Khi trẻ bị sốt, chăm sóc đúng cách và hạ sốt kịp thời là điều cần thiết để tránh các biến chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ sốt quá nhiều có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vậy, trẻ sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm? Bao nhiêu độ cần uống thuốc?
Bài viết này được tư vấn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, chuyên gia tại Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt
Sốt ở trẻ có thể xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính:
-
Sốt do nhiễm trùng: Virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, siêu vi là những tác nhân gây sốt do nhiễm trùng ở đa số trẻ em. Những bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp cấp, tay chân miệng, viêm họng, viêm tai giữa, và viêm amidan thường gây sốt ở trẻ.
-
Sốt không do nhiễm trùng: Trẻ cũng có thể bị sốt khi mắc một số bệnh lý liên quan đến hệ thống cấu tạo máu, mô liên kết, u hoặc các bệnh không do nhiễm trùng khác như Lupus ban đỏ, viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch. Ngoài ra, trẻ có thể sốt do trúng gió, say nắng, sau tiêm ngừa, mọc răng hoặc do mẹ ủ ấm trẻ không đúng cách.
Trẻ em sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm?
Theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, trẻ sốt trên 39 độ được xem là nguy hiểm, vì đây là mức thân nhiệt rất cao có thể gây co giật và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Thân nhiệt của trẻ em thường cao hơn từ 0.5 – 1 độ so với người trưởng thành. Nhiệt độ cơ thể của trẻ bình thường dao động trong khoảng từ 36.5 – 37.5 độ C, khi nhiệt độ vượt qua 37.5 độ C, trẻ bắt đầu sốt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng càng cao, mức độ sốt của trẻ càng nguy hiểm:
-
Thân nhiệt dao động 37.5 – 38.5 độ C: Trẻ sốt nhẹ.
-
Thân nhiệt dao động 38.5 – 39 độ C: Trẻ sốt vừa.
-
Thân nhiệt dao động 39 – 40 độ C: Trẻ sốt cao, nguy hiểm.
-
Thân nhiệt trên 40 độ C: Trẻ sốt rất cao, cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, để theo dõi sự thay đổi thân nhiệt của trẻ, phụ huynh cần đo chính xác. Nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử là hai loại nhiệt kế thông dụng để đo nhiệt độ cho trẻ ở vùng nách, miệng, trán và hậu môn. Tùy vào vị trí đo, nhiệt độ của trẻ sẽ có sự khác biệt, nhưng nhiệt độ cao nhất xuất hiện ở hậu môn. Do đó, cần lưu ý khi đo ở vùng nách, nhiệt độ trên 38 độ C được xem là sốt.
Khi trẻ sốt, bố mẹ cần đo nhiệt độ đúng cách và theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của trẻ để có phản ứng kịp thời nếu trẻ sốt cao hơn.
Trẻ sốt bao nhiêu độ cần uống thuốc?
Hiện nay, hạ sốt cho trẻ có thể được thực hiện bằng cách dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Dùng thuốc sẽ giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn, nhưng một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ. Vậy, trẻ sốt bao nhiêu độ thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt?
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết, “Khi trẻ bị sốt, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố như độ tuổi của trẻ, mức độ sốt, nguyên nhân gây sốt, tiền sử bệnh của trẻ để lựa chọn loại thuốc với liều lượng phù hợp”.
-
Đối với trẻ sốt dưới 38 độ: Trẻ sốt dưới 38 độ được xem là sốt nhẹ, bố mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Ở thời điểm này, hạ sốt bằng phương pháp không dùng thuốc là lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Bố mẹ nên dùng khăn ấm đắp trán, lau người (vùng nách, trán, bẹn, cổ), mặc quần áo thoáng mát, bổ sung nước để hạ thân nhiệt và theo dõi các biểu hiện của trẻ, để có biện pháp xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ còn bú sữa mẹ, bố mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu và tăng cữ bú nhằm cung cấp đủ nước và các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Trẻ trên 6 tháng tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol để hạ sốt và bù điện giải.
-
Trẻ sốt từ 39 độ trở lên: Khi sốt cao trên 39 độ, mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ trẻ sốt cao co giật. Bên cạnh đó, mẹ nên kết hợp với một số cách hạ sốt không dùng thuốc như dùng khăn ấm chườm trán, lau người,… Lưu ý, việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho trẻ cần được sự đồng ý của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng và loại thuốc mà bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp trẻ có co giật, bố mẹ cần đặt nhanh một chiếc khăn mềm vào miệng trẻ để ngăn bé cắn vào lưỡi.
Ibuprofen và Paracetamol là hai loại thuốc hạ sốt và giảm đau thường được sử dụng cho trẻ. Tại Việt Nam, Ibuprofen không được khuyến nghị khi trẻ sốt do sốt xuất huyết, vì vậy Paracetamol thường được ưu tiên sử dụng. Thuốc có tác dụng sau khoảng nửa tiếng và kéo dài trong khoảng 4 tiếng. Trẻ chỉ nên uống liều tiếp theo sau 4-6 tiếng nếu thân nhiệt của trẻ chưa hạ xuống mức an toàn. Khi trẻ sốt quá cao, bố mẹ không nên tự ý kết hợp Ibuprofen và Paracetamol cho trẻ uống vì điều này không giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn mà có thể gây nguy hiểm.
Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị trẻ sốt về đêm
Trẻ em bị sốt bao nhiêu cần đưa đi gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp, sốt ở trẻ có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ, như bệnh viêm màng não mô cầu, nhiễm trùng huyết, sốc-trụy tim mạch,… Vì vậy, khi trẻ phát sốt, bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt, hạ sốt đúng cách và ghi lại các triệu chứng đi kèm khi trẻ sốt. Nếu trẻ có các dấu hiệu sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ càng sớm càng tốt:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt.
- Trẻ sốt cao trên 40 độ C.
- Sốt cao kéo dài hơn 72 giờ.
- Trẻ có biểu hiện mất nước.
- Sốt cao co giật.
- Có dấu hiệu cứng cổ.
- Đau đầu dữ dội.
- Phát ban trên da.
- Nôn ói nhiều.
- Mất ý thức, lơ mơ.
- Khó đánh thức, ngủ li bì.
- Quấy khóc nhiều.
- Khó thở.
- Không bú được, không nuốt thức ăn hay uống nước được.
Khi trẻ sốt cao, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Các cách hạ sốt cấp tốc cho trẻ tại nhà
Đối với trẻ sốt ở mức vừa và nhẹ, mẹ có thể hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng cách không dùng thuốc, như sau:
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí.
- Mặc quần áo thoải mái, có khả năng thấm hút tốt cho trẻ.
- Bổ sung đủ nước và điện giải cho trẻ.
- Lấy khăn mềm thấm nước ấm lau người cho trẻ 5-15 phút/lần, tập trung ở vùng trán, nách và bẹn.
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ, đo lại thân nhiệt trung bình khoảng 1-2 tiếng/lần.
- Dùng miếng hạ sốt cho trẻ.
- Bổ sung đủ dưỡng chất, Vitamin và khoáng chất cho trẻ trong mỗi bữa ăn.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ bị sốt và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Tóm lại, với những thông tin đã đề cập về vấn đề “Trẻ sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm?”, hy vọng các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn và nắm được cách chăm sóc phù hợp, đúng cách khi trẻ bị sốt. Đối với các trường hợp trẻ bị sốt cao và cực cao, bố mẹ nên thông báo cho bác sĩ chuyên khoa hoặc đưa trẻ đến các bệnh viện uy tín để được hỗ trợ càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây biến chứng nguy hiểm.