Romano sinh ngày 21/2/1993, là một nhà báo người Italy chuyên trách tin tức chuyển nhượng. Anh sinh ra tại Napoli.
Romano bắt đầu làm báo từ năm 18 tuổi, với công việc viết tin tức thể thao cho một website tiếng Italy không mấy tên tuổi. Cũng trong giai đoạn này, Romano có cơ hội làm việc một thời gian ngắn tại La Masia – Trung tâm đào tạo của Barca, gặp gỡ một vài cầu thủ và bắt đầu nhận các tin tức chuyển nhượng đầu tiên. Một số người đại diện tiếp cận Romano, nhờ anh truyền thông cho các khách hàng của mình, giúp họ tìm thấy cơ hội tốt.
Trên Sportbible, Romano kể: “Một người đại diện nói với tôi: ‘Tôi biết anh là một nhà báo mới vào nghề, nhưng anh có thể giúp tôi lần này không? Hãy viết một bài báo về hai cầu thủ mà tôi vừa tiếp cận'”.
“Họ là Gerard Deulofeu và Mauro Icardi”, ký giả Italy tiết lộ. “Tôi bắt đầu tạo quan hệ với anh ta và nó giúp ích rất nhiều. Khi Icardi sang Sampdoria rồi Inter, tôi là người có tin đầu tiên. Tin tức về Icardi khi đó, với tôi, hết sức quan trọng”.
Đó là lần đầu tiên Romano tiếp cận lĩnh vực thông tin chuyển nhượng sâu sắc đến thế và chứng kiến diễn tiến của một thương vụ thật sự. Anh kể lại: “Tôi có tin độc: người đại diện gọi cho tôi từ tháng 11 và kể rằng họ đã đạt thỏa thuận với Inter. Inter cũng tiến gần đến thỏa thuận với Sampdoria. Anh ta nói: ‘Anh có thể viết thỏa thuận sắp hoàn tất, và cầu thủ sẽ không đến CLB ngay tháng Giêng, mà chờ đến tháng Sáu năm sau’. Đó là cách tôi khởi đầu. Tôi yêu công việc này ngay từ lúc đó. Thị trường chuyển nhượng là một khu rừng rậm mà tôi luôn nói: bạn chờ đợi những điều không chờ đợi sẽ xảy ra hàng ngày. Tôi thích cảm giác đó”.
10 năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Romano, giờ 27 tuổi, là nguồn tin chuyển nhượng hàng đầu. Có thể ví anh với một hãng thông tấn tin tức bóng đá sừng sỏ. Tài khoản Facebook của Romano có 3 triệu người theo dõi, Twitter có 5,2 triệu người. Họ dõi theo “màn thể hiện” của Romano trong “trận đấu thông tin”, đúng như lời anh bảo: “Công việc của tôi như một trận đấu ở Champions League. Các tin tức được đăng tải là các bàn thắng của một trận chung kết”.
Với mạng lưới quan hệ rộng khắp, Romano dường như biết mọi thương vụ. Giống việc bạn biết giới tính đứa trẻ trước khi nó được sinh ra. Romano ngủ chỉ năm tiếng mỗi ngày, từ 5 đến 10 giờ sáng, trong suốt mấy tháng chuyển nhượng. Anh nghĩ về bóng đá 24/24h. Như Antonio Conte hay Jose Mourinho vậy. Tỉnh dậy là anh vồ lấy điện thoại, bắt đầu gọi điện, nhắn tin cho những người đại diện và các giám đốc bóng đá của các CLB.
“Mỗi ngày là rất nhiều đầu mối liên lạc mới, gặp gỡ những nhân vật mới”, Romano nói. “Ở Italy, chỉ cần ra nhà hàng hay khách sạn là bạn có tin. Bạn biết thêm vài người. Chìa khóa là các mối quan hệ. Khi thân thiết với các nhân vật làng bóng đá trong thị trường chuyển nhượng một cách đúng đắn, bạn sẽ có tin. Tôi tôn trọng họ và ngược lại. Tôi được tin tưởng vì đã quen biết họ nhiều năm, họ biết tôi sẽ không gây rắc rối. Sẽ có thời điểm tôi không thể là người bắn tin đầu tiên, nhưng nhiều khi phải thế, nếu họ yêu cầu. Lòng tin mang đến tin đúng. Hôm nay anh là vua nếu đưa tin đúng, nhưng ngày mai anh sẽ chết nếu tin sai. Trong nghề này, anh phải luôn trung thực”.
Do đó, Romano có một nguyên tắc làm báo riêng: Tính chính xác quan trọng hơn việc là người đưa tin đầu tiên. Anh thừa nhận rất khó để một cá nhân đơn lẻ đưa tin đầu tiên về Ngoại hạng Anh, Serie A, La Liga hay Bundesliga. Mục tiêu của Romano là tin phải đúng. “Để mọi người thích. Mọi người tin rằng cứ tin từ Romano là chính xác”, anh nói.
“Tôi không muốn bán fake news (tin giả). Đấy không phải định hướng của tôi. Nếu anh chỉ theo dõi một đội bóng thì đơn giản. Anh có thể quen hết từ Chủ tịch, Giám đốc đến người đại diện và cầu thủ. Nhưng tôi bao quát một phạm vi rộng hơn. Tôi luôn phải kiểm tra nguồn tin, từ người đại diện, các giám đốc đến những người tôi quen biết. Đôi khi tôi muốn phát điên, vì phải gửi rất nhiều tin nhắn”.
