Bài giảng Đức Thánh Cha – Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

bài giảng công giáo
bài giảng công giáo

Bài giảng Đức Thánh Cha - Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA (01/01)

WHĐ (30.12.2023) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01).

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01):

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

Đức Phanxicô, Bài giảng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2024 – Mẹ Thiên Chúa là trung tâm của thời gian

Anh chị em thân mến,

Những lời của Tông đồ Phaolô soi sáng sự khởi đầu của năm mới: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ” (Gal 4:4). Cụm từ “thời gian tới hồi viên mãn” thật ấn tượng. Vào thời cổ đại, người ta có phong tục đo thời gian bằng cách làm rỗng và đổ đầy chiếc vò hai quai: khi chúng trống rỗng, một khoảng thời gian mới bắt đầu và kết thúc khi chúng đầy. Đây là thời điểm viên mãn: khi chiếc vò hai quai của lịch sử lấp đầy, thì ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập: Thiên Chúa trở thành con người và làm người nơi cung lòng của một người nữ, Đức Maria. Mẹ là con đường Chúa đã chọn; Mẹ là đích điểm của nhiều người và nhiều thế hệ, những người “từng chút một” đã chuẩn bị cho việc Chúa đến trong thế giới. Như vậy, Mẹ là trung tâm của thời gian: Thiên Chúa vui lòng làm thay đổi lịch sử ngang qua Mẹ, một người nữ. Với từ này, Kinh Thánh nhắc chúng ta về nguồn cội, về Sáng Thế, và gợi ý rằng Người Mẹ với Hài Nhi đánh dấu một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới. Do đó, vào lúc khởi đầu thời kỳ cứu độ có Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thánh thiện của chúng ta.

Thật tuyệt vời khi năm mới mở ra bằng cách cầu khẩn Mẹ; Thật tuyệt vời khi dân Thiên Chúa, như đã từng ở Êphêsô, hân hoan tuyên xưng Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Những lời Mẹ Thiên Chúa thực sự diễn tả sự chắc chắn tươi vui rằng Chúa, Hài Nhi dễ mến trong vòng tay của Mẹ, đã mãi mãi hiệp nhất với nhân tính chúng ta, đến mức nhân tính này không còn là của riêng chúng ta, mà còn của Người. Mẹ Thiên Chúa: chỉ trong vài lời đã nói lên mối liên minh vĩnh cửu của Chúa với chúng ta. Mẹ Thiên Chúa: đó là một tín điều của đức tin, nhưng cũng là một “tín điều hy vọng”: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa, mãi mãi. Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Vào thời viên mãn Chúa Cha đã sai Con của Người được sinh ra bởi một người phụ nữ; nhưng bản văn của Thánh Phaolô bổ sung thêm lời sai phái thứ hai: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : ‘Áp-ba, Cha ơi !’” (Gal 4,6). Và ngay cả trong việc sai Chúa Thánh Thần, Người Mẹ vẫn là nhân vật chính: Chúa Thánh Thần bắt đầu ngự xuống trên Mẹ trong Ngày Truyền Tin (xem Lc 1:35), rồi vào lúc khởi đầu của Giáo Hội, Người ngự xuống trên các Tông Đồ tụ họp cầu nguyện “với Đức Maria, người Mẹ” (Cv 1:14). Vì vậy, sự chào đón của Đức Maria đã mang đến cho chúng ta những hồng ân lớn lao nhất: Mẹ đã “làm cho Chúa trở thành anh em của chúng ta” (TOMMASO DA CELANO, Vita Seconda, CL, 198: FF 786) và để cho Chúa Thánh Thần kêu lên trong tâm hồn chúng ta: “Abba, Cha ơi! ”. Tình mẫu tử của Đức Maria là con đường để gặp được tình phụ tử dịu dàng của Thiên Chúa, con đường gần gũi nhất, trực tiếp nhất, dễ dàng nhất. Đây là cách của Thiên Chúa: gần gũi, thương cảm và dịu dàng. Thật vậy, Người Mẹ dẫn chúng ta đến sự khởi đầu và trái tim của đức tin, vốn không phải là một lý thuyết hay một cam kết, nhưng là một hồng ân vô hạn, khiến chúng ta trở thành con cái yêu dấu, trở thành nơi cư ngụ của tình yêu của Chúa Cha. Vì vậy, việc chào đón Mẹ vào cuộc đời chúng ta không phải là một lựa chọn sùng kính mà là một đòi hỏi của đức tin: “Nếu chúng ta muốn trở thành Kitô hữu, chúng ta phải là những người của Đức Mẹ” (S. PAUL VI, Bài giảng ở Cagliari, 24 tháng 4 năm 1970), nghĩa là những người con của Đức Mẹ.

Giáo hội cần Đức Maria để tái khám phá khuôn mặt nữ tính của mình: trở nên giống Mẹ hơn, Đấng, với tư cách là một người phụ nữ, Trinh nữ và là người Mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo (xem Lumen gentium, 63); để dành không gian cho phụ nữ và trổ sinh ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng sự quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và phụ nữ để tìm thấy sự bình an, thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và hận thù, và trở về với những cái nhìn và trái tim con người nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ: tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ, biết rằng ai làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ.

Đức Maria, người phụ nữ, vừa là người mang tính quyết định trong thời gian viên mãn, vừa là người mang tính quyết định đối với cuộc sống của mỗi người; bởi vì không ai biết rõ thời cơ và sự cấp bách của con cái mình hơn Mẹ. Điều này một lần nữa được tỏ ra cho chúng ta qua “sự khởi đầu”, dấu lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana. Ở đó, chính Mẹ Maria nhận thấy thiếu rượu và quay lại với Người (xem Ga 2,3). Chính nhu cầu của con cái đã động lòng Mẹ, Người Mẹ, để thúc đẩy Chúa Giêsu can thiệp. Và tại Cana, Chúa Giêsu nói: “Hãy đổ đầy nước vào các chum; và họ đổ đầy tới miệng” (Ga 2,7). Đức Maria, Đấng biết nhu cầu của chúng ta, cũng đổ đầy ân sủng cho chúng ta và đưa cuộc sống của chúng ta đến chỗ viên mãn. Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm, những nỗi cô đơn, những khoảng trống cần được lấp đầy. Mỗi người chúng ta biết về mình. Ai có thể lấp đầy được khoảng trống đó nếu không phải là Đức Maria, Mẹ của sự tràn đầy? Khi chúng ta bị cám dỗ vây kín, chúng ta đến với Mẹ; khi chúng ta không thể gỡ mình ra khỏi những nút thắt của cuộc sống, chúng ta tìm nơi nương tựa nơi Mẹ. Thời đại của chúng ta, thiếu vắng hòa bình, đang cần một Người Mẹ mang gia đình nhân loại lại với nhau. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất, và chúng ta hãy làm như vậy với sự sáng tạo của Mẹ như một Người Mẹ chăm sóc con cái mình: Mẹ tập hợp họ lại và an ủi họ, lắng nghe nỗi buồn của họ và lau khô nước mắt cho họ. Chúng ta nhìn vào tranh thánh Virgo lactans (Đức Trinh Nữ cho con bú) để thấy sự dịu dàng. Đó là người mẹ: biết bao sự dịu dàng bảo vệ chúng ta và gần gũi chúng ta. Mẹ bảo vệ và gần chúng ta.

Chúng ta hãy phó thác năm mới cho Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy thánh hiến cuộc đời mình cho Mẹ. Mẹ, với sự dịu dàng, biết cách làm cho nó đến sự tròn đầy. Bởi vì Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là sự viên mãn của thời gian, của mọi thời gian, của thời đại chúng ta, thời gian của mỗi người chúng ta. Thực vậy, như có lời viết, “không phải thời gian viên mãn đã khiến Con Thiên Chúa được sai đến, nhưng trái lại, việc sai Con Thiên Chúa đã làm cho thời gian viên mãn” (xem M. LUTHER, Vorlesung über den Galaterbrief 1516-1517, 18). Anh chị em thân mến, cầu chúc cho năm nay được tràn đầy niềm an ủi của Chúa; Cầu chúc năm nay tràn đầy sự dịu hiền từ mẫu của Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Giờ đây tôi mời gọi anh chị em cùng nay lặp lại ba lần: Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Kinh Truyền Tin lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2024 – Sự im lặng của Mẹ Thiên Chúa là một nét đẹp

Anh chị em thân mến, chúc mừng năm mới!

Trong ngày này, ngày chúng ta tôn vinh Đức Maria Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy đặt thời gian mới được ban cho chúng ta dưới cái nhìn ân cần của Mẹ. Xin Mẹ bảo vệ chúng ta trong năm mới.

