912
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM: 028 3923 4629
- Danh sách số điện thoại các trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức tại TP.HCM: Xem tại đây
Chúng ta hãy chia sẻ thông tin này để mọi người có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong thời gian mang thai. Hãy đo đạc và tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho mẹ và bé yêu!