Ít người biết rằng từ 19 tuổi, khi đầu quân cho Sky Sports Italy, Romano đã được làm việc và học hỏi từ đàn anh Gianluca di Marzio, một nhà báo thể thao Italy gạo cội. Bây giờ, dù có các kênh độc lập với hệ thống tin của Di Marzio, Romano không bao giờ quên đồng nghiệp này. “Vấn đề của tin tức không nằm ở tôi hay Di Marzio, nó thuộc về bản thân thông tin đó”, Romano nói. “Tôi với Di Marzio là một đội. Chúng tôi làm việc cùng nhau. Như thể một đội bóng vậy. Nên chúng tôi rất vững mạnh. Bóng đá và thị trường chuyển nhượng cũng như thế”.
Có một điểm đặc biệt trong các dòng trạng thái của Romano đó là khi một thương vụ hoàn tất, anh luôn thòng theo một câu khẩu hiệu: “Xong rồi! Lên đường nào” (OK. Here we go!). Nó nổi tiếng đến nỗi trở thành dấu hiệu nhận biết một thông tin được xác nhận của Romano thay vì bất cứ hãng thông tin nào đó. “Tôi không nhớ sử dụng câu đó lần đầu khi nào”, Romano tiết lộ.
“Hàng ngày tôi viết rất nhiều, viết liên tục. Có lẽ lần đầu tôi dùng câu đó vào khoảng hai năm trước, khi tiết lộ thông tin chuyển nhượng của Man Utd. Các đội hàng đầu luôn được quan tâm, nên tôi phải viết rất nhiều về vụ đó. Ngày ngày qua ngày khác. Tweet liên tục. Khi thương vụ hoàn tất, tôi viết: ‘Xong rồi. Lên đường nào’. Ngay lập tức độc giả của tôi phát cuồng với câu đó, cho nên hôm sau khi viết về Tottenham hay Real Madrid, tôi thòng câu đó vào. Tôi không có chủ đích tạo thương hiệu cá nhân. Đây hoàn toàn là khán giả tạo nên thương hiệu cho tôi”.
Romano thú thật rằng không có khán giả thì không có anh hôm nay. Khán giả có nhu cầu thông tin rất lớn, cần anh phục vụ. Đổi lại, Romano không ngại phải trả lời các tin nhắn của họ trên Instagram hay Twitter về một thương vụ nào đó.
“Tôi cố gắng trả lời hết thắc mắc của họ mỗi ngày vì điều đó rất quan trọng với họ”, anh tâm sự. “Tôi biết cảm giác làm một CĐV bóng đá. Tôi không phải ngôi sao. Tôi là một người bình thường chuyên cung cấp tin chuyển nhượng. Tôi cũng là người yêu bóng đá. Khi nhìn thấy thông tin hồi đáp của mình được khán giả chia sẻ rộng rãi, tôi cảm thấy thật sự rất hạnh phúc. Không có các CĐV sẽ không có tin tức chuyển nhượng. Chứng kiến họ tương tác với tin tức hàng ngày là phần tuyệt vời trong công việc của tôi”.
Hè 2021, Romano phải trả lời rất nhiều câu hỏi của fan Man Utd về Jadon Sancho. Cũng giống khi Cristiano Ronaldo sang Serie A hay Ever Banega từ Inter sang Sevilla. Đấy là những thương vụ khiến anh ngạc nhiên nhất. Vì chúng rất bấp bênh: cầu thủ có thể đổi ý bất cứ lúc nào, khâu khám sức khỏe có thể đổ bể. Adrien Rabiot từ Juventus sang Barca, hay David Silva từ Man City sang Lazio là các vụ tương tự. Mọi thỏa thuận đã hoàn tất. Nhưng sau cùng chúng không xảy ra.
“Chuyển nhượng tự do là khía cạnh nguy hiểm nhất của thông tin chuyển nhượng, vì có rất ít ràng buộc. Cầu thủ có thể thay đổi ý định vào phút chót. Nhưng đó cũng là vẻ đẹp của chuyển nhượng. Luôn có rủi ro. Bạn phải làm quen với việc đó”.
Cũng từ nghề này, Romano nhận ra một số đặc tính ít được nói đến của các đội bóng. Vì bao quát thông tin toàn châu Âu, anh thấy chuyển nhượng mỗi nơi mỗi khác. “Ví dụ tại Italy, ngày chót của thị trường rất khác tại Anh”, Romano phân tích. “Ở Italy, các đội lớn luôn làm việc xong xuôi trước hạn chót. Chỉ các đội trung bình mới chốt đơn ở ngày cuối. Các đội như Juventus hay Inter không mua cầu thủ trong ngày cuối thị trường. Đó không phải thói quen của họ. Do đó, ngày chót ở Ngoại hạng Anh thường điên rồ hơn các nơi khác”.
“Tôi vẫn nhớ ngày 31/8 năm ngoái. Odion Ighalo đang ở Milano với người đại diện. Giờ ăn trưa. Thế rồi anh ta sang Man Utd. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đó là lý do tôi luôn theo sát Ngoại hạng Anh trong ngày đóng cửa kỳ chuyển nhượng”, ông trùm thông tin nhấn mạnh.
Đỗ Hiếu tổng hợp
- Dortmund đồng ý bán Sancho cho Man Utd
- Real đồng ý bán Varane cho Man Utd
- PSG đạt được thoả thuận với Messi
- Max Allegri trở lại Juventus