Hôm nay Tin Mừng mặc khải cho chúng ta rằng sự cao cả của Đức Maria không hệ ở việc thực hiện một hành động phi thường nào đó; đúng hơn, trong khi các mục đồng, sau khi nhận được tin báo của các thiên thần, vội vã tiến về Bêlem (xem Lc 2,15-16), thì Mẹ vẫn im lặng. Sự im lặng của Mẹ là một nét đẹp. Đó không đơn giản chỉ là sự vắng đi lời nói, mà là sự im lặng tràn đầy kinh ngạc và tôn thờ trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện. Thánh Luca lưu ý: “Bà Maria đã ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Bằng cách này, Mẹ dành chỗ trong lòng Mẹ cho Đấng được sinh ra; trong sự thinh lặng và tôn thờ, Mẹ đặt Chúa Giêsu vào trung tâm và làm chứng Người là Đấng Cứu Độ. Đức Maria, Mẹ của sự thinh lặng, Đức Maria, Mẹ của sự tôn thờ.

Như vậy, Mẹ là Mẹ không chỉ vì Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng mình và sinh ra Người, mà còn vì Mẹ làm Người nổi bật mà không thay thế Người. Mẹ sẽ im lặng ngay cả dưới thập giá, trong giờ phút đen tối nhất, và sẽ tiếp tục nhường chỗ cho Người và sinh ra Người cho chúng ta. Một nhà thiêng liêng và nhà thơ thế kỷ 20 đã viết: “Trinh nữ, thánh đường của Sự thinh lặng / […] Chúa mang xác thịt của chúng ta lên thiên đàng / và Thiên Chúa trong xác thịt’ (D.M. TUROLDO, Laudario alla Vergine. «Via pulchritudinis», Bologna 1980, 35). Thánh đường của sự thinh lặng: đó là một hình ảnh đẹp. Với sự thinh lặng và khiêm nhường của mình, Đức Maria là “thánh đường” đầu tiên của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa và con người có thể gặp nhau.

Nhưng ngay cả những người mẹ của chúng ta, với sự quan tâm kín đáo, với sự chu đáo của họ, cũng thường là thánh đường tráng lệ của sự thinh lặng. Họ đưa chúng ta vào thế giới và sau đó tiếp tục dõi theo chúng ta, thường không được chú ý, để chúng ta có thể phát triển. Chúng ta hãy nhớ điều này: tình yêu không bao giờ làm cho người được yêu cảm thấy ngột ngạt, tình yêu nhường chỗ cho người khác và làm cho họ lớn lên.

Anh chị em thân mến, vào đầu năm mới, chúng ta nhìn lên Đức Maria và với tấm lòng biết ơn, chúng ta cũng nghĩ và nhìn đến những người mẹ, để học được rằng tình yêu được vun trồng trên hết trong sự thinh lặng, biết nhường chỗ cho người khác, tôn trọng phẩm giá của họ, để cho họ quyền tự do bày tỏ chính mình, từ chối mọi hình thức chiếm hữu, áp bức và bạo lực. Đây là một nhu cầu rất lớn ngày hôm nay! Như Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới hôm nay nhắc lại: “Tự do và chung sống hòa bình bị đe dọa khi con người chiều theo cám dỗ ích kỷ, tư lợi, ham muốn lợi nhuận và khao khát quyền lực”. Ngược lại, tình yêu được tạo nên từ sự tôn trọng và lòng tốt: bằng cách này, nó phá bỏ những rào cản và giúp sống các mối tương quan huynh đệ, xây dựng những xã hội công bằng, nhân đạo hơn, hòa bình hơn.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, để trong năm mới chúng ta có thể lớn lên trong tình yêu dịu dàng, thầm lặng và kín đáo này, tình yêu tạo ra sự sống và mở ra những con đường hòa bình và hòa giải trên thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Kinh chiều I lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 31.12.2023 – Biết ơn và hy vọng

Anh chị em thân mến,

Đức tin cho phép chúng ta sống thời điểm này khác với não trạng trần thế. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang lại cho chúng ta một cảm nhận mới về thời gian và cuộc sống. Tôi sẽ tóm tắt nó trong hai từ: biết ơn và hy vọng.

Ai đó có thể nói: “Nhưng đó chẳng phải là điều mọi người làm vào buổi tối cuối cùng của năm sao? Mọi người đều cảm ơn, mọi người đều hy vọng, dù tin hay không tin”. Có lẽ nó dường như là vậy, và nó là như vậy! Nhưng, thực tế, lòng biết ơn trần thế, niềm hy vọng trần thế là điều dễ thấy; chúng thiếu chiều kích thiết yếu là chiều kích tương quan với Đấng Khác và với người khác, với Thiên Chúa và với anh chị em. Khi sự biết ơn và hy vọng trần thế chỉ tập trung vào tôi, thì nó sẽ dễ bị hụt hơi và không thể đi xa hơn là sự hài lòng và lạc quan.

Ngược lại, trong Giờ Kinh chiều này, với đỉnh điểm là bài thánh thi tuyệt mỹ Te Deum, người ta có thể hít thở một bầu không khí hoàn toàn khác: bầu không khí ca ngợi, kinh ngạc và biết ơn. Và điều này xảy ra không phải vì sự uy nghiêm của Vương cung thánh đường, không phải vì ánh sáng và những bài hát – đúng hơn, những điều này là hệ quả -, nhưng vì Mầu nhiệm được diễn tả trong điệp ca của thánh vịnh đầu tiên: “Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu: Đấng tác tạo con người lại sinh làm Con Đức Trinh Nữ để ta được thông phần bản tính Thiên Chúa”. Cuộc trao đổi này thật kỳ diệu.

Phụng vụ giúp chúng ta đi vào cảm thức của Giáo hội; và có thể nói, Giáo hội học những điều đó từ Mẹ Đồng Trinh.

Chúng ta hãy nghĩ về lòng biết ơn của Đức Maria khi Mẹ nhìn Chúa Giêsu mới sinh. Đây là một kinh nghiệm mà chỉ một người mẹ mới có được, tuy nhiên nơi Mẹ, nơi Mẹ Thiên Chúa, kinh nghiệm này có chiều sâu độc nhất, không gì sánh được. Chỉ Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse biết Hài Nhi đến từ đâu. Nhưng Người vẫn ở đó, thở, khóc, cần ăn, cần được che chở, được chăm sóc. Mầu nhiệm dành chỗ cho lòng biết ơn, vốn trổ sinh trong chiêm niệm về ân sủng, trong sự vô vị lợi, trong khi chết ngạt trong nỗi lo lắng về những của cải và về sự phô trương.

Giáo Hội học được lòng biết ơn từ Mẹ Đồng Trinh. Và cũng học được niềm hy vọng. Người ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã chọn Mẹ, Maria người Nazareth, bởi vì nơi trái tim Mẹ, Thiên Chúa đã nhìn thấy phản ánh chính hy vọng của Người, là điều Người đã đổ tràn nơi Mẹ bằng Thánh Thần. Mẹ Maria luôn tràn đầy tình yêu, tràn đầy ân sủng, và do đó, Mẹ cũng đầy tràn niềm tin tưởng và hy vọng.

Niềm hy vọng của Mẹ Maria và của Giáo hội không phải là sự lạc quan, mà là một điều gì khác: đó là sự tin tưởng vào Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Người (xem Lc 1:55); và đức tin này mang hình thức hy vọng trong chiều kích thời gian, chúng ta có thể nói là “đang trên hành trình”. Người Kitô hữu, giống như Đức Maria, là một người hành hương của hy vọng. Và đây sẽ là chủ đề của Năm Thánh 2025: “Những Người Hành hương của Hy vọng”.

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: Roma có đang chuẩn bị để trở thành “thành phố của hy vọng” trong Năm Thánh không? Tất cả chúng ta đều biết rằng việc tổ chức Năm Thánh đã được tiến hành được một thời gian. Nhưng chúng ta hiểu rõ rằng, theo cái nhìn của chúng ta ở đây, vấn đề chủ yếu không phải là về điều này; đúng hơn đó là chứng tá của cộng đoàn Giáo hội và dân sự; chứng từ đó, hơn cả các sự kiện, hệ tại ở lối sống, ở phẩm chất đạo đức và thiêng liêng của việc chung sống. Và do đó, câu hỏi có thể được đặt ra như thế này: chúng ta có đang làm việc, mỗi người trong lãnh vực của mình, để thành phố này trở thành dấu chỉ hy vọng cho những ai đang sống và cho những người đến thăm nó không?

Một ví dụ. Bước vào Quảng trường Thánh Phêrô và thấy rằng, trong vòng tay của những hàng cột, mọi người thuộc mọi quốc tịch, văn hóa và tôn giáo bước đi một cách tự do và thanh thản, là một trải nghiệm khơi lên niềm hy vọng; nhưng điều quan trọng là nó được khẳng định bằng sự chào đón nồng nhiệt khi viếng thăm Đền Thánh, cũng như qua các dịch vụ thông tin. Một ví dụ khác: sự quyến rũ của trung tâm lịch sử lâu đời và phổ quát của Roma; nhưng làm sao để người già hoặc người khuyết tật vận động cũng có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức; và “vẻ đẹp tuyệt vời” phải tương ứng với phong cách trang trí đơn giản và chức năng bình thường ở những địa điểm và bối cảnh của cuộc sống thường nhật. Bởi vì một thành phố đáng sống hơn cho người dân của mình cũng sẽ thân thiện hơn với mọi người.

xem thêm  Quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của công dân

Anh chị em thân mến, một cuộc hành hương, đặc biệt nếu dấn thân, đòi hỏi cần sự chuẩn bị tốt. Vì lý do này, vào năm tới, trước Năm Thánh, được dành riêng cho việc cầu nguyện. Trọn một năm dành cho việc cầu nguyện. Và không vị thầy nào tốt hơn cho chúng ta ngoài Mẹ Thánh của chúng ta. Chúng ta hãy học nơi trường học của Mẹ: chúng ta hãy học nơi Mẹ cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, mỗi công việc với cái nhìn nội tâm hướng về Chúa Giêsu. Tất cả đều ở trong sự hiện diện và ân sủng của Chúa Giêsu, là Chúa. Tất cả với lòng biết ơn và hy vọng.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2023 – Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời!

Anh chị em thân mến,

“Mẹ Thánh của Thiên Chúa!” là danh xưng được Dân Chúa ở Êphêsô hô vang trên các đường phố vào năm 431, khi các Nghị phụ Công đồng tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một yếu tố thiết yếu của đức tin, nhưng trước hết là một tin tuyệt vời: Thiên Chúa có một người Mẹ và do đó, Người mãi mãi liên kết với nhân loại chúng ta, giống như đứa con với mẹ mình, đến mức nhân tính của chúng ta là nhân tính của Người. Hơn nữa, điều này cũng được Công đồng Vatican II khẳng định: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Người đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” (Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, 22). Đây là điều Thiên Chúa đã làm khi được sinh ra từ Đức Maria: Ngài đã bày tỏ tình yêu cụ thể của Người dành cho nhân loại chúng ta, bằng cách đón nhận nhân loại một cách thực sự và trọn vẹn. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng việc làm; không phải “từ trên cao”, từ xa, nhưng “ở gần”, từ bên trong xác thịt của chúng ta, bởi vì nơi Mẹ Maria, Ngôi Lời đã nhập thể, bởi vì trong lòng ngực của Chúa Kitô, một trái tim bằng thịt tiếp tục đập, đập cho mỗi người chúng ta!

Danh xưng Mẹ Thiên Chúa trong Kinh Kính Mừng

Danh hiệu “Mẹ Thánh của Thiên Chúa” được nhiều sách vở và chuyên luận lớn viết đến, nhưng trên hết, những lời này đã đi vào trái tim của Dân thánh Thiên Chúa, trong kinh nguyện gia đình và quen thuộc nhất, đi cùng với nhịp sống hằng ngày, của những giây phút mệt mỏi nhất và của những hy vọng táo bạo nhất: Kinh Kính Mừng. Sau một số câu trích từ Lời Chúa, phần thứ hai của lời cầu nguyện bắt đầu thế này: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Lời cầu khẩn này thường đánh dấu ngày sống của chúng ta và, qua Mẹ Maria, đã cho phép Thiên Chúa đến gần cuộc sống và lịch sử của chúng ta. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội: được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên tràng chuỗi Mân Côi và trong những lúc cần thiết, trước ảnh thánh hoặc trên đường phố, Mẹ Thiên Chúa luôn đáp lại lời cầu khẩn này, lắng nghe những lời xin của chúng ta, Mẹ chúc lành cho chúng ta với Chúa Con trong vòng tay của Mẹ, Mẹ mang đến cho chúng ta sự dịu dàng của Thiên Chúa nhập thể. Mẹ cho chúng ta, trong một từ, “hy vọng”. Và chúng ta, đầu năm này, cần hy vọng như đất cần mưa. Năm mới mở ra với dấu hiệu của Mẹ Thiên Chúa và của chúng ta, nói với chúng ta rằng chìa khóa của niềm hy vọng là Đức Maria, và điệp ca của niềm hy vọng là lời cầu khẩn Đức Mẹ Chúa Trời. Và hôm nay chúng ta phó thác Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI thân yêu cho Mẹ Rất Thánh, xin Mẹ đồng hành với ngài trong bước đường từ thế giới này đến Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ cách đặc biệt cho những người con đang đau khổ và không còn sức để cầu nguyện, cho nhiều anh chị em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới. Họ đang sống những ngày lễ này trong bóng tối và giá lạnh, trong đau khổ và sợ hãi, đắm chìm trong bạo lực và thờ ơ! Dành cho những người không có hòa bình, chúng ta tung hô Mẹ Maria, người nữ đã mang Hoàng Tử Bình An đến thế gian (x. Is 9:5; Gal 4:4). Nơi Mẹ là Nữ Vương hòa bình, lời chúc lành mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I đã ứng nghiệm: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6:26). Qua bàn tay của một người Mẹ, bình an của Thiên Chúa muốn vào nhà của chúng ta, trái tim của chúng ta, thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải làm gì để có được sự bình an đó?

Học với các mục đồng: Đi và nhìn

Chúng ta hãy để những người chúng ta gặp trong bài Tin Mừng hôm nay hướng dẫn, những người đầu tiên nhìn thấy Đức Mẹ và Hài Nhi, đó là các mục đồng ở Bêlem. Họ là những người nghèo và thậm chí có thể khá thô kệch, và họ đã làm việc vào đêm hôm đó. Chính họ, không phải những người khôn ngoan và thậm chí không phải là những người quyền thế, đã là những người đầu tiên nhận ra Thiên Chúa gần gũi, Thiên Chúa đến với người nghèo và yêu thương ở với người nghèo. Về các mục đồng, Tin Mừng trước hết nhấn mạnh đến hai cử chỉ rất đơn sơ, tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Những người chăn cừu đã ra đi và nhìn thấy. Hai cử chỉ: Đinhìn.

Trước hết là đi. Bản văn nói rằng các mục đồng “hối hả ra đi” (Lc 2:16). Họ không ở yên. Lúc đó là ban đêm, họ phải chăm sóc đàn gia súc và chắc chắn họ rất mệt mỏi: họ có thể đợi bình minh, đợi mặt trời mọc để đi xem Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thay vào đó, họ lên đường không chậm trễ, bởi vì đối diện với những điều quan trọng, người ta phải phản ứng kịp thời, không trì hoãn; bởi vì “ân sủng của Thần Khí không cho phép sự chậm chạp” (S. AMBROGIO, Commento su san Luca, 2). Và do đó, họ đã tìm thấy Đấng Mê-si-a, Đấng đã được chờ đợi từ rất lâu và là Đấng mà nhiều người đang tìm kiếm.

Anh chị em thân mến,

Nếu chúng ta chào đón Thiên Chúa và sự bình an của Người, thì người ta không thể ngồi yên tại chỗ và thoải mái chờ đợi mọi sự tốt lên. Chúng ta phải đứng dậy, nắm lấy cơ hội của ân sủng, ra đi, mạo hiểm. Cần phải mạo hiểm. Hôm nay, ngày đầu năm, thay vì suy nghĩ và hy vọng mọi việc sẽ thay đổi, chúng ta nên tự hỏi: “Năm nay tôi muốn đi đâu? Tôi sẽ làm điều tốt cho ai?”. Nhiều người, trong Giáo hội và trong xã hội, mong đợi điều tốt lành mà bạn và chỉ bạn mới có thể mang lại, sự phục vụ của bạn. Và, đối diện với sự lười biếng gây mê và sự thờ ơ đến tê liệt, đối diện với nguy cơ tự giới hạn mình trong việc ngồi trước màn hình và đặt tay trên bàn phím, các mục đồng hôm nay khuyến khích chúng ta ra đi, để được đánh động trước những gì đang xảy ra trên thế giới, để xắn tay lên làm điều tốt, từ bỏ bao nhiêu thói quen và tiện nghi để mở lòng đón nhận những điều mới mẻ của Thiên Chúa, những điều được tìm thấy trong sự khiêm nhường phục vụ, trong sự can đảm quan tâm chăm sóc. Chúng ta hãy bắt chước các mục đồng: lên đường!

Tin Mừng cho biết, đến nơi, các mục đồng “gặp thấy Đức Maria, thánh Giuse và Hài nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Sau đó, Tin Mừng lưu ý rằng, chỉ “sau khi nhìn thấy Người” (c. 17), họ mới bắt đầu, với đầy kinh ngạc, kể cho những người khác về Chúa Giê-su và tôn vinh ca tụng Thiên Chúa vì tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy (xem cc. 17-18.20 ). Bước ngoặt ở đây là nhìn thấy Người. Điều quan trọng là nhìn thấy, ôm lấy Người bằng ánh nhìn, và ở lại, như những mục đồng, trước Chúa Hài Đồng trong vòng tay của Mẹ. Họ không nói gì, không hỏi gì, không làm gì, nhưng chỉ thinh lặng ngắm nhìn, tôn thờ và đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa làm người và của Mẹ Người và Mẹ của chúng ta. Vào đầu năm, trong số rất nhiều điều mới cần trải nghiệm và nhiều điều muốn làm, chúng ta hãy dành thời gian để nhìn, nghĩa là để mở đôi mắt và giữ cho chúng luôn mở với những gì quan trọng: cho Chúa và cho người khác. Chúng ta có can đảm để cảm nhận sự ngạc nhiên của gặp gỡ, vốn là cách thức của Thiên Chúa. Đây là điều khác xa với cám dỗ của thế giới, vốn dỗ ngọt chúng ta. Sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, sự gặp gỡ, mang lại cho chúng ta bình an; ngược lại thì chỉ làm cho chúng ta bị ru ngủ và tê liệt.

Bài học hôm nay

Biết bao lần, vì vội vã, chúng ta thậm chí không có thời gian để dừng lại dù chỉ một phút trong sự đồng hành của Chúa để lắng nghe Lời Người, để cầu nguyện, để tôn thờ, để ngợi khen… Điều tương tự cũng xảy ra với những người khác: bị mắc kẹt trong sự vội vàng hoặc cho mình là trung tâm, không còn thời gian để lắng nghe giữa vợ chồng, nói chuyện với con cái, hỏi thăm chúng xem tâm hồn chúng thế nào, chứ không chỉ chuyện học hành, sức khỏe ra sao. Và thật tốt biết bao khi lắng nghe người già, ông bà, để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống và khám phá lại cội nguồn. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có thể nhìn thấy những người sống bên cạnh chúng ta không, những người sống trong cùng tòa nhà với chúng ta, những người mà chúng ta gặp hàng ngày trên đường phố. Chúng ta hãy bắt chước các mục đồng: học cách nhìn!

Đi và nhìn. Hôm nay Chúa đã đến giữa chúng ta và Mẹ Thiên Chúa đặt Người trước mắt chúng ta. Hãy cùng tái khám phá trong sự hăm hở lên đường và trong sự ngỡ ngàng nhìn xem những bí mật để làm cho năm nay thật sự mới mẻ, và chiến thắng sự mệt mỏi của sự ù lì hoặc cám dỗ bình an giả tạo.

Và bây giờ, anh chị em thân mến, tôi mời gọi tất cả hãy nhìn lên Mẹ và tung hô Mẹ ba lần như những tín hữu ở Êphêsô từng hô: Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Mẹ Thánh của Thiên Chúa!

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Kinh chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa 31.12.2022 – Hãy học lấy sự tử tế của Thiên Chúa

“Người sinh hạ bởi một người phụ nữ” (Gal 4,4)

Khi thời kỳ đã mãn, Thiên Chúa trở nên người phàm. Người không đến trần gian theo kiểu ngự giá từ trời, nhưng là sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Không phải là người sinh ra trong một người nữ, nhưng là sinh ra bởi một người nữ. Hai điều này rất khác nhau: Thiên Chúa muốn mặc lấy máu thịt từ chính Mẹ. Người không tước lấy, nhưng Người mời gọi lời “Xin Vâng” và sự đồng thuận của Mẹ. Với Mẹ, Người khởi đầu một chuyến hành trình cưu mang chậm rãi một nhân tính được giải phóng khỏi tội lỗi, đầy ân sủng và sự chân thật, đầy tình yêu và sự trung tính. Một nhân tính tốt lành, chân thật, giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù nhân tính ấy mang lấy thân xác của nhân loại chúng ta từ máu huyết của Đức Maria. Chuyến hành trình này không thể nào không có sự tham dự và đồng thuận của Đức Mẹ, trong tự do, tự nguyện, tôn trọng, và tình yêu.

Đây chính là con đường mà Thiên Chúa đã chọn để bước vào thế giới và bước vào trong lịch sử. Đây chính là cách thế của Thiên Chúa. Đây là cách thế thiết yếu, thiết yếu như chính sự kiện đã xảy ra. Đặc tính Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, một người Mẹ Trinh Nữ, một sự Đồng Trinh có khả năng sinh hạ, chính là con đường mạc khải về sự tôn trọng tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho tự do của chúng ta. Đấng đã tạo nên chúng ta khi không có chúng ta không muốn cứu độ chúng ta mà không có [phần tham dự của] chúng ta (cfr S. Agostino, Sermo CLXIX, 13).

Đây là cách thế Người đến để cứu độ chúng ta. Đây là con đường mà Người mời chúng ta bước theo, tiếp tục cùng với Người dệt nên một nhân loại mới, tự do, hoà giải. Đây là một phong cách, một phương thế tương quan với chính chúng ta mà từ đó có thể phát sinh vô vàn nhân đức của một sự chung sống thiện hảo và xứng đáng. Một trong những nhân đức này là sự tử tế, một phong cách sống cổ võ tình huynh đệ và tình bạn đại đồng (cfr Enc. Fratelli tutti, 222-224).

Nói về sự tử tế, trong thời khắc này tôi nghĩ đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI của chúng ta. Sáng hôm nay Ngài đã lìa bỏ chúng ta. Với lòng cảm mến xúc động, chúng ta nhớ đến Ngài, một con người cao cả và tử tế. Chúng ta cảm nhận từ lòng mình rất nhiều sự biết ơn: biết ơn Chúa đã ban Ngài cho Giáo Hội và cho thế giới; biết ơn Ngài vì tất cả những điều tốt đẹp Ngài đã làm, và trên tất cả là chứng tá về đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện của Ngài trong những năm cuối đời của Ngài trong nhịp sống ẩn dật. Chỉ Thiên Chúa mới biết được giá trị và sức mạnh từ lời chuyển cầu của Ngài, từ những hy sinh mà Ngài đã dâng lên Chúa vì lợi ích của Giáo Hội.

Tối nay, tôi muốn trình bày về sự tử tế như một nhân đức của đời sống xã hội, đặc biệt hướng đến giáo Phận Roma.

Sự tử tế là một thành tố quan trọng của văn hoá đối thoại. Đối thoại là điều bất khả thay thế cho một cuộc sống trong hoà bình và huynh đệ. Đối thoại không có nghĩa là luôn luôn đồng thuận với nhau, điều này vẫn thường xảy ra, nhưng dẫu vậy, chúng ta vẫn nói, vẫn nghe, vẫn cố gắng để hiểu nhau và để hướng đến sự gặp gỡ. Chúng ta hãy nghĩ xem: “thế giới này sẽ ra sao nếu không có một sự đối thoại kiên nhẫn giữa những con người quảng đại, là những người gìn giữ mối dây hiệp nhất giữa các gia đình và các cộng đoàn. Các cuộc đối thoại liên lỉ và can đảm thường không ồn ào như các cuộc bất hoà và xung đột, nhưng bằng một cách thế cẩn trọng giúp cho thế giới này ngày một trở nên tốt hơn”. Sự tử tế là một phần của đối thoại. Tử tế không chỉ là một nghi thức, cũng không phải chỉ là một nhãn hiệu theo kiểu nghi thức. Đây không phải là loại tử tế mà tôi muốn nói. Đúng hơn, tử tế là một nhân đức mà chúng ta phải nỗ lực và thực hành mỗi ngày, để đi ngược dòng đời và để làm cho xã hội của chúng ta mang đậm tính nhân văn hơn.

Ngày nay, những tổn hại gây ra do chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ là điều mà ai cũng thấy. Tổn hại nghiêm trọng nhất là khi những người chung quanh bị chúng ta xem như là chướng ngại cho sự bình an và tiện ích của đời sống chúng ta. Tha nhân bị coi là những kẻ làm phiền, làm quấy nhiễu, làm mất thời giờ và tâm sức, khiến chúng ta không làm được những điều mình thích. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ có xu hướng trở nên hung hăng, bởi vì tha nhân trở thành những kẻ cạnh tranh mà tôi phải chiến đấu. Dẫu vậy, trong lòng chính xã hội này, và cả trong những nghịch cảnh, vẫn có những người dạy cho chúng ta thấy: chúng ta vẫn có thể chọn lựa sống tử tế. Với lối sống của họ, họ trở nên những ngôi sao chiếu sáng giữa bóng đêm.

Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Galat mà chúng ta vừa nghe trong buổi phụng vụ hôm nay, nói về những hoa quả của Thánh Thần. Trong số những hoa quả được nhắc tới, chúng ta có nghe một từ Hy-lạp chrestotes (5,22). Đây là từ mà chúng ta có thể dịch là “tử tế”: Ấy là một thái độ tốt bụng, nâng đỡ và an ủi tha nhân, tránh xa mọi hình thức cay nghiệt và cứng cỏi. Ấy là một hình thức chăm sóc cho người thân cận, đặc biệt lưu tâm để không làm họ tổn thương bằng lời nói hay bằng cử chỉ; tìm cách làm nhẹ đi gánh nặng của những người khác, khích lệ, ủi an và nâng đỡ họ; không miệt thị, khinh rẻ, hay xem thường họ (cfr Fratelli tutti, 223).

Sự tử tế là một phương thuốc chống lại những bệnh tật của xã hội chúng ta: chống lại sự thô bạo, là điều không may đã thấm nhiễm như nọc độc vào trái tim con người và làm vỡ vụn những tương quan, chống lại sự bất an lo lắng là những điều vốn chỉ làm cho chúng ta tập trung vào chính mình và loại trừ tha nhân (cfr ibid., 224). Đây là những chứng bệnh trong đời sống thường ngày của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên gây hấn và mất khả năng nói những lời tốt lành như “xin phép”, “xin lỗi”, và đặc biệt là “cám ơn”. Đến độ trên đường phố, trong những quầy tạp hoá, trong văn phòng, mỗi khi chúng ta gặp một con người tử tế, chúng ta thấy ngạc nhiên như thể được chứng kiến một phép lạ vậy; ấy là bởi vì sự tử tế chừng như đã không còn là điều bình thường nữa. Nhưng mà tạ ơn Chúa, vẫn còn đó những con người tử tế, là những người biết đặt qua một bên những bận tâm của riêng mình để lưu tâm đến những người khác, để trao tặng một nụ cười, một lời động viên, biết lắng nghe một ai đó đang cần đến một ai đó để tâm sự và được nâng đỡ.

xem thêm  Chu Thanh Huyền - Người phụ nữ đằm thắm bên trái tim của Quang Hải

Anh chị em thân mến,

Sống sự tử tế như một nhân đức trong đời sống cá nhân và đời sống xã hội có thể giúp ích rất nhiều người sống tốt hơn trong đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội. Do đó, hướng về năm mới trong thành phố Roma, tôi muốn cầu chúc cho tất cả những ai đang cư ngụ nơi này luôn lớn lên trong nhân đức này: nhân đức tử tế. Kinh nghiệm dạy rằng khi sự tử tế trở nên một lối sống, lối sống ấy có thể kiến tạo một sự chung sống lành mình, làm cho những mối tương quan xã hội mang đậm tính nhân văn, giải trừ mọi thái độ bạo lực và dửng dưng.

Chúng ta hãy nhìn lên linh ảnh Mẹ Thiên Chúa. Hôm nay và ngày mai, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô chúng ta có thể tôn kính linh ảnh Đức Mẹ Carmine di Avigliano, ở Potenza. Chúng ta đừng quên mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho mình kinh ngạc về sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng đã có thể xuất hiện trong thế giới chúng ta với hàng ngàn kiểu khác nhau với quyền năng của Người, thế nhưng Đấng ấy đã muốn được thụ thai trong cùng lòng Đức Maria, với sự tự do hoàn toàn của Mẹ. Người đã muốn được nên hình nên dạng sau chín tháng cưu mang như một trẻ sơ sinh, được sinh hạ bởi Mẹ, bởi chính một người phụ nữ. Đừng lướt qua nhanh quá. Chúng ta hãy dừng lại, hãy chiêm ngắm và suy niệm, bởi vì chính đây là điều căn cố của mầu nhiệm cứu độ. Và chúng ta hãy học lấy cách thế của Thiên Chúa, hãy học lấy sự tôn trọng tuyệt đối của Người, hãy học lấy sự tử tế của Người. Bởi lễ trong căn tính Mẹ Thiên Chúa Đồng Trinh có một con đường cho một thế giới đầy tình người hơn.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2023 – Quan tâm chăm sóc

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc mừng năm mới!

Khởi đầu một năm mới được phó thác cho Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà hôm nay chúng ta mừng kính là Mẹ Thiên Chúa. Trong giây phút này, chúng ta cùng nhau, xin Mẹ cầu bầu đặc biệt cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, hôm qua ngài đã giã từ thế giới này. Tất cả chúng ta cùng hiệp nhất, cùng một lòng một ý, tạ ơn Thiên Chúa về món quà này – là người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và của Giáo hội.

Trong khi chúng ta còn chiêm ngưỡng Mẹ Maria ở hang đá nơi Chúa Giêsu sinh ra, chúng ta có thể tự hỏi: Đức Trinh Nữ nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nào? Chúng ta có thể học được gì từ Mẹ cho năm mới này?

Trong thực tế, nếu chúng ta nhìn vào khung cảnh mà phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng Đức Maria không nói. Mẹ ngạc nhiên đón nhận mầu nhiệm mà Mẹ sống, Mẹ gìn giữ mọi sự trong lòng và nhất là chăm sóc cho Hài Nhi, mà theo Tin Mừng – đang “nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Động từ “đặt nằm” này có nghĩa là đặt xuống cách nâng niu, và cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ riêng của Mẹ Maria là ngôn ngữ của tình mẫu tử: dịu dàng chăm sóc Hài Nhi. Đây là sự cao cả của Mẹ Maria: trong khi các thiên thần hát mừng, các mục đồng chạy đến và mọi người lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa về biến cố đã xảy ra, thì Mẹ Maria không nói, Mẹ không giải thích cho các vị khách những gì đã xảy ra cho Mẹ, không giành quyền nói; trái lại, Mẹ đặt Hài Nhi làm trung tâm, chăm sóc Người bằng tình yêu. Một nữ thi sĩ đã viết rằng Mẹ Maria “biết cách im lặng một cách long trọng, […] bởi vì Mẹ không muốn lạc mất ánh nhìn vào vị Thiên Chúa của mình” (A. MERINI, Corpo d’amore. Un incontro con Gesù, Milano 2001, 114) .

Đây là ngôn ngữ đặc trưng của tình mẫu tử: sự dịu dàng của việc quan tâm chăm sóc. Thật vậy, sau khi cưu mang món quà kỳ diệu nơi cung lòng suốt chín tháng, các bà mẹ tiếp tục đặt trung tâm của mọi sự chú ý vào con của mình: họ nuôi nấng chúng, bế chúng trên tay, nhẹ nhàng đặt chúng vào nôi. Quan tâm chăm sóc: đây cũng là ngôn ngữ của Mẹ Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, giống như tất cả các bà mẹ, Mẹ Maria cưu mang sự sống trong cung lòng của Mẹ và do đó nói với chúng ta về tương lai của chúng ta. Nhưng đồng thời Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta thực sự muốn năm mới tốt đẹp, nếu chúng ta muốn xây dựng lại niềm hy vọng, thì chúng ta cần phải bỏ đi những ngôn ngữ, cử chỉ và lựa chọn do sự ích kỷ thúc đẩy và học lấy ngôn ngữ của tình yêu, đó là sự quan tâm chăm sóc. Chúng ta cần dấn thân: chăm sóc sự sống của chúng ta, thời gian của chúng ta, linh hồn của chúng ta; chăm sóc thụ tạo và môi trường chúng ta đang sống; và hơn thế nữa, chăm sóc người lân cận của chúng ta, những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta, cũng như những anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn và những người cần đến sự quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Mừng Ngày Hòa bình Thế giới hôm nay, một lần nữa chúng ta ý thức trách nhiệm được trao phó cho chúng ta trong việc xây dựng tương lai: trước những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang trải qua, trước thảm kịch chiến tranh, “chúng ta được kêu gọi đối diện với những thách thức của thế giới chúng ta với trách nhiệm và lòng trắc ẩn” (Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới LVI, 5). Và chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta quan tâm đến nhau và nếu tất cả cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta cầu xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, để trong thời đại này, bị ô nhiễm bởi sự ngờ vực và thờ ơ, xin Mẹ làm cho chúng ta có khả năng cảm thương và quan tâm chăm sóc, có khả năng “xúc động và dừng lại trước người khác, bất cứ khi nào cần” (Tông huấn Evangelii gaudium, 169).

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2022 – Ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng

Anh chị em thân mến,

Những người chăn chiên gặp thấy “Đức Maria, Thánh Giuse và Hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Máng cỏ là một dấu hiệu vui mừng cho những người chăn chiên: nó xác nhận những gì họ đã nghe được từ thiên thần (xem c.12), đó là nơi họ tìm thấy Đấng Cứu Thế. Và đó cũng là bằng chứng rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh họ: Ngài sinh ra trong máng cỏ, một vật dụng mà họ biết rõ, như vậy chứng tỏ rằng Ngài gần gũi và thân thuộc. Nhưng máng cỏ cũng là một dấu hiệu vui mừng cho chúng ta: Chúa Giêsu chạm đến trái tim chúng ta bằng cách sinh ra nhỏ bé và nghèo khó, Người gợi nên nơi chúng ta tình yêu vượt trên sợ hãi. Máng cỏ tiên báo cho chúng ta rằng, Người trở nên lương thực cho chúng ta. Và sự nghèo khó của Người là một tin mừng cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người bên lề, cho những người bị loại trừ, cho những người chẳng được thế giới biết đến. Chúa đến đó, Người không có con đường ưu tiên, thậm chí không có một cái nôi! Đây là vẻ đẹp khi nhìn thấy Người nằm trong máng cỏ.

Nhưng đối với Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa thì không như vậy. Mẹ đã phải chịu “một cú sốc của máng cỏ”. Mẹ, trước cả các mục đồng, cũng đã nhận được lời loan báo của thiên thần với những lời loan báo rất long trọng về ngai vàng vua Đavit: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.” (Lc 1,31-32). Và bây giờ, Mẹ phải đặt con vào một máng đựng thức ăn cho súc vật. Làm sao có thể dung hòa giữa ngai vua và máng cỏ tội nghiệp? Làm thế nào để dung hòa giữa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự khốn khổ của chuồng vật? Chúng ta hãy nghĩ đến nỗi khổ của Mẹ Thiên Chúa, còn gì khổ hơn đối với một người mẹ khi nhìn thấy con mình phải chịu khốn khó? Hãy để mình cảm nhận nỗi khốn khổ này. Người ta cũng không thể trách móc Mẹ Maria nếu Mẹ phàn nàn về tất cả sự hoang tàn không mong đợi đó. Nhưng Mẹ đã không để mất tinh thần. Mẹ không buông xả, nhưng im lặng. Mẹ chọn một lối khác ngược với phàn nàn: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

Đó là cách hành động khác với cách thức của các mục đồng và dân chúng. Họ kể cho mọi người nghe những gì họ đã thấy: thiên thần hiện ra lúc nửa đêm, những lời loan báo về Hài Nhi. Và dân chúng, khi nghe những điều này, thì hết sức kinh ngạc (xem c. 18): lời nói và kinh ngạc. Ngược lại, Mẹ Maria vẫn trầm tư. Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó là hai thái độ khác nhau mà chúng ta cũng có thể nhìn thấy nơi chúng ta. Câu chuyện và sự kinh ngạc của những người chăn chiên nhắc nhớ tình trạng những bước khởi đầu của đức tin. Ở đó, mọi thứ thật dễ dàng và đơn giản, chúng ta vui mừng bởi sự mới mẻ của Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta, mang lại một bầu khí kỳ diệu cho mọi khía cạnh cuộc sống chúng ta. Trong khi thái độ suy gẫm của Mẹ Maria là biểu hiện của một đức tin trưởng thành, chín chắn, không phải của người mới khởi đầu; của một đức tin không chỉ mới được sinh ra, nhưng của một đức tin sinh hoa trái. Bởi vì sự phong nhiêu thiêng liêng cần phải trải qua thử thách. Từ sự yên tĩnh của Nazareth và những lời hứa vẻ vang nhận được từ thiên thần – từ bước khởi đầu – Mẹ Maria giờ đây đang ở trong chuồng vật tăm tối của Bêlem. Nhưng đó là nơi Chúa ban cho thế giới. Và trong khi những người khác, đứng trước cú sốc của máng cỏ thì bị thất vọng, còn Mẹ thì không: Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Chúng ta học nơi Mẹ Thiên Chúa thái độ này: ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Bởi vì chúng ta cũng có lúc phải đối diện với “cú sốc của máng cỏ”. Chúng ta hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp, nhưng rồi một vấn đề không mong đợi đến, như thể tiếng sét ầm vang phát ra từ một bầu trời quang đãng. Và một cú va chạm đau đớn diễn ra giữa kỳ vọng và thực tế. Điều này cũng xảy ra với đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị đặt vào thử thách bởi những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta gặp trên hành trình. Nhưng hôm nay Mẹ Thiên Chúa dạy chúng ta rút ra ích lợi từ tác động này. Nó cho chúng ta thấy rằng thử thách là cần thiết, rằng đó là con đường hẹp để đi đến đích, không có thập giá thì không có sự sống lại, như thể sự đau đớn khi sinh con để mang lại sự sống cho một đức tin trưởng thành hơn.

Anh chị em thân mến, làm thế nào để thực hiện bước này, làm thế nào để vượt qua sự xung đột giữa lý tưởng và thực tế? Hãy làm giống như Mẹ Maria: ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Trước hết, Đức Maria ghi nhớ, gìn giữ, nghĩa là không từ chối. Mẹ không từ chối những gì xảy ra. Hãy ghi nhớ, gìn giữ tất cả trong lòng mình, tất cả những gì bạn đã thấy và nghe; những điều tốt đẹp, như những gì thiên thần đã nói với Mẹ và những gì các người chăn chiên thuật lại; nhưng cả những điều khó chấp nhận: sự nguy hiểm của việc mang thai trước khi thành hôn và giờ là sự chật hẹp hoang tàn của chuồng vật. Đây là những gì Mẹ Maria đã làm: Mẹ không chọn lựa, nhưng ghi nhớ, đón nhận thực tế như nó là, không cố gắng giả vờ, hóa trang cho cuộc sống.

Và sau đó là thái độ thứ hai, như mẹ Maria đã làm: suy gẫm. Động từ mà Tin Mừng sử dụng gợi lên sự đan xen các sự việc: Đức Maria đối diện với kinh nghiệm khác nhau, và tìm ra những sợi chỉ tiềm ẩn kết nối chúng lại. Trong lòng, trong cầu nguyện, Mẹ đã hoàn thành hành động phi thường này: kết nối những điều đẹp lẫn điều xấu; không để chúng tách biệt, nhưng hợp nhất chúng lại. Và đây là lý do Đức Maria là Mẹ của tính Công giáo. Chúng ta có thể nói, đôi chút miễn cưỡng rằng, Mẹ Maria là người Công giáo, bởi vì Mẹ liên kết, không chia rẽ. Vì vậy, Mẹ hiểu được đầy đủ ý nghĩa, viễn cảnh của Thiên Chúa. Mẹ đã hiểu trong lòng rằng, vinh quang của Đấng Tối Cao biểu lộ ngang qua sự khiêm hạ; Mẹ đón nhận chương trình cứu độ, mà để mang lại, Thiên Chúa phải đặt mình trong máng cỏ. Mẹ nhìn thấy Hài Nhi Thánh mỏng giòn và yếu đuối, và đón nhận sự đan xen kỳ diệu của Thiên Chúa giữa sự vĩ đại và sự nhỏ bé.

Ánh nhìn bao gồm này, vượt qua những đối kháng, bằng cách ghi nhớ và suy gẫm, là ánh mắt của những bà mẹ. Đó là cái nhìn của nhiều bà mẹ trước những tình huống của con cái mình. Đó là một cái nhìn cụ thể, không cho phép mình nản lòng, không bị tê liệt khi đối diện với các vấn đề, nhưng đặt chúng vào một chân trời rộng lớn hơn. Mẹ Maria đã làm như thế, đến tận đồi Calvê. Tôi nghĩ đến khuôn mặt của những bà mẹ chăm sóc đứa con bệnh tật hay khó khăn. Bao nhiêu tình yêu trong mắt họ, mà trong khi khóc họ biết tìm ra lý do để hy vọng! Cái nhìn của họ là cái nhìn ý thức, không ảo tưởng, nhưng vượt lên trên những đau khổ và vấn đề, mang lại một góc nhìn rộng lớn hơn, đó là sự quan tâm, của tình yêu giúp tái sinh hy vọng. Đây là những gì các bà mẹ làm: họ biết cách vượt qua những trở ngại và xung đột, họ biết cách làm lan tỏa hòa bình. Do đó, họ có khả năng chuyển đổi nghịch cảnh thành cơ hội tái sinh và lớn lên. Họ làm điều đó vì họ biết cách ghi nhớ gìn giữ, họ biết cách giữ những sợi dây sự sống lại với nhau. Cần có những người có thể dệt nên những sợi dây hiệp thông, đối ngược lại với quá nhiều sợi kẽm gai của chia rẽ.

Năm mới bắt đầu bằng dấu chỉ của Mẹ. Cái nhìn mẫu tử là cách để tái sinh và lớn lên. Những người mẹ, người phụ nữ nhìn thế giới không phải để khai thác nó mà là để sống: nhìn bằng trái tim, họ cố gắng cùng nhau giữ những ước mơ và sự cụ thể, tránh bị trôi theo chủ nghĩa thực dụng vô vị và trừu tượng. Giáo hội là người mẹ và là một người mẹ như thế. Và trong khi các bà mẹ trao ban sự sống và những phụ nữ bảo vệ thế giới, thì chúng ta hãy làm tất cả để thăng tiến các bà mẹ và bảo vệ phụ nữ. Bao nhiêu bạo lực đối với phụ nữ đang diễn ra! Đã quá đủ rồi! Làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy nhân tính từ một phụ nữ.

Vào đầu Năm Mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự che chở của người phụ nữ này, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta ghi nhớ và suy gẫm về mọi sự, không sợ thử thách, với niềm vui chắc chắn rằng, Chúa là Đấng thành tín và biết cách biến các thập giá thành sự sống lại. Hôm nay chúng ta cũng hãy cùng cầu khẩn Mẹ như Dân Chúa ở Êphêsô đã làm, bằng cách lặp lại ba lần danh hiệu Mẹ Thiên Chúa: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thiên Chúa.”

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2021 – Chúc lành, sinh ra và tìm thấy

Anh chị em thân mến,

Trong các bài đọc Thánh Lễ hôm nay, ba động từ được thể hiện trọn vẹn nơi Mẹ Thiên Chúa: Chúc lành, sinh ra và tìm thấy.

Chúc lành

Động từ thứ nhất: Chúc lành. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Dân số, trong đó Thiên Chúa ra lệnh cho thừa tác viên thánh của Ngài chúc lành cho dân Người: “Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)!” Đây không phải là lời kêu gọi đạo đức; nó là một yêu cầu cụ thể. Điều này thật quan trọng, ngày nay, cả các linh mục cũng không ngừng chúc lành cho Dân Chúa và chính các tín hữu là những người mang lời chúc lành; họ chúc phúc. Chúa biết chúng ta cần được chúc lành biết bao. Điều đầu tiên Thiên Chúa làm sau khi tạo thành thế giới đó là nói rằng mọi sự đều tốt (nói điều tốt) và nói về chúng ta rằng chúng ta rất tốt. Tuy nhiên, giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà còn nhận được chính phúc lành: chính Chúa Giêsu là phúc lành của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói với chúng ta, trong Chúa Giêsu, Chúa Cha cho chúng ta được hưởng ‘muôn vàn phúc lành’ (Ep 1,3). Mỗi khi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, thì phúc lành của Thiên Chúa sẽ đi vào cuộc sống của chúng ta.

xem thêm  Du lịch nước ngoài dịp Tết âm lịch: Chọn điểm đến thích hợp nhất

Nơi nào có Mẹ Maria, có Chúa Giêsu, có phúc lành

Trong khi Chúa Giêsu, bởi bản tính Thiên Chúa, là phúc lành, thì Mẹ Maria là đấng được “chúc lành” bởi ân sủng. Bằng cách này, Mẹ Maria mang đến cho chúng ta phúc lành của Thiên Chúa. Bất cứ nơi nào có Mẹ, có Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cần chào đón Mẹ như thánh Elizabeth, người đã ngay lập tức nhận ra phúc lành và đã kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1, 42). Chúng ta lặp lại những lời đó mỗi khi đọc kinh Kính Mừng. Khi chào đón Mẹ Maria, chúng ta nhận được phúc lành, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Đức Mẹ dạy chúng ta rằng các phúc lành được nhận để được trao tặng. Mẹ, người đã được chúc phúc, đã trở thành một phúc lành cho tất cả những người Mẹ gặp gỡ: cho bà Elizabeth, cho cặp vợ chồng mới cưới ở Cana, cho các Tông đồ trong Phòng Tiệc Ly… Chúng ta cũng được kêu gọi để chúc lành, ‘nói tốt’ nhân danh Chúa. Thế giới của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi cách chúng ta “nói” và nghĩ “xấu” về người khác, về xã hội, về chính chúng ta. Nói xấu hủy hoại và làm suy thoái, trong khi chúc lành phục hồi cuộc sống và mang lại sức mạnh cần thiết để bắt đầu lại.” Ngài mời gọi cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để chúng ta là những người vui vẻ mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ làm đối với chúng ta.

Sinh ra

Động từ thứ hai là sinh ra. Trong bài đọc thứ hai thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng Con Thiên Chúa được “sinh ra bởi một người nữ” (Gl 4, 4). Chỉ trong vài lời này, thánh nhân nói với chúng ta một điều kỳ diệu: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta. Người không tự đến thế giới này nhưng từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ của Người. Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong lòng Mẹ Maria; Thiên Chúa của sự sống đã hít lấy oxy từ Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa vì trong Mẹ, Thiên Chúa đã ràng buộc mình vào xác thịt của chúng ta, và Người không bao giờ rời bỏ nó. Thánh Phanxicô say mê điều này nên nói rằng Đức Maria “làm cho Thiên Chúa quyền năng trở nên anh em với chúng ta” (SAINT BONAVENTURE, Legenda Maior, 9, 3). Mẹ Maria không chỉ là nhịp cầu nối chúng ta với Chúa; còn hơn thế nữa. Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng ta thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác.

Vì Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng; Người có thật và thành nhục thể; Người “được sinh ra bởi một người nữ” và lặng lẽ lớn lên. Người nữ ấy biết về cách lớn lên thầm lặng này. Chúng ta, những người đàn ông, thường có xu hướng trừu tượng và muốn mọi thứ ngay lập tức. Người nữ là những người cụ thể và biết dệt nên những sợi chỉ cuộc sống bằng sự kiên nhẫn thầm lặng. Biết bao người phụ nữ, biết bao bà mẹ đã sinh ra và tái sinh sự sống, cống hiến cho thế giới một tương lai!

Chúng ta ở trên thế giới này không phải để chết, nhưng để mang lại sự sống. Mẹ rất thánh của Thiên Chúa dạy chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc trao tặng sự sống cho những người xung quanh là trân trọng nó trong chính bản thân mình. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng Đức Maria ‘ghi nhớ tất cả những điều này trong lòng’ (x. Lc 2,19). Lòng tốt đến từ trái tim. Giữ cho tâm hồn mình trong sạch, trau dồi đời sống nội tâm và lời cầu nguyện của chúng ta thì quan trọng biết bao! Giáo dục trái tim của chúng ta biết quan tâm, trân trọng những người và mọi vật xung quanh chúng ta thì quan trọng biết bao. Mọi thứ bắt đầu từ điều này: từ việc trân trọng tha nhân, thế giới và thụ tạo. Biết nhiều người và nhiều thứ thì có ích gì nếu chúng ta không trân trọng họ?

Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng vào những khởi đầu mới và cách chữa trị mới, chúng ta đừng lơ là việc chăm sóc. Cùng với vắc xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc xin cho trái tim. Vắc xin đó là chăm sóc. Đây sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta chăm sóc tha nhân, như Đức Mẹ đã làm với chúng ta.

Tìm thấy

Động từ thứ ba là tìm thấy. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng những mục đồng đã tìm thấy Đức Maria và Thánh Giuse và hài nhi (c. 16) không ở những dấu hiệu kỳ diệu và ngoạn mục, nhưng là trong một gia đình đơn giản. Ở đó họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự bé nhỏ, sức mạnh trong sự dịu dàng. Nhưng làm thế nào những người chăn chiên có thể tìm thấy dấu hiệu khó thấy này? Họ được gọi và soi sáng bởi một thiên thần. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, Đấng sinh ra bởi một người phụ nữ và đã cách mạng hóa lịch sử bằng tình yêu dịu dàng, nhưng bằng ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta phát hiện ra rằng sự tha thứ của Người làm tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, sự hiện diện của Người mang lại niềm vui không gì có thể ngăn cản được. Chúng ta đã tìm thấy Người nhưng chúng ta không được để mất dấu của Người. Thật vậy, Chúa không bao giờ được tìm thấy một lần và mãi mãi: mỗi ngày Người phải được tìm thấy lại. Do đó, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn tìm kiếm, liên tục di chuyển: ‘Họ vội vã đi, họ tìm thấy, họ biết, họ trở về, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa’ (cc. 16-17.20). Họ không thụ động, bởi vì để nhận được ân sủng, chúng ta phải chủ động.

Dành thời gian cho Chúa và cho tha nhân

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được gọi tìm thấy điều gì vào đầu năm nay? Sẽ rất tốt nếu chúng ta tìm thời gian dành cho ai đó. Thời gian là kho báu mà tất cả chúng ta đều sở hữu, nhưng chúng ta lại sở hữu nó cách ghen tuông, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta hãy cầu xin ơn để tìm được thời gian dành cho Chúa và cho người lân cận – cho những người cô đơn hoặc đau khổ, cho những người cần ai đó lắng nghe và quan tâm đến họ. Nếu chúng ta có thể tìm thấy thời gian để cho đi, chúng ta sẽ ngạc nhiên và tràn đầy niềm vui, giống như các mục đồng.

Nguyện xin Đức Mẹ, Đấng đã mang Chúa vào thế giới thời gian giúp chúng ta quảng đại với thời gian của mình. Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con dâng hiến cho Mẹ Năm Mới này. Lạy Mẹ, Mẹ biết cách gìn giữ những điều trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con tìm thời gian cho Chúa và cho người khác. Với niềm vui và sự tin tưởng, chúng con ca ngợi Mẹ: Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Amen.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2018: Danh hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ

Anh chị em thân mến,

Ngày đầu năm bắt đầu trong thánh danh của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là danh hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ. Nhưng chúng ta có thể thắc mắc tại sao chúng ta gọi là Mẹ Thiên Chúa mà không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Trong quá khứ một số người chỉ muốn bằng lòng với điều sau, nhưng Giáo hội đã tuyên bố rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nên biết ơn vì những lời này chứa đựng một sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Nghĩa là kể từ khi Chúa nhập thể nơi Đức Maria, thì từ lúc đó và cho đến luôn mãi Ngài mang lấy nhân tính của chúng ta trên mình. Không còn có Thiên Chúa mà không có con người: thịt xác mà Đức Giêsu đã nhận lấy từ Mẹ là của Ngài và sẽ luôn mãi là của Ngài. Nói Mẹ Thiên Chúa nhắc cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa gần gũi với nhân loại như một trẻ thơ gần gũi với người mẹ mang nó trong lòng.

Từ mẹ – mater – cũng nhắc tới từ vật chất materia. Trong Mẹ mình, Thiên Chúa trên Trời, Thiên Chúa vô biên, đã trở thành bé nhỏ, đã trở thành vật thể, không chỉ để ở với chúng ta mà cũng như chúng ta. Đó là phép lạ, là sự mới mẻ: con người không cô đơn, mồ côi nữa, nhưng luôn mãi là con. Năm mở ra với sự mới mẻ này. Và chúng ta công bố sự mới mẻ như thế bằng cách nói Mẹ Thiên Chúa. Đó là niềm vui biết rằng sự cô đơn của chúng ta đã được thắng vượt. Đó là vẻ đẹp biết rằng mình là con được yêu thương, biết rằng tuổi thơ của chúng ta sẽ không bao giờ bị lấy mất đi nữa. Đó là phản chiếu trong Thiên Chúa giòn mỏng và bé thơ trong tay Mẹ, và thấy rằng nhân loại thân yêu và thánh thiêng đối với Chúa. Vì vậy, phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa và mọi sự sống, từ sự sống trong lòng mẹ cho tới sự sống của người già khổ đau và bệnh tật, cho tới sự sống gây khó chịu và cả kinh tởm, đều được tiếp nhận, yêu thương và trợ giúp.

Bây giờ chúng ta hãy để bài Tin Mừng hôm nay hướng dẫn. Chỉ có một điều được nói về Mẹ Thiên Chúa: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này và suy ngẫm trong lòng” (Lc 2:19). Mẹ đã giữ chúng. Mẹ chỉ đơn giản giữ lại; Đức Maria không nói. Tin Mừng không thuật lại một lời nào của Mẹ trong toàn bộ câu chuyện về Lễ Giáng Sinh. Ở đây cũng vậy, Mẹ kết hiệp với Con: Chúa Giêsu bé thơ “không lời”. Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng “từ lâu đã nói bằng nhiều cách khác nhau” (Dt 1:1), giờ đây, trong “thời gian viên mãn” (Gl 4:4), đã im lặng. Vị Thiên Chúa mà mọi người phải im lặng trước mặt chính là một hài nhi không nói nên lời. Đấng Toàn Năng không nói nên lời; mầu nhiệm tình yêu của Ngài được bộc lộ trong sự thấp hèn. Sự im lặng và thấp hèn này là ngôn ngữ vương quyền của Ngài. Đức Mẹ hiệp cùng với Con của Mẹ và giữ những điều này trong im lặng.

Sự thinh lặng cũng nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn giữ gìn mình, chúng ta cần thinh lặng ngắm nhìn máng cỏ, để hiểu rằng mình được yêu thương. Khi nhìn máng cỏ, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu nói với con tim chúng ra rằng sự bé nhỏ của Ngài tháo gỡ tính kêu căng của chúng ta xuống, sự nghèo khó của Ngài khuấy động các sang trọng của chúng ta, sự hiền dịu của Ngài đánh động con tim vô cảm của chúng ta. Dành ra mỗi ngày một lúc thinh lặng với Chúa là giữ gìn linh hồn chúng ta, là giữ gìn sự tự do của chúng ta khỏi cái tầm thường của tiêu thụ và khỏi các quay cuồng của quảng cáo, khỏi cái lan tràn của những lời trống rỗng và khỏi các làn sóng đảo lộn của các bép xép và tiếng động.

Tin Mừng tiếp tục nói rằng Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những điều này và suy ngẫm trong lòng. Những thứ này là gì? Đó là những niềm vui và nỗi buồn. Một đàng là sự kiện Chúa Giêsu sinh ra, tình yêu của thánh Giuse, cuộc viếng thăm của các mục đồng, đêm ánh sáng. Nhưng đàng khác là tương lai không chắc chắn, thiếu nhà cửa, không tìm ra chỗ trọ, nỗi phiền muộn bị khước từ, sự thất vọng đã phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng dành cho súc vật. Các niềm hy vọng và các âu lo, ánh sáng và bóng tối. Tất cả những điều này đều được giữ trong lòng Đức Maria. Những gì Mẹ đã làm những gì? Mẹ đã suy ngẫm về chúng, nghĩa là Mẹ đã ở trong chúng, với Thiên Chúa, trong lòng mình. Mẹ không giữ lại gì; Mẹ không khóa gì bên trong vì tủi thân hay oán giận. Thay vào đó, Mẹ đã giao phó mọi thứ cho Chúa. Đó là cách Mẹ “giữ” những điều đó. Chúng ta “giữ” mọi thứ khi chúng ta trao chúng: bằng cách không để cuộc sống của mình trở thành nạn nhân của sợ hãi, đau khổ hay mê tín, bằng cách không khép kín trái tim mình hoặc cố gắng quên đi, nhưng bằng cách biến mọi thứ thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng lưu tâm đến chúng ta, rồi đến ngự trong đời sống chúng ta.

Đó là những bí mật của Mẹ Thiên Chúa: âm thầm trân trọng mọi sự và đem đến cho Thiên Chúa. Và Tin Mừng kết luận điều này đã diễn ra trong tâm hồn Mẹ. Tâm hồn khiến chúng ta nhìn vào cốt lõi của con người, tình cảm và cuộc sống của họ. Vào đầu năm, chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu trên đường hành hương, cảm thấy cần phải lên đường một lần nữa từ trung tâm, bỏ lại những gánh nặng của quá khứ và bắt đầu lại từ những điều thực sự quan trọng.

Hôm nay, trước mắt chúng ta là điểm khởi hành: Mẹ Thiên Chúa. Vì Đức Maria là điều Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành, điều Ngài muốn Giáo hội của Ngài trở thành: một Người Mẹ dịu dàng và khiêm nhường, nghèo vật chất và giàu tình yêu, thoát khỏi tội lỗi và kết hợp với Chúa Giêsu, giữ Thiên Chúa trong lòng chúng ta và cũng giữ những người anh em xung quanh trong cuộc sống của chúng ta. Để lên đường trở lại, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ của chúng ta. Trong trái tim của Mẹ có nhịp đập trái tim của Giáo hội. Lễ hôm nay nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn tiến lên, chúng ta cần quay trở lại: bắt đầu lại từ máng cỏ, từ Người Mẹ ôm Thiên Chúa trong tay.

Việc sùng kính Đức Maria không phải là nghi thức thiêng liêng; đó là một đòi hỏi của đời sống Kitô hữu. Nhìn lên Mẹ, chúng ta được yêu cầu bỏ lại đằng sau tất cả những hành trang vô dụng và tái khám phá những gì thực sự quan trọng. Món quà của Người Mẹ, món quà của mọi người mẹ và mọi người nữ, là quý giá nhất đối với Giáo hội, vì Mẹ cũng là mẹ và là người nữ. Trong khi người đàn ông thường trừu tượng, khẳng định và áp đặt các ý tưởng, thì người phụ nữ, người mẹ, biết “giữ”, gói ghém mọi thứ trong trái tim mình, để trao ban sự sống. Nếu đức tin của chúng ta không bị thu gọn thành một ý tưởng hay một học thuyết, tất cả chúng ta cần có một trái tim người mẹ, một trái tim biết giữ gìn tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa và cảm nhận được nhịp tim của mọi người xung quanh.

Xin Mẹ, thụ tạo tốt đẹp nhất của Thiên Chúa, bảo vệ và gìn giữ năm nay, đồng thời mang bình an của Con Mẹ đến tâm hồn chúng ta và thế giới của chúng ta. Và với tư cách là trẻ thơ, với sự đơn sơ, tôi mời gọi các bạn chào Mẹ như các Kitô hữu đã làm tại Êphêsô trước sự hiện diện của các giám mục của họ: “Thánh Mẫu Thiên Chúa!”. Chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần, nhìn lên Mẹ [quay sang Tượng Đức Mẹ bên cạnh bàn thờ]: “Thánh Mẫu Thiên Chúa!”.

Nguồn: archivioradiovaticana.va