Hội thảo Công bố Báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam và Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chính sách phát triển

Sáng ngày 06/12/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam và Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chính sách phát triển”. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo, có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số Bộ, ngành, Chuyên gia trong nước và quốc tế; một số cơ quan thông tấn, báo chí tại Hà Nội. Hội thảo được kết nối trực tuyến với 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết dân số Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong phân bố tuổi với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học từ mức sinh và mức tử vong cao sang thấp. Những thay đổi trong cơ cấu tuổi dân số kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, đặt ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển buộc nhiều chính sách kinh tế phải thay đổi phù hợp với sự biến động về dân số. Trên thực tế, hầu hết các số liệu thống kê tổng hợp về kinh tế hiện nay, đặc biệt là các số liệu trong lĩnh vực tài khoản quốc gia thường không tính đến các vấn đề dân số cũng như những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số. Khoảng trống này là rào cản đối với những hiểu biết đầy đủ về tác động của dân số đối với các vấn đề kinh tế – kết quả do chính dân số tạo ra.

xem thêm  Top 100 thương vụ chuyển nhượng đắt giá nhất lịch sử bóng đá, họ là ai?

Tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA) có thể lấp đầy khoảng trống này. NTA tập trung vào tác động kinh tế của những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số. Bằng cách cung cấp các ước tính về thu nhập, tiêu dùng, tiết kiệm và cả chuyển nhượng khu vực công và tư cho các nhóm tuổi cụ thể, NTA bổ sung một khía cạnh quan trọng cho các thước đo về tổng sản phẩm trong nước (GDP) và các chỉ tiêu kinh tế phổ biến khác.

Nhận thấy những điểm mạnh của phương pháp NTA trong nghiên cứu mối quan hệ giữa các thế hệ dân số và phát triển kinh tế, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, TCTK đã chủ trì, phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực NTA tiến hành nghiên cứu, biên soạn báo cáo “Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam năm 2018, 2020 và 2022”.

Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Vụ Thống kê Dân số và Lao động (TCTK) đã trình bày Báo cáo tổng quan về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam: những phát hiện chính. Báo cáo làm rõ một số vấn đề chính như: cơ sở lý luận, phương pháp tính, nguồn số liệu biên soạn tài khoản chuyển nhượng quốc gia; Các đặc điểm, lợi tức của nhân khẩu học và đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động ở Việt Nam.

xem thêm  Sàn Chuyển Nhượng Sôi Động: MU Sẵn Sàng Bán "Người Thừa", Ivan Toney Muốn Bay Cao, Atletico Sắp Rước Vua Phá Lưới

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm đến từ các chuyên gia quốc tế, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia ở Việt Nam. Các đại biểu cũng đã lắng nghe và tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến việc đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi của dân số đến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động ở Việt Nam thông qua NTA, các kết quả đạt được cũng như các vấn đề còn bất cập cần tiếp tục có sự nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho TCTK hiểu rõ hơn, phát hiện nhiều các vấn đề mới, các thách thức cần phải tập trung nghiên cứu giải quyết.

Thông qua buổi Hội thảo, Tổng cục Thống kê Việt Nam cùng với các cơ quan, ban, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để có thể khai thác, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng và áp dụng phương pháp này một cách tốt nhất nhằm cung cấp thêm bằng chứng phục vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách cũng như thiết lập quy trình giám sát tác động của thay đổi nhân khẩu học đối với các chỉ tiêu kinh tế quan trọng. TCTK thấy rằng nhu cầu xã hội đối với thông tin thống kê nói chung và Tài khoản chuyển nhượng quốc gia nói riêng là rất lớn. TCTK cần có sự đầu tư hơn nữa cả về con người và nguồn lực để thông tin thống kê có thể đáp ứng một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và thuận tiện nhất nhu cầu ngày càng cao của